GS.TSKH Nguyễn Mại: Thu hút FDI sẽ thay đổi theo định hướng mới

Ngọc Hà - Đinh Thanh 23/08/2019 14:46

"Nếu Việt Nam không tăng cường quyền lựa chọn các nhà đầu tư, dự án đầu tư thì không thực hiện được mục tiêu thu hút FDI, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế theo mô hình tăng trưởng kinh tế mới".

Bộ Chính trị vừa ra Nghị quyết riêng về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Liên quan đến nội dung này, phóng viên Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi riêng với GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Nhà đầu tư nước ngoài.

GS TSKH Nguyễn Mại

GS TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Nhà đầu tư nước ngoài.

- Thưa GS, Nghị quyết ra đời vào thời điểm này có ý nghĩa như thế nào đối với hoạt động thu hút đầu tư nói chung và thu hút FDI nói riêng?

Năm 2018, 2019 là năm của doanh nghiệp. Bộ Chính trị đã có 3 Nghị quyết, trước tiên là Nghị Quyết về kinh tế tư nhân, Nghị quyết về nâng cao hiệu qủa của doanh nghiệp Nhà nước đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DNNN và bây giờ là Nghị quyết về đầu tư nước ngoài.

Như vậy, bước vào giai đoạn mới, Việt Nam có đánh giá đầy đủ hơn về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong điều kiện hiện nay của đất nước, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thường hay nói đó là cần có một khát vọng dân tộc để thực hiện cùng với thế giới cách mạng 4.0, đuổi kịp trình độ phát triển của các nước trên thế giới, biến nước ta một nước thu nhập trung bình thấp thành thu nhập trung bình cao và một nước công nghiệp.

Vì vậy, trong bối cảnh mới này, doanh nghiệp doanh nhân là đội quân chủ lực của nền kinh tế. Nếu Việt Nam làm cho 3 "đứa con": kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI cùng phát triển và trở thành những động lực quan trọng của tăng trưởng. Như vậy, tốc độ tăng trưởng mới có thể cao bền vững, theo hướng kinh tế số, để tiến kịp với thế giới.

- Điểm mới điểm khác biệt của Nghị quyết so với thời điểm trước về định hướng thu hút FDI là như thế nào, thưa GS?

Bao trùm lên Nghị quyết này là đánh giá thành quả mà Việt Nam đã đạt được trong hoạt động thu hút FDI, điều này rất quan trọng. Nhưng đồng thời, Nghị quyết cũng vạch ra những khiếm khuyết, nhược điểm mà Việt Nam chưa đạt được.

Trong hoạt động thu hút FDI, Việt Nam luôn coi trọng chất lượng và số lượng trong những năm qua, tuy nhiên, ở thời điểm này, hơn bao giờ hết vấn đề chất lượng trở nên quan trọng nhất.

Trong thời gian dài, Việt Nam nói đến mô hình tăng trưởng mới, cơ cấu kinh tế hiện đại, tuy nhiên quá trình chuyển đổi này này diễn ra chậm.

Gần đây, Việt Nam đã là làm rõ hơn mô hình phát triển kinh tế mới đó là nền kinh tế số. Điều quan trọng nhất của nền kinh tế số không chỉ là công nghệ, mà còn là nguồn nhân lực, trí tuệ của con người.

Theo đánh giá của trong và ngoài nước cho rằng, Việt Nam có một lợi thế nổi trội về năng lực, trí tuệ của con người. Vì vậy, bằng việc ra đời Nghị quyết của Bộ Chính trị thì bên cạnh việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo định hướng mới thì hoạt động thu hút FDI cũng thay đổi theo mô hình này.

Như vậy, định hướng thu hút FDI của Việt Nam là coi trọng các dự án công nghệ tương lai, công nghệ mới, những dự án thân thiện với môi trường, những dự án mang lại hiệu quả cao, không chỉ về tăng trưởng mà còn mang lại hiệu qủa cao về công nghệ, dịch vụ hiện đại. Những điều này đảm bảo cho nền kinh tế Việt Nam thay đổi rất nhanh, không chỉ tăng trưởng nhanh hơn mà còn thay đổi theo hướng hiện đại hơn, đuổi kịp trình độ phát triển của các nước trên thế giới. Đó là những nội dung chính của Nghị quyết.

- Như vậy tính chọn lựa sẽ đặt ra sâu sắc và quan trọng hơn về hiệu quả môi trường và công nghệ, thưa GS?

Ngay từ đầu, Việt Nam đã coi trọng tính chọn lựa, và Việt Nam cũng đã thành công nhờ biết chọn lựa những đối tác, dự án, đặc biệt là chọn lựa những dòng đầu tư từ các nước có tiềm năng về vốn, công nghệ, trình độ quản trị, quản lý.

Trên thực tế, FDI đã làm cho nền kinh tế Việt Nam thay đổi rất nhiều về phương thức sản xuất, phương thức tiêu dùng, phân phối, ngay cả tầm nhìn, suy nghĩ, tư duy và tiêu dùng cũng thay đổi nhờ vào một phần là thu hút FDI. Sau 30 năm thu hút FDI, Việt Nam đã có 200 tỷ USD vốn thực hiện.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, hoạt động thu hút FDI vẫn còn những hạn chế. Đặc biệt là từ khi Việt Nam phân cấp quản lý toàn diện cho các địa phương từ năm 2006 về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thẩm định và cấp giấy phép về xúc tiến đầu tư, chọn lựa dự án đầu tư.

Bên cạnh mặt được, đó là phát huy tính chủ động, sáng tạo và năng động của các địa phương thì cũng “đẻ ra” một số tiêu cực, không đáng có.

Năm 2006, bắt đầu phân cấp, năm 2008 vốn đăng ký FDI tăng đột biến, đạt 72 tỷ USD. Tuy nhiên, trong số đó, có khoảng 20 tỷ USD là phần vốn không thể thực hiện được. Đáng nói, không phải do phân cấp địa phương mà do chính là lựa chọn các dự án – trải chiếu hoa cho nhà đầu tư mà không thực hiện quyền lựa chọn của quốc gia nhận đầu tư là Việt Nam.

Một trong những giải pháp mà Nghị quyết đưa ra đó là hạn chế vốn mỏng, Nghị quyết lần này có nhắc đến các dự án vốn mỏng, 4-5 tỷ USD, nhưng nhà đầu tư không có tiềm năng, chờ đi bán dự án, không bán được thì trả lại cho các tỉnh và điển hình như dự án ở Quy Nhơn.

Ví dụ, Khu kinh tế Nhơn Hội, có đến hàng chục nghìn ha và hy vọng và một dự án hóa chất lọc dầu của Thái Lan trị giá 22 tỷ USD, tuy nhiên, sau 10 năm, vì rất nhiều lý do không thực hiện được, mặc dù có hạ tầng tốt nhưng có bao nhiêu dự án bây giờ phải chuyển đổi thành khu đô thị và du lịch.

Đây là một điển hình, nếu Việt Nam không tăng cường quyền lựa chọn của nước nhận đầu tư, nhà đầu tư và dự án đầu tư thì chúng ta không thực hiện được mục tiêu thu hút FDI góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế theo mô hình tăng trưởng kinh tế mới.

- Theo GS, đâu là mục tiêu quan trọng nhất mà Việt Nam có thể thực hiện ngay sau khi Nghị quyết được ban hành?

Có 2 yêu cầu ở trong Nghị quyết này, cũng như hoạt động đầu tư nói chung và đầu tư FDI nói riêng. Một là số lượng, Bộ Chính trị đã quyết định, từ năm 2011-2015, số vốn đầu tư đăng ký bình quân mỗi năm từ 30-40 tỷ USD, vốn thực hiện trung bình từ 20-30 tỷ USD. 5 năm sau đó, vốn bình quân đăng ký mỗi năm 40-50 tỷ USD, và vốn thực hiện từ 30-40 tỷ USD.

Tôi xin nhấn mạnh đây là con số rất quan trọng. Bởi chúng ta chỉ nói đến chất lượng mà không nói đến số lượng vốn đăng ký thì không được, bởi đầu tư trước tiên là phải nói đến vốn.

Như vậy, nếu như năm 2019 mà làm tốt, vốn thực hiện của Việt Nam có thể đạt gần 20 tỷ USD, từ năm 2011-2025 bình quân mỗi năm vốn giải ngân là 25 tỷ USD. Như vậy, các năm sắp tới vốn giải ngân sẽ tăng cao hơn khoảng 5 tỷ USD so với vốn thực hiện năm 2019. Đây là vấn đề rất lớn, nếu các Bộ không lưu ý, chỉ nói chung chung sẽ không thực hiện được nội dung mà Nghị quyết đề ra.

Ngọc Hà - Đinh Thanh