Khu, cụm công nghiệp ĐBSCL “vỡ trận” (Kỳ III): Cạnh tranh không ngang sức

Huỳnh Khởi 28/03/2019 11:00

Nhiều khu, cụm công nghiệp có lợi thế tương đương nhau nhưng chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư thì chênh lệch nhau “một trời, một vực”, tạo nên sự cạnh tranh không sòng phẳng.

Trong khi các KCN Hưng Phú, Hưng Phú 2A, Hưng Phú 2B thuộc địa phận TP.Cần Thơ mời gọi nhà đầu tư thứ cấp thuê đất với giá thấp nhất từ 100 USD/m2/năm thì tại KCN Sông Hậu, Tân Phú Thạnh thuộc tỉnh Hậu Giang nằm “ sát nách” giá cho thuê chỉ bằng 1/3. Xét về lợi thế tương đồng thì các KCN này không có gì khác nhau.

p/KCN Sông Hậu, tỉnh Hậu Giang có lợi thế tương đương KCN Hưng Phú Cần Thơ nhưng giá cho thuê đất chỉ bằng 1/3 KCN Hưng Phú.

KCN Sông Hậu, tỉnh Hậu Giang có lợi thế tương đương KCN Hưng Phú Cần Thơ nhưng giá cho thuê đất chỉ bằng 1/3 KCN Hưng Phú.

Cách nhau con rạch giá đã "một trời, một vực"

Theo lãnh đạo Ban quản lý Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ: KCN Hưng Phú được thành lập vào 2004 với diện tích 474 ha. Lúc đầu do Công ty xây dựng hạ tầng KCN (Cipco) làm chủ đầu tư hạ tầng. Tuy nhiên, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là từ khi địa phương trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương thì chính sách về đất đai, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tăng liên tục, nên Cty xây dựng hạ tầng không còn đủ năng lực để đầu tư cho toàn khu.

Trước khó khăn đó, UBND TP Cần Thơ kêu gọi Công ty CP KCN Sài Gòn-Cần Thơ và Công ty CP ÐT - TM và Xây lắp BMC cùng với Cipco là 3 nhà đầu tư hạ tầng cho KCN này. Tuy nhiên, sau đó Cipco đã gởi công văn xin trả lại dự án (63ha) vì cho rằng đầu tư không hiệu quả và không đủ năng lực để đầu tư. Hai nhà đầu tư còn lại triển khai dự án ì ạch và đã bị lần lượt thu hồi gần hết diện tích được giao.

Theo ông Võ Ngọc Hồ, Tổng giám đốc Cipco: chỉ tính với giá đất đền bù và chi phí xây dựng hạ tầng ở thời điểm năm 2014, giá thành đất công nghiệp đầu ra tại KCN này đã trên 80USD/m2. Đây là mức giá cao nhất so với các KCN trong vùng nên sẽ rất khó khăn khi tìm đầu ra.

Trong khi đó, đối diện KCN Hưng Phú bên kia con rạch Cái Cui, KCN Sông Hậu tỉnh Hậu Giang giá cho thuê đất công nghiệp chỉ bằng 1/3. Còn đối diện bên kia sông Hậu, KCN Bình Minh giá cho thuê đất công nghiệp chỉ bằng 2/3 KCN Hưng Phú.

Cách nào lấy lại công bằng?

Theo đại diện của Công ty CP Dược Hậu Giang và Công ty CP sản xuất kinh doanh thuốc thú y Vemedim-hai doanh nghiệp vừa dời nhà máy về đóng quân tại KCN Tân Phú Thạnh và Sông Hậu- Hậu Giang, họ đã từng muốn đầu tư mở rộng tại TP.Cần Thơ, nhưng sau khi so sánh về lợi thế đầu tư, họ quyết định đầu tư tại KCN Hậu Giang. Vì đầu tư ở đây không những giá thuê đất chỉ bằng 1/3 so với Cần Thơ mà còn được hưởng nhiều ưu đãi khác do KCN Hậu Giang thuộc địa bàn “đặc biệt khó khăn” theo Nghị định 118/2015 của Chính phủ. Đó là chưa kể những khoản tiết kiệm khác như chi phí thuê nhân công rẻ hơn và được áp dụng mức lương tối thiểu vùng 3 để đóng BHXH cho người lao động…

Trong thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp bày tỏ muốn đầu tư tại TP.Cần Thơ như Tập đoàn Masan với dự án Nhà máy bia sư tử trắng, Tập đoàn Tân Hiệp Phát với dự án nhà máy nước giải khát lớn nhất vùng… nhưng sau khi so sánh lợi thế thì đã chuyển hướng đầu tư tại KCN Hậu Giang.

Phó Chủ tịch TP.Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam cho biết để tháo gỡ khó khăn cho KCN Hưng Phú, UBND TP.Cần Thơ đã từng kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về việc giảm 50% giá cho thuê đất, và tăng ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp đầu tư tại KCN Hưng Phú nhưng không được Chính phủ chấp thuận.

Kỳ tới: Xử lý vấn đề KCN bằng cách nào?

Huỳnh Khởi