Các tỉnh, thành vùng ĐBSCL chưa có quy hoạch chiếu sáng
Thông tin trên được Phó chủ tịch Hội chiếu sáng Việt Nam Lâm Hữu Tùng cho biết tại hội nghị chiếu sáng khu vực ĐBSCL diễn ra vào sáng ngày 9/11.
Theo ông Tùng: do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan và điều kiện kinh phí còn hạn chế, cơ sở hạ tầng phát triển chưa đồng bộ, nên hiện nay các địa phương trong khu vực đã có Quy hoạch đô thị, nhưng nhiều địa phương chưa có Quy hoạch chiếu sáng đô thị được duyệt hoặc chưa được lập Quy hoạch chiếu sáng đô thị, nên từ đó khi triển khai thực hiện các công trình chiếu sáng công cộng chỉ giải quyết được yêu cầu sử dụng tạm thời, chưa mang tính chiến lược, lâu dài và bền vững để phù hợp với điều kiện tự nhiên, đặc điểm kinh tế, xã hội, tính chất, chức năng và đặc thù của mỗi đô thị.
Nguồn vốn đầu tư cho phát triển chiếu sáng đô thị hiện nay chỉ từ nguồn ngân sách mà chưa thu hút được vốn xã hội hóa. Nguyên nhân: do cơ chế chính sách còn nhiều bất cập, nên việc kêu gọi đầu tư phát triển lĩnh vực chiếu sáng đô thị chưa thực sự thu hút các tổ chức, cá nhân và các thành phần kinh tế tham gia.
Hiện nay, các nhà đầu tư đưa ra nhiều bài toán về thực hiện chuyển đổi tất cả các loại đèn chiếu sáng sang đèn led. Tuy nhiên, mỗi phương án đầu tư lại khác nhau cả về mặt công nghệ, thông số kỹ thuật đèn, giá trị thiết bị, vòng đời dự án… Do đó, về định hướng cần có chuyên gia, đơn vị có đủ năng lực thực hiện phản biện, nhận định về mặt công nghệ, đánh giá, thẩm định về mặt chất lượng, đánh giá rủi ro… nhằm ngăn chặn những sản phẩm led không chất lượng trong việc đầu tư. Phân kỳ đầu tư, nhằm hạn chế rủi ro cũng như đánh giá được hiệu quả thiết thực, tránh đầu tư ồ ạt. Đồng thời đối với tất cả các loại đèn cũ, cần có giải pháp tốt hơn phương án thanh lý, bán đấu giá hoặc chuyển từ nơi này sang nơi khác như hiện nay.
Vấn đề cần quan tâm trong việc đầu tư là kinh phí để thực hiện công tác duy trì, chăm sóc, bảo dưỡng… sau khi đầu tư vì hiện nay định mức công tác duy trì trạm chiếu sáng cho phép thực hiện mỗi ngày (theo Quyết định số 594/QĐ-BXD ngày 30/5/2014 của Bộ Xây dựng) nhằm kiểm tra độ an toàn lưới điện, kiểm tra chất lượng đèn, ghi nhận hư tắt, xử lý sự cố, bảo dưỡng thiết bị tại tủ, kiểm tra rò rĩ điện năng… nhưng do kinh phí hạn chế nên công tác này giảm số lần thực hiện, có địa phương thực hiện chỉ 2 lần/tuần. Việc giảm tần suất thực hiện chỉ giải quyết tạm thời về kinh phí nhưng sẽ làm tăng mức độ nguy hiểm cao nếu không được duy trì, kiểm tra hằng ngày, một cách thường xuyên, nhất là trường hợp xử lý những vấn đề rò rĩ điện năng, có thể ảnh hưởng đến tính mạng con người trong cộng đồng do một sự cố về điện không được xử lý kịp thời hoặc những ngày không có trực quản lý vận hành. Thực tế đã có nhiều địa phương xảy ra sự cố rò rĩ, đứt cáp điện dẫn đến tại nạn đáng tiếc về điện như ở tỉnh Long An và TP.Cần Thơ mới đây.
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng: Các đơn vị quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị hiện nay đều có năng lực về đội ngũ cán bộ và công nhân; trang thiết bị và phương tiện kỹ thuật hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu phát triển về lâu dài.
Việc áp dụng phương thức cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích theo Nghị định 130/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ đối với việc lựa chọn đơn vị quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị các địa phương thực hiện chưa đồng nhất, cơ chế không ổn định, có địa phương tổ chức bằng hình thức đấu thầu, có địa phương thì tổ chức đặt hàng hoặc giao kế hoạch và thời gian ký kết thực hiện hợp đồng quản lý, vận hành chỉ được ký từng năm. Từ đó việc cung ứng dịch vụ công ích mang tính thời vụ, thiếu tính bền vững nên ảnh hưởng đến tâm lý, chiến lược đầu tư làm cho các đơn vị chưa mạnh dạn trong đầu tư, mua sắm các phương tiện, thiết bị, nhân lực vì khả năng thu hồi vốn đầu tư, tính khả thi chưa có cơ sở tính toán xác định cụ thể, từ đó ít nhiều làm hạn chế năng lực hoạt động của các đơn vị quản lý, vận hành.
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu về chiếu sáng đô thị phục vụ công tác quản lý chiếu sáng trên địa bàn các tỉnh trong khu vực còn nhiều bất cập, chưa được thực hiện đầy đủ, khoa học do trước đây hệ thống chiếu sáng công cộng tại thành phố, quận huyện, thị xã do nhiều đơn vị quản lý, chưa thống nhất về một đơn vị đầu mối quản lý.
Theo số liệu của Chi hội Chiếu sáng khu vực ĐBSCL: hệ thống chiếu sáng công cộng tại khu vực này đạt gần 153.000 bộ đèn chiếu sáng các loại và 30.823 bộ đèn led trang trí. Trong đó, về chiếu sáng đường phố có gần 100.000 bộ đèn cao áp, đèn led đạt tỷ lệ chiếu sáng đô thị đạt 99%; về chiếu sáng ngõ xóm có hơn 50.000 bộ đèn các loại, đạt tỷ lệ chiếu sáng 79%.
Số liệu thống kê năm 2018 cho thấy, tỉ lệ sử dụng đèn cao áp chiếm 63%, đèn compact chiếm 21%, đèn huỳnh quang chiếm 12%, đèn led chiếm tỉ lệ là 4%. So với năm 2017, số lượng đèn cao áp, đèn led tăng hơn 10.000 bộ, đèn compact, đèn huỳnh quang giảm gần 3.000bộ. Định hướng phát triển chiếu sáng đã dần chuyển dịch sang sử dụng công nghệ đèn led, với những đặc tính ưu việt về hiệu suất phát quang, độ kín quang học, tuổi thọ… khi thực hiện chuyển đổi sang đèn led thì tỉ số tiết giảm điện năng tiêu thụ tỉ lệ thuận với tỉ số hiệu suất phát quang trước và sau khi chuyển đổi. Đồng thời hướng dần tối ưu hóa hệ thống chiếu sáng công cộng kết hợp đầu tư kết cấu lưới điện (trụ điện, móng trụ, dây dẫn…), là bước chuẩn bị, là bước cơ sở cho việc ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào lĩnh vực chiếu sáng đô thị thông minh.