Bộ tiêu chí Made in Việt Nam cần đáp ứng những yêu cầu nào?
Nhiều chuyên gia khẳng định, đây đã là thời điểm thích hợp để xây dựng Bộ tiêu chí Made in Việt Nam.
Nhiều nhận định cho rằng, với việc Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) ký kết hai thỏa thuận gồm EVFTA và IPA, doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp không ít khó khăn để đáp ứng được các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ được đưa ra.
Doanh nghiệp Việt Nam đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thông thường là nhỏ chứ chưa đến vừa nên năng lực nghiên cứu và phát triển có giới hạn, nguồn lực hạn chế, năng lực sản xuất cũng hạn chế, chưa kể các mối quan hệ làm ăn quốc tế cũng chưa được nhiều. Đây có thể sẽ là trở ngại lớn cho doanh nghiệp Việt nếu không thể tự tạo ra cho mình những chuỗi cung ứng phù hợp để tận dụng ưu đãi thuế quan từ các thỏa thuận thương mại tự do (FTA).
Xung quanh vấn đề này, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trò chuyện với Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW.
Có thể bạn quan tâm
Từ câu chuyện Asanzo bàn về xuất xứ hàng hóa
16:10, 25/06/2019
Cần đơn giản hoá điều kiện xác định trị giá hải quan với hàng hoá
05:00, 24/06/2019
-Thưa ông, việc ký kết EVFTA một lần nữa đặt lại vấn đề xuất xứ hàng hóa và lợi ích của việc đạt tiêu chuẩn hàng “sản xuất ở Việt Nam” mà EU đưa ra. Những khái niệm về “hàng Việt Nam”, “Thương hiệu Việt” hay là “Made in Vietnam”, “xuất xứ hàng Việt Nam”… vẫn còn mập mờ và gây tranh cãi. Theo ông, các khái niệm này phải được hiểu thế nào dưới góc độ của xuất xứ hàng hoá, đặc biệt là những yêu cầu trong EVFTA?
Theo Nghị định 31/2018/NĐ-CP qui định chi tiết luật quản lí ngoại thương về xuất xứ hàng hóa, tại Khoản 1 Điều 3 của Nghị định nêu rõ: “Xuất xứ hàng hóa là nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó”.
Khái niệm hàng hóa Việt Nam có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau như: hàng hóa có xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; hoặc hàng hóa có công đoạn sản xuất tại Việt Nam; hoặc hàng hóa có thương hiệu của Việt Nam.
Điều 9 Nghị định 31/2018/NĐ-CP qui định quy định về công đoạn gia công, chế biến đơn giản là Công đoạn gia công, chế biến sau đây khi được thực hiện riêng rẽ hoặc kết hợp với nhau, được xem là đơn giản và không được xét đến khi xác định xuất xứ hàng hóa tại một nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ:
Đối với hàng hóa đối có thương hiệu của Việt Nam, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 984/QĐ-BCT về Quy chế xây dựng và thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia, với tiêu chí để hàng hóa được gắn mác Giá trị Việt Nam (Vietnam Value) nhằm quảng bá tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu hàng hóa của Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước.
Mặc dù vậy, các văn bản nêu trên tập trung vào quy định về yêu cầu ghi nhãn hàng hóa, bảo hộ chỉ dẫn địa lý và xây dựng thương hiệu Việt Nam.
Hiện chưa có quy định về bộ tiêu chí, cũng như tỉ lệ nội địa hóa để xác định như thế nào là hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam.
-Bộ Công Thương xây dựng bộ tiêu chí dán mác 'Made in Vietnam'. Theo ông, đây đã là thời điểm thích hợp mà Việt Nam xây dựng Bộ Tiêu chí Made in Việt Nam chưa? Và Bộ Tiêu chí này cần đáp ứng được những yêu cầu gì?
Khi tham gia EVFTA, Việt Nam cũng vấp phải những khó khăn trong việc đảm bảo quy tắc xuất xứ của EVFTA để được hưởng mức độ xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới 99,2% số dòng thuế.
Hiện nay, nguồn nguyên liệu cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc và ASEAN.
Nếu không đảm bảo được quy tắc xuất xứ, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU chỉ được hưởng mức thuế đãi ngộ tối huệ quốc chứ không phải là mức thuế suất 0% trong EVFTA.
Do đó, đây là thời điểm thích hợp để xây dựng Bộ tiêu chí về hàng Việt Nam.
Bộ tiêu chí cần xác định rõ nguyên tắc xác định xuất xứ hàng hóa theo nguyên tắc nào, vì đến nay chưa có hướng dẫn rõ ràng.
Việc ban hành sớm sẽ giúp cho doanh nghiệp có sự chủ động trong việc chuẩn bị nguồn lực để hưởng ưu đãi thuế trong EVFTA.
Thực tế trên thế giới, có nhiều phương thức sản xuất được áp lực để làm sản phẩm hàng hóa theo dạng OEM, ODM, OBM. Tuy nhiên, các công thức trên đã được các doanh nghiệp sản xuất đặc biệt là doanh nghiệp hàng điện tử (như một số trường hợp nổi lên gần đây) của Việt Nam tùy biến với nhiều mức độ khác nhau. Ông có bình luận gì về việc này?
OEM là từ viết tắt từ Original Equipment Manufacturer hay còn gọi là nhà sản xuất thiết bị gốc. OEM thường được dùng để chỉ các công ty, công xưởng thực hiện các công việc sản xuất theo thiết kế, thông số kỹ thuật được đặt trước và bán sản phẩm cho công ty khác.
ODM là viết tắt của từ Original Designed Manufacturer hay còn gọi là nhà thiết kế sản phẩm gốc. Công ty ODM là công ty hay công xưởng thực hiện các công việc thiết kế, tạo ra sản phẩm theo sự chỉ định của khách hàng.
Trong trường hợp này, các công ty đã có ý tưởng nhưng gặp khó khăn trong việc tại hình thái mẫu mã của sản phẩm thì doanh nghiệp thuê công ty ODM để giải quyết vấn đề này. Việc biến ý tưởng thành một sản phẩm thực tế là nhiệm vụ chính của các công ty ODM.
Ngoài hai khái niệm thông dụng trên thì có một khái niệm cũng được sử dụng với ký hiệu OBM được viết tắt từ Original Brand Manufacturer hay còn gọi là nhà sản xuất thương hiệu gốc.
Loại hình công ty này khác biệt hoàn toàn với hai loại hình trên. Công ty OBM không đóng vai trò hậu kì như một công ty sản xuất hay thiết kế, nhiệm vụ chính của công ty này là phát triển thương hiệu và duy trì thương hiệu mang lại uy tín tiêu dùng với khách hàng.
Có thể hiểu loại hình công ty này như một thương nhân. Họ không tự sản xuất sản phẩm mà sử dụng sản phẩm, công ty khác mà đặt tên theo thương hiệu của mình.
Các loại hình công ty này thường mang lại được các lợi ích dưới đây:
Thứ nhất, giúp doanh nghiệp trong quá trình tạo sản phẩm mang lại hiệu quả hơn
Sản xuất hoặc thiết kế: Họ cần bên còn lại có thể tạo ra sản phẩm để doanh nghiệp mình kinh doanh hàng hoá trển thị trường. Trường hợp này, doanh nghiệp không có điều kiện như máy móc, thiết bị hoặc nguồn nhân lực có thể sản xuất nhưng muốn kinh doanh mặt hàng này thì việc thuê một công ty khác giúp công ty thực hiện công việc hiệu quả hơn
Quảng bá thương hiệu: Nhiều doanh nghiệp muốn đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhưng không có đủ điều kiện để cạnh tranh trên thị trường thì doanh nghiệp sẽ cung cấp sản phẩm để doanh nghiệp khác bán sản phẩm, hàng hoá này.
Thứ hai, tiết kiệm chi phí.
Có thể việc tự mình sản xuất hoặc thiết kế sẽ khiến doanh nghiệp tạo thêm các chi phí hơn thay vì thuê một công ty dịch vụ, công ty sẽ lựa chọn hình thức này để giảm chi phí lại bớt đi các vấn đề rắc rối phát sinh. Bên cạnh các lợi ích, việc phát triển các loại hình công ty này cũng có một số hạn chế:
Đối với người tiêu dùng: Việc sử dụng một sản phẩm theo uy tín thị trường khiến họ nhầm tưởng sản phẩm mang đúng chất lượng theo mức uy tín đó. Khách hàng tiêu dùng cảm thấy bị lợi dụng và lừa đảo vì chính sản phẩm mà mình lựa chọn.
Đối với OBM: Việc thuê công ty sản xuất hoặc thiết kế sản phẩm sẽ gặp nhiều rủi ro ví như: Trường hợp hai bên không quy định rõ ràng trong hợp đồng thì nếu bên được thuê lật lọng thì ngoài việc uy tín doanh nghiệp giảm sút tạo điều kiện cho chính bên thuê phát triển trên uy tín đối với thương hiệu. Hoặc khách hàng nếu phát hiện ra nhưng thông tin này thì việc khách hàng quay lưng sẽ là điều mà doanh nghiệp không thể tránh khỏi.
Đối với ODM/OEM: Bất cứ công ty nào cũng muốn tự sản xuất và mang bán sản phẩm bằng thương hiệu của mình trên chính công sức và trí tuệ của bản thân. Việc hợp tác với OBM khiến doanh nghiệp không thu lại được mức lợi nhuận tối đa mà doanh nghiệp tạo ra.
-Câu chuyện của Asanzo, Khaisilk… là bài học sâu sắc cho các doanh nghiệp về vấn đề niềm tin và sự chân chính trong làm ăn. Từ sự việc này ông có lời khuyên và cảnh báo pháp lý gì cho các doanh nghiệp Việt nhất là trong bối cảnh hàng loạt các FTA đã, đang và sắp được thực thi?
Trong kinh doanh, ông chủ có tâm là ông chủ biết nghĩ cho nhân viên, cho khách hàng trước khi nghĩ cho chính mình.
Kinh doanh trước tiên là phục vụ khách hàng, bồi đắp đạo đức nhân luân, làm cho xã hội phồn thịnh, sau đó mới là kiếm lấy lợi nhuận cho bản thân.
Bài học dành cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập thì rất nhiều, nhưng có lẽ một trong những bài học vỡ lòng mà các doanh nghiệp của Việt Nam nên học ngay từ đầu là: Kinh doanh trong bất cứ môi trường nào đều phải xuất phát từ cái tâm trong sáng, tư duy chiến lược dài hơi, thượng tôn pháp luật, và thấu hiểu người tiêu dùng.
Mọi sự dối trá, lừa lọc đối với đối tác và người tiêu dùng sớm hay muộn rồi cũng sẽ bị phát hiện, nếu bị phát hiện, một thương hiệu hang chục, hang tram năm cũng sẽ bị phá hủy, người tiêu dùng sẽ là người giết chết thương hiệu bởi mất niềm tin, sau đó mới đến các chế tài của pháp luật.