Phục hồi kinh tế hậu COVID-19: Chính sách cần đúng và đủ!

Diendandoanhnghiep.vn Chỉ cần chính sách đúng và đủ sẽ đưa vị thế, sự phát triển kinh tế của Việt Nam vươn xa sau dịch COVID-19.

Tính đến 06h giờ ngày 01/06, Việt Nam không có ca mắc mới Covid-19. Vậy là, đã 46 ngày Việt Nam không phát hiện ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.

Có 279 bệnh nhân đã được chữa khỏi, tương ứng với tỷ lệ khỏi bệnh đạt 85%. Hiện còn 49 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Trong đó, 29 bệnh nhân đã âm tính từ 1-2 lần với virus SARS-CoV-2, chỉ còn 20 bệnh nhân dương tính.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 với những tác động tiêu cực lên toàn cầu cả về kinh tế và y tế, đã chặn đà phát triển khá tích cực của Việt Nam trong thời gian qua.

Bằng chứng là, theo con số tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 được World Bank dự báo (ngày 31/3) đạt 4,9% theo kịch bản cơ sở và 1,5% theo kịch bản bi quan. Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) ngày 03/4 dự báo đạt 4,8%. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 14/4 dự báo khoảng 2,7%.

Trong nỗ lực chống dịch và khôi phục nền kinh tế, nhiều chính sách quan trọng đã được Thủ tướng, Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền kịp thời ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.

Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết: “Điều mong muốn nhất của cộng đồng doanh nghiệp lúc này là các cơ quan, tổ chức thúc đẩy thực thi nhanh, hiệu quả, minh bạch và công tâm các gói hỗ trợ đã ban hành. Vì ‘một miếng khi đói bằng một gói khi no’, hỗ trợ sớm sẽ giúp doanh nghiệp thêm cơ hội sống sót, chậm một ngày doanh nghiệp có thể sẽ không còn và lúc đó biện pháp nào cũng không còn tác dụng”.

Bên cạnh đó, Chủ tịch VCCI cũng cho rằng, giải ngân khoản đầu tư công khoảng 30 tỷ USD (700 nghìn tỷ đồng) ‘tiền tươi, thóc thật’ đang nằm trong ‘túi’ của các bộ, ngành và địa phương có thể tạo ra cú huých quan trọng để nền kinh tế phục hồi tốt sau dịch. Phát huy vai trò của thể chế, bảo đảm huy động được tổng lực các nguồn lực xã hội, không có lý do gì, chúng ta không thể đạt được tốc độ tăng trưởng GDP hơn 5% trong năm nay như mục tiêu Chính phủ đặt ra.

Tín hiệu đáng mừng là uy tín và vị thế của Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao qua những thành công đạt được từ công cuộc phòng, chống dịch COVID 19. Bộ Kế hoạch – Đầu tư đánh giá, đây là ‘cơ hội vàng’ để thế giới biết tới Việt Nam với lợi thế đặc biệt về ‘sự tin cậy chiến lược’, là điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch tới Việt Nam.

Không những vậy, trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 vẫn đang có những diễn biến rất phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc kiểm soát tốt dịch bệnh ở Việt Nam đã tạo lợi thế rất lớn để có thể đi trước một bước trong công cuộc phục hồi nền kinh tế, thiết lập vị trí mới trên trường quốc tế.

“Việt Nam hiện đang có vị thế tốt để đón đầu các cơ hội đầu tư kinh doanh mới và đẩy mạnh phát triển kinh tế ổn định. Các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ cùng doanh nghiệp Việt Nam tạo mối liên kết mạnh mẽ để xây dựng chuỗi cung ứng mới trong bối cảnh Covid-19, đồng thời cam kết đồng hành, cùng Việt Nam hồi phục nền kinh tế, phát triển trong tương lai” - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Nicolas Audier nhìn nhận. 

Từ đây có thể thấy, Việt Nam không thiếu tiềm lực, uy tín để phát triển, hợp tác kinh tế với các nước bạn. Có chăng chỉ là, cần làm tốt hơn các chính sách thiết yếu, để rút ngắn thời gian thúc đẩy hình thành các cơ sở hợp tác giữa hai quốc gia.

Nói cách khác, chỉ cần chính sách đúng và đủ sẽ đưa vị thế, sự phát triển kinh tế của Việt Nam vươn xa. Với chủ trương, chiến lược “mở cửa”, tạo mọi điều kiện như chính sách hiện nay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang theo đuổi, các ban ngành liên quan trực thuộc Chính phủ đang đẩy mạnh xúc tiến, đó chính là những điểm cộng cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam, cho thời kỳ hội nhập quốc tế ở tầm cao mới. 

Để tranh thủ luồng đầu tư dịch chuyển vào Việt Nam sau dịch COVID 19, trọng tâm là các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao, đứng đầu các chuỗi cung ứng, thì người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra các chiến lược cần thực hiện, trên tinh thần tiến công, chủ động, đón đầu.

Nếu chúng ta không chuẩn bị trước mọi việc, có nghĩa là đã chuẩn bị cho sự thất bại. Vì thế, vẫn phải trên tinh thần của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Chúng ta chống dịch COVID-19 bước đầu thành công nhưng phải lo phát triển đất nước thì mới đạt thắng lợi kép. Nếu như Việt Nam không đầu tư phát triển, kể cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, thì không bao giờ thành công”.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Phục hồi kinh tế hậu COVID-19: Chính sách cần đúng và đủ! tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711707882 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711707882 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10