“Cuộc chơi lớn” cho doanh nghiệp Việt từ “gã khổng lồ” Amazon
Việc Amazon vào Việt Nam chính là cơ hội nâng tầm và đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu cho hàng Việt rất lớn.
Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) vừa công bố hợp tác với Amazon Global Selling để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu thông qua thương mại điện tử.
Cụ thể, đại diện Amazon sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tiếp cận thị trường thế giới, phát triển thương hiệu trên Amazon.com. Đơn vị này cũng có các chương trình đào tạo cho các DNNVV Việt Nam về thương mại điện tử để xúc tiến thương mại, XK hàng hóa và học kỹ năng bán hàng toàn cầu trên đế chế thương mại điện tử lớn này.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho rằng đây là một bước đi quan trọng giúp hàng hóa Việt Nam xuất khẩu ra thế giới. Với việc chính thức hợp tác này sẽ giúp cho các doanh nghiệp Việt có thể tiếp cận và tìm kiếm được 300 triệu khách hàng trên Amazon .
Trên thực tế không phải chỉ đợi đến khi hợp tác này các doanh nghiệp Việt mới bắt đầu bán hàng trên Amazon. Bởi, nhiều người Việt đã không còn xa lạ với trang mua hàng trực tuyến Amazon của Mỹ. Không chỉ ở Mỹ, trên thế giới, Amazon luôn nằm trong top 3 trang thương mại điện tử lớn nhất bởi sự uy tín, quy mô cũng như lượng khách đông đảo. Vì thế, việc được đưa hàng lên kinh doanh tại Amazon là cơ hội cực kỳ đắt giá với các doanh nghiệp thương mại điện tử và người kinh doanh trực tuyến trên toàn cầu, Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Có thể bạn quan tâm
Chợ thương mại điện tử: Giải pháp đột phá của ngành Nông nghiệp Hà Nội
13:54, 12/01/2019
Luồng gió mới cho thị trường thương mại điện tử Việt Nam
06:10, 09/01/2019
Thương mại điện tử Việt Nam: Bùng nổ thị trường, khan hiếm nhân lực
04:29, 13/12/2018
Blockchain, AI sẽ trở thành tương lai của thương mại điện tử?
05:40, 05/12/2018
Theo thống kê từ Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử ở Việt Nam là khá nhanh, trung bình mỗi năm tăng hơn 20%. Không chỉ Việt Nam nhìn thấy tín hiệu tích cực trên mà Amazon cũng nhận ra điều này. Do đó, cũng không quá bất ngờ khi vào cuối tháng 9/2018, lần đầu tiên Amazon đã chủ động đem đội ngũ của mình đến Việt Nam để giải quyết những băn khoăn, trăn trở trong việc đưa hàng Việt đến với thế giới.
Cũng theo số liệu từ Bộ Công Thương, hiện chỉ mới có khoảng 200 doanh nghiệp Việt bán hàng trên Amazon. So với hàng loạt mặt hàng triển vọng từ nông sản, thực phẩm, đồ nội thất... vốn là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam thì con số này còn khiêm tốn.
Cơ hội tiềm năng là rất lớn nhưng để tham gia vào “cuộc chơi lớn” này thì không dễ chút nào đối với các doanh nghiệp đặc biệt là DNNVV của Việt Nam.
Được xem là một trong số các doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên đưa máy đưa võng lên bán ở Amazon. Tuy đã bán hàng được nhiều năm, nhưng anh Nguyễn Thanh Tòng (Công ty An Thái Sơn) đã có lần trao đổi với báo giới và phải thừa nhận rằng, doanh số trên Amazon chỉ chiếm một phần rất nhỏ, khi mỗi tháng chỉ bán khoảng gần 100 trăm chiếc máy và khách chủ yếu là Việt kiều.
Đối với những sản phẩm mang tính phổ thông như cà phê chẳng hạn, nếu không có đặc sắc hơn thì rất khó được khách hàng quan tâm tới. Bởi xu hướng Amazon thích chọn những dòng sản phẩm mang tính độc đáo của quốc gia.
Ví dụ như sản phẩm nước dừa đóng hộp của Betrimex đã chính thức có mặt trên website của Amazon. Giá bán của loại nước dừa này trên Amazon là khoảng 1,7 USD, tương đương với khoảng 40.000 cho 1 lon 330ml. Nhờ xuất khẩu mà doanh nghiệp có vùng dừa Bến Tre này ước tính giá trị của nước dừa đã tăng tới gần 300 lần so với trước đây. Ngoài ra một số mặt hàng như cao sao vàng, mặt hàng chổi đót cũng được rao bán trên mạng Amazon, Ebay... với giá gấp 10 lần trong nước.
Tuy vậy, các doanh nghiệp này cũng cho biết để được bán hàng trên amazon.com, phải đạt yêu cầu về chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm, chứng nhận về nguồn gốc thực phẩm theo tiêu chuẩn Mỹ.
Hiện chỉ có vài công ty tại Việt Nam có thương hiệu mới đáp ứng được các tiêu chí để đưa được sản phẩm lên sàn Amazon. Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), Amazon họ có những quy định riêng mà các doanh nghiệp phải đáp ứng được, thậm chí cần thay đổi ngay từ khâu sản xuất, bao bì, thành phần trong sản phẩm như thế nào...
Lời khuyên của các chuyên gia cho người Việt muốn tham gia bán hàng trên Amazon là phải thông thạo tiếng Anh như chính người bản xứ, hiểu luật chơi của trang, phải có tính kiên nhẫn, rành rẽ phương thức thanh toán, phí chuyển hàng...
Bày tỏ trong cuộc hợp tác với Bộ Công thương vừa diễn ra, ông Bernard Tay - Giám đốc Amazon Global Selling khu vực Đông Nam Á cũng đánh giá, “Việt Nam có thế mạnh về các mặt hàng như đồ gia dụng, may mặc, giày da, thủ công mỹ nghệ… là những mặt hàng có thể bán rất tốt trên Amazon. Chúng tôi đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng hàng đầu Đông Nam Á để xuất khẩu hàng hóa qua Amazon”.
Giám đốc khu vực của Amazon Global Selling tin rằng: “Các DN Việt Nam nổi tiếng với năng lực sản xuất hàng đầu, khi kết hợp với nguồn lực từ khắp thế giới của Amazon sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam phát triển và xây dựng được thương hiệu trên thị trường quốc tế”.
Ông cho biết thêm vào tháng 9/2018, phía Amazon Global Selling đã cho mắt trang Tiếng Việt và một Fanpage bằng Tiếng Việt trên Facebook để hỗ trợ các doanh nghiệp, người bán lẻ có thể tạo tài khoản trên Amazon.