Trung Quốc dồn dập đầu tư các dự án mới vào Việt Nam
Điểm đáng chú ý là trong cơ cấu vốn đăng ký, Trung Quốc giữ vị trí số 1 về vốn đăng ký cấp mới vào Việt Nam.
Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa báo cáo chi tiết về tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài. Theo đó, trong 4 tháng đầu năm 2019, đã có trong 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, thì Hồng Kông dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 4,7 tỉ USD, chiếm 32,5% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc vươn lên đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,98 tỉ USD, chiếm 13,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,87 tỉ USD, chiếm 12,8% tổng vốn đầu tư, Trung Quốc đứng thứ 4 với 1,6 tỉ USD.
Tuy nhiên, trong cơ cấu vốn đăng ký, Trung Quốc giữ vị trí số một về số vốn đăng ký cấp mới vào Việt Nam trong 4 tháng qua với tổng số vốn đăng ký cấp mới là 1,3 tỉ USD cho 187 dự án.
Một số dự án cụ thể từ Trung Quốc phải kể đến trong 4 tháng qua như, Dự án chế tạo lốp xe Radian toàn thép ACTR, tổng vốn đầu tư đăng ký 280 triệu USD do nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư tại Tây Ninh với mục tiêu sản xuất lốp xe toàn thép TBR. Dự án Công ty TNHH lốp Advance Việt Nam, tổng vốn đầu tư đăng ký 214,4 triệu USD do Guizhou Advance Type Investment co.,ltd đầu tư với mục tiêu Sản xuất, tiêu thụ lốp, cao su và các sản phẩm liên quan tại Tiền Giang…
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng hiện tượng các công ty Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam gia tăng trong thời gian qua chủ yếu xuất phát từ cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung Quốc. Cụ thể, Mỹ đánh thuế cao đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu khiến doanh nghiệp Trung Quốc bị thiệt hại. Chính vì vậy doanh nghiệp Trung Quốc tìm cách đầu tư tại các nước lân cận như Lào, Campuchia và Việt Nam.
“Ngoài ra, Việt Nam đang có nhiều lợi thế vì đã tham gia nhiều hiệp định thương mại mà mới đây nhất là Hiệp định đối tác toàn diện, tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… Vì thế, các nhà đầu tư Trung Quốc tranh thủ cơ hội này góp vốn hoặc mua lại công ty Việt Nam sẽ thuận lợi hơn trong hoạt động xuất khẩu, hưởng nhiều ưu đãi về thuế khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực” - ông Hiếu phân tích.
Cũng theo Cục đầu tư nước ngoài, tính chung đến ngày 20/4/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là 14,59 tỉ USD, tăng 81% so với cùng kỳ 2018. Trong đó, cả nước có 1.082 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới 5,34 tỉ USD, tăng 50,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Và có 395 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 2,11 tỉ USD, bằng 94% so với cùng kỳ năm 2018. Về góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 5,68 tỉ USD, chiếm 52,65 tổng vốn đăng ký. Về vốn thực hiện, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 5,7 tỉ USD, tăng 7,5% so cùng kỳ 2018.
Trong 19 lĩnh vực được đầu tư, tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng vốn gần 10,5 tỉ USD, chiếm 72% tổng vốn đầu tư đăng ký. Bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,1 tỉ USD, chiếm 7,5% tổng vốn đăng ký. Lĩnh vực bán buôn bán lẻ đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký là 742,7 triệu USD, chiếm 5% tổng vốn đầu tư đăng ký.