Phát triển điện sạch: Vì sao nhà đầu tư nước ngoài kêu ngại, kêu khó và xin rút đầu tư?

Ngọc Hà 24/02/2018 11:30

Câu chuyện nhà đầu tư nước ngoài “kêu khó” về giá và hợp đồng mẫu trong mua bán điện sạch đã không còn là câu chuyện mới. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài gửi báo cáo xin rút đầu tư vì lợi nhuận không đảm bảo dấy lên lo ngại, liệu có phải những chính sách hỗ trợ về giá điện của Việt Nam chưa thực sự hấp dẫn?

Nhà máy điện gió tại tỉnh Bạc Liêu (Nguồn: Internet).

Nhà máy điện gió tại tỉnh Bạc Liêu (Nguồn: Internet).

Doanh nghiệp kêu khó

Mới đây nhất, Công ty Solarpark Global I&D (Hàn Quốc) có báo cáo gửi UBND tỉnh Đắk Lắk xin ngừng triển khai dự án xây dựng nhà máy điện mặt trời trên hồ Ea Súp Thượng với tổng vốn đầu tư dao động từ 600 triệu USD – 1 tỷ USD, có công suất từ 300 – 500 MW.

Lý do mà nhà đầu tư Hàn Quốc đưa ra đó là mức giá bán điện năng sạch không đảm bảo sinh lời cho nhà đầu tư theo quyết định số 11/2017/QĐ-TTg, ngày 11-4-2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, quy định giá bán điện mặt trời là 9,35cent/kWh, tương đương 2.086 đồng/kWh được áp dụng đến ngày 30-6-2019, sau đó dự kiến giảm xuống thấp hơn.

Mặc dù trước đó, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai các chính sách như: sớm giao quỹ đất sạch cho nhà đầu tư, được bao tiêu toàn bộ sản lượng điện với giá 9,35 cent/kWh, được tận dụng khoảng đất dự án để sản xuất nông nghiệp tạo thêm nguồn thu. Ngoài ra, ngay sau khi kí biên bản ghi nhớ với tỉnh Đắk Lắk, nhà đầu tư Hàn Quốc đã tiến hành khảo sát, lập dự án đầu tư, triển khai thủ tục đấu nối vào hệ thống lưới điện quốc gia.

Cùng lý do với nhà đầu tư Hàn Quốc vừa nêu, ông Tô Hoài Dân – Chủ đầu tư dự án điện gió tỉnh Bạc Liêu cũng cho rằng, khi bắt tay vào các dự án đầu tư điện sạch, những trở ngại về khó khăn tài chính khi doanh nghiệp phải cân đối giữa lợi nhuận và lãi suất ngân hàng cũng khiến doanh nghiệp “ngại” đầu tư.

Ngoài ra, được biết, hiện nay nhiều tổ chức tài chính không quá hào hứng với các dự án vay vốn, cấp vốn đầu tư cho các dự án điện năng bởi thoả thuận mua bán điện mẫu có nhiều yếu tố không chắc chắn, rõ ràng.

Không chỉ có nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp trong nước mà chính ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng đã từng cho biết rằng, Bộ đặc biệt đang quan tâm đến công tác thu hút đầu tư vào các dự án điện và dầu khí, tuy nhiên những ngành này đang gặp khó khăn và thách thức do chính sách giá chưa khuyến khích mặc dù Việt Nam được đánh giá là 1 trong 6 quốc gia có chính sách đầu tư cởi mở nhất ở khu vực châu Á.

Cơ quan quản lý… chưa có kinh nghiệm triển khai

Tuy nhiên, câu chuyện về giá thôi chưa phải là tất cả, bà Sonia Lioret - trưởng dự án Năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng thuộc Chương trình hỗ trợ năng lượng Bộ Công thương (GIZ) chi ra, nguyên nhân khiến nhà đầu tư nước ngoài và trong nước không “mặn mà” là cả nhà đầu tư lẫn cơ quan quản lý, cùng nhà vận hành lưới điện đều chưa có kinh nghiệm triển khai.

Được biết, hiện nay các dự án điện mặt trời quy mô lớn đều tập trung vào các tỉnh như Đắk Lắk 10 dự án, Bình định 25 dự án, Bình Thuận 19 dự án, nhưng sẽ chỉ có một số dự án được cấp phép. Bởi, năng lực tiếp nhận điện tái tạo của lưới điện tại các địa phương này còn hạn chế, dẫn tới khó có thể cấp phép đầu tư.

Theo số liệu chưa chính thức, tính đến thời điểm hiện nay, có 40 dự án đăng ký vào đầu tư năng lượng sạch, song mới chỉ có 4 dự án đi vào triển khai, như vậy con số thực hiện mới chỉ bằng 1/10 con số đăng ký. Khoảng cách giữa vốn đăng ký và vốn thực hiện còn quá xa nhau. Không thừa khi lo ngại rằng, chiến lược theo quy hoạch, đến năm 2020 điện mặt trời chiếm 850 MW và 12.000 MW vào năm 2030. Riêng điện gió được quy hoạch đến năm 2020 đạt khoảng 800 MW, năm 2025 đạt 2.000 MW và đến năm 2030 đạt khoảng 6.000 MW sẽ còn khá xa.

Ngọc Hà