Phá vỡ "lực cản" đầu tư vào nông nghiệp
33,46 triệu USD là còn số đăng ký đầu tư mới FDI vào ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản Việt Nam trong quý I/2018. Mặc dù có “nhỉnh” hơn so với giai đoạn trước song vẫn là con số ít ỏi.
Cụ thể, theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài, Quý I/2018 có 4 dự án đầu tư mới, trị giá 23,49 triệu USD, trong đó có 2 dự án tăng vốn trị giá 6,68 triệu USD. Quý I/2018 cũng ghi nhận 5 lượt góp vốn mua cổ phần trị giá 3,29 triệu USD trong ngành nông nghiệp. Tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 33,46 triệu USD, mới chỉ chiếm chưa tới 6% tổng giá trị thu hút FDI của Việt Nam trong giai đoạn này.
Điều này vốn không có gì là ngạc nhiên, khi “sân chơi” nông nghiệp của Việt Nam vẫn nghiêng về doanh nghiệp nội, nhà đầu tư ngoại thì vẫn “nhởn nhơ” nếu không muốn nói là “ngại”. Câu hỏi đặt ra là, rõ ràng tiềm năng thị trường nông nghiệp được đánh giá là cao, chủ trương chính sách đều có cả, song cả nhà đầu tư nội và ngoại vẫn “e dè”.
Lực cản nào?
Theo lý giải của Cục đầu tư nước ngoài, thu hút FDI vào nông nghiệp chỉ ở những dự án nhỏ lẻ, tập trung vào chế biến thủy sản, hoa quả tại một số địa phương. Chưa có "đại gia" ngoại nào nhảy vào lĩnh vực nông nghiệp bằng việc bỏ vốn trồng rau quả quy mô lớn tại Việt Nam theo hình thức đầu tư công nghệ cao, hữu cơ.
Các đối tác đầu tư nông nghiệp Việt Nam hiện chỉ có Nhật, Mỹ, Hàn Quốc... Hiện, giá trị ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn thấp so với tiềm năng, các ngành chậm chuyển đổi và phát triển nhất là trồng trọt và đánh bắt thủy hải sản. Trong khi đó, ngành chuyển đổi nhanh là chăn nuôi gia súc, gia cầm; chế biến thủy sản...thì đang giảm "tốc".
Mặc dù chủ trương kêu gọi vốn đầu tư trong và ngoài nước vào ngành nông nghiệp đang được Chính phủ ưu tiên với nhiều chính sách về đất, thuế quan và thị trường nhưng số vốn đầu tư vào ngành vẫn chậm thay đổi.
Theo dự đoán của giới chuyên gia, rất khó để thu hút vốn ngoại vào Việt Nam khi chỉ có những thay đổi từ thuế, đất đai và chính sách vốn. Điều các doanh nghiệp ngoại quan tâm hiện nay chính là phát triển theo chuỗi nông nghiệp hàng hóa và đất sống cho nông nghiệp hữu cơ để giúp sản phẩm tiêu thụ tại trong nước hoặc xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn khó khăn trong việc nhập giống, công nghệ và kỹ thuật canh tác nông nghiệp công nghệ cao từ các nước phát triển do vướng mắc trong sở hữu trí tuệ, mua quyền sáng chế. Điều này góp phần làm cản trở hiện đại hóa ngành nông nghiệp.
Như vậy có thể thấy, mặc dù đã có các cơ chế chính sách tuy nhiên, những cơ chế chính sách chưa thực sự tạo được “từ trường” để doanh nghiệp cảm thấy thông thoáng và mạnh dạn đầu tư.
Cởi nút thắt
Tuy nhiên, Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vừa được ban hành được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới cho sự phát triển của ngành nông nghiệp.
Theo đó, NĐ 57 đã giảm tối đa các hỗ trợ trực tiếp (bằng tiền), điều chỉnh các mức hỗ trợ đủ sức hấp dẫn đối với doanh nghiệp nhưng phù hợp khả năng cân đối ngân sách nhà nước và cơ chế thị trường, chỉ hỗ trợ một phần trong tổng mức đầu tư nhằm tạo trách nhiệm đầu tư hiệu quả của đồng vốn, ngăn ngừa trục lợi chính sách. Các hỗ trợ trực tiếp chỉ còn tập trung vào một số sản phẩm có tiềm năng, lợi thế cần khuyến khích phát triển.
Đồng thời NĐ 57 đã bổ sung các hỗ trợ theo thẩm quyền của Chính phủ được giao tại các luật chuyên ngành: mức miễn giảm tiền sử dụng đất; miễn giảm một số thủ tục theo pháp luật về xây dựng; cho phép chủ đầu tư dự án thực hiện song song hoặc lồng ghép các thủ tục về đất đai, môi trường, xây dựng và nhận hỗ trợ.
Theo ông Nguyễn Thanh Dương, Vụ trưởng Vụ Kinh tế nông nghiệp thuộc Bộ KH&ĐT, Phó Trưởng Ban soạn thảo: "Điểm mới nhất, quan trọng nhất trong các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo NĐ 57 là dự án thuộc danh mục khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nông thôn sẽ không phải làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư (theo quy định tại Điều 32 Luật Đầu tư). Thủ tục này sẽ do cơ quan nhà nước thực hiện và trình UBND tỉnh phê duyệt quyết định đầu tư cho toàn danh mục."