EVFTA sẽ tác động tới ngành công nghiệp gỗ ra sao?

Phương Thanh 11/07/2019 11:00

Ngành công nghiệp, chế biến gỗ được hưởng lợi đáng kể từ hiệp định thương mại mậu dịch tự do EVFTA.

Theo ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của ngành gỗ và các chế phẩm gỗ Việt Nam, hiện các sản phẩm thuộc ngành này đang xuất khẩu sang 28 nước của EU chiếm tỷ trọng 13-17% tổng kim ngạch thương mại đồ gỗ. Giá trị xuất khẩu sang EU luôn ổn định và duy trì mức tăng trưởng nhẹ. Trong khối này, Anh là quốc gia nhập khẩu sản phẩm gỗ lớn nhất, năm 2018, xuất khẩu vào quốc gia này chiếm hơn 36%, đạt kim ngạch 289 triệu USD, tiếp đến là Anh, Pháp, Đức, Hà Lan…Vào thời gian tới giá trị xuất khẩu ngành gỗ sẽ tăng mạnh khi hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực.

Ngành công nghiêp Gỗ sẽ được lợi đáng kể từ hiệp định EVFTA

Ngành công nghiêp gỗ sẽ được lợi đáng kể từ hiệp định EVFTA

Theo Hiệp định, ngành chế biến gỗ Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế suất 0% cho ít nhất 90 sản phẩm gỗ xuất khẩu vào thị trường này. Các sản phẩm như ván dán, ván dăm đang có thuế suất là 7% sẽ giảm về mức 0% sau 5 năm. Còn với gỗ thanh đang có mức thuế là 3-4% và đồ gỗ dùng cho tủ bếp là 2% sẽ được xóa bỏ ngay khi hiệp định này có hiệu lực.

Đặc biệt, ngày 1/6 vừa qua, Hiệp định thương mại Lâm sản VPA/FLEGT giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu ( EU) có hiệu lực đã đem lại giá trị rất lớn về vấn đề khai báo nguồn gốc gỗ nhập khẩu và kiểm soát chuỗi cung ứng từ các quốc gia. "Cam kết từ hiệp định này không chỉ chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, còn giúp tăng cường thúc đẩy công tác quản trị rừng, giải quyết vấn đề khai thác gỗ bất hợp pháp, thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ được xác minh hợp pháp xuất khẩu từ Việt Nam sang EU và các thị trường khác" - ông Hà Công Tuấn nhận định.

Ở chiều ngược lại, thì EU cũng là một trong những thị trường chính cung cấp nguồn gỗ nguyên liệu cho Việt Nam. Các mặt hàng nhập khẩu chính bao gồm gỗ xẻ, gỗ tròn và veneer. Năm 2018, Việt Nam nhập khẩu hơn 246 triệu USD gỗ và sản phẩm gỗ từ EU, tăng 5% so với năm 2017, bao gồm từ các nước như Bỉ, Đức, Phần Lan, Croatia. Trong đó chủ yếu là loại gỗ sồi, tần bì, dẻ gai, óc chó… đây là nguồn cung gỗ hợp pháp lớn thứ hai sau thị trường Mỹ mà Việt Nam đang hướng tới sử dụng nguồn nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng. 

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, Hiệp định CPTPP và EVFTA được ký kết, mở ra cơ hội vàng cho doanh nghiệp gỗ Việt Nam. Thực thi của hiệp định không chỉ giúp ngành gỗ của Việt Nam được hưởng ưu đãi về thuế quan, mặt khác còn giúp các doanh nghiệp có cơ hội được tiếp cận nguồn máy móc kỹ thuật cao của các nước công nghiệp hiện đại. Đáng chú ý là thuế nhập được hưởng 0%, trong khi trước đây phải chịu thuế nhập khẩu cho mỗi đơn hàng từ 10- 20%.

Bên cạnh đó hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu sang EU sẽ tạo ra một sức ép để doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực cải thiện sản xuất nâng cao năng lực cạnh tranh, cùng với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, hiệp hội sẽ kì vọng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ trong thời gian tới sẽ tăng lên ít nhất là từ 15 - 20%.

Ông Huỳnh Quang Thanh - Giám đốc Công ty chế biến gỗ Hiệp Long tỉnh Bình Dương cho biết, EU là thị trường lớn và tiềm năng đối với các doanh nghiệp xuất gỗ Việt Nam, cụ thể với Hiệp Long mỗi năm đều tăng trưởng hơn 10 % xuất khẩu so với năm trước, tính gộp cả thị trường Mỹ thì năm 2018 Hiệp Long đạt 40% kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường này. Sắp tới, Hiệp định EVFTA có hiệu lực cùng với những cam kết cắt giảm phí thuế quan sẽ thúc đẩy kim ngạch ngành xuất khẩu gỗ tăng cao vào thị trường này.

Tuy nhiên doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam mong muốn Chính phủ, các cơ quan ban ngành cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thành thủ tục pháp lý liên quan đến giấy phép xuất khẩu, các thủ tục cam kết đi kèm, của Hiệp định thương mại Lâm sản VPA/FLEGT.

Phương Thanh