Triển vọng phát triển công nghệ sản xuất bê tông đúc sẵn tại Việt Nam
Việc khánh thành thêm một nhà máy sản xuất bê tông lắp ghép đúc sẵn tại Việt Nam. Đây là bước đánh dấu sự cải tổ của công nghệ xây dựng, đảm bảo chất lượng công trình theo tiêu chuẩn quốc tế.
Mặc dù là Công nghệ có lịch sử hình thành lâu đời trên thế giới. Nhưng với Việt Nam, công nghệ thi công bê tông lắp ghép sẵn này còn chưa được phổ biến. Ưu điểm lớn nhất của công nghệ này là công nghiệp hóa được ngành Xây dựng và giảm thiểu thời gian xây dựng.
Theo đó, công trình xây dựng chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố trong suốt thời gian xây dựng mà yếu tố khí hậu trong điều kiện xây dựng ở Việt Nam có tác động không nhỏ ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công trình.
"Mặt khác, do phần lớn cấu kiện được sản xuất theo dây chuyền công nghiệp thông qua các công đoạn kiểm tra trong nhà xưởng nên chất lượng sản phẩm được đảm bảo ở mức tốt nhất. Các công việc còn lại ở hiện trường giảm thiểu đáng kể thời gian, nhân lực và đặc biệt là giảm khối lượng vật liệu cho biện pháp thi công như đà giáo, cốp pha so với việc đổ bê tông tại chỗ”, PGS.TS Trần Chủng - chuyên gia Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, cố vấn cao cấp Viện KHCNXD chia sẻ.
Đặc biệt, đây được xem là xu hướng đầu tư xây dựng hiện đại. Nói như ông Nguyễn Hoàng Giang - PGS.TS, Viện trưởng Viện CNC Việt Nhật, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế Đại học Xây Dựng, Việt Nam đang bước vào giai đoạn chú trọng phát triển hiện đại, tự động hoá nâng cao chất lượng xây dựng.
“Sản phẩm bê tông đúc sẵn giúp giảm giá thành nhân công, chất lượng cao giá thành tốt, là định hướng phù hợp với mục tiêu phát triển, mang lại nhiều giá trị ưu thế cho doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam”, ông Giang nhấn mạnh.
Mặc dù ưu điểm là vậy, tuy nhiên theo ông Nguyễn Hữu Tĩnh – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám Công ty CP Ứng dựng và chuyển giao công nghệ xây dựng CJSC cho biết, đã và đang có nhiều công nghệ sản xuất bê tông lắp ghép nhưng thành công thu được còn rất ít do sự dè dặt của thị trường và của chính những người đầu tư và thiếu sự đồng bộ sản phẩm của người làm chủ công nghệ.
Có thể bạn quan tâm
Bê tông độn đá cuội, đường hỏng, cầu lún: "Giải pháp" đầu tiên là... cãi!
06:12, 07/11/2018
Bê tông thương phẩm lao đao vì giá cát tăng
09:00, 07/10/2018
Do đó, việc khánh thành và ra mắt sản phẩm bê tông lắp ghép của nhà máy HRC góp phần làm phong phú hơn trong các giải pháp xây dựng hiện nay. Tạo đà thúc đẩy các giải pháp mới và thay đổi tư duy xây lắp truyền thống hiện nay ở Việt nam. Với giai đoạn đầu cung cấp ra thị trường 50.000m2/năm tấm tường Bê tông lắp ghép.
“CJSC sẽ đi tiên phong đóng góp thêm một chút nỗ lực, thêm một sự cố gắng để cùng với các doanh nghiệp khác đưa những công nghệ tiên tiến hơn, vật liệu xây dựng ưu việt hơn về Việt nam. Góp phần phát triển ngành xây dựng, môi trường sinh thái của chúng ta xanh, sạch hơn, bền vững hơn. Và HRC chỉ thành công khi được thị trường sẵn sàng đón nhận công nghệ một cách tin tưởng”, ông Tĩnh nhấn mạnh.
Chia sẻ về giá cả sản phẩm này, ông Tĩnh cho biết các nhà sản xuất đưa giá về ngang bằng mức giá thi công của các phương pháp xây dựng truyền thống, nhưng tiết kiệm thời gian và chi phí nhân công hơn cho nhà đầu tư. Việc ứng dụng sản phẩm bê tông lắp ghép HRC sẽ giúp việc xây dựng các công trình công nghiệp, các đơn vị nhà ở trong khu đô thị trở nên nhanh hơn, bền vững hơn, tiết kiệm chi phí, sử dụng ít nhân công hơn và giảm thiểu tối đa các tác động đến môi trường.
Ví dụ, sử dụng sản phẩm bê tông lắp ghép HRC có cường độ cao với liên kết bulong trong quá trình thi công, những ngôi nhà có diện tích sàn trung bình 150m2 đến 200m2 và quy mô 3 đến 4 tầng: thời gian thi công phần thô chỉ còn 7-10 ngày. Đối với sản phẩm dạng tấm tường bao công trình: thời gian thi công giảm bằng 1/3 so với sản phẩm tường xây gạch hiện nay.