Cơ hội đẩy mạnh điện khí ở Việt Nam
Việc Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý giao Tập đoàn AES (Mỹ) làm chủ đầu tư Dự án Điện khí Sơn Mỹ 2 được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển điện khí ở Việt Nam.
Dự án nhiệt điện khí Sơn Mỹ 2 nằm trong tổ hợp chuỗi Dự án Nhiệt điện Sơn Mỹ (gồm Sơn Mỹ 1, 2 và 3) tại tỉnh Bình Thuận có tổng công suất 4.000 MW. Tập đoàn AES đặt kế hoạch sẽ hoàn tất thu xếp tài chính cho Dự án trong năm 2021, và sẽ bắt đầu vận hành thương mại nhà máy điện từ năm 2024.
Trong bối cảnh ngành điện Việt Nam đang nổi lên vấn đề đáng quan ngại, đó là công nghệ nhiệt điện của Trung Quốc gây ô nhiễm môi trường; thủy điện sắp tới hạn công suất, cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhiều hệ lụy tiềm ẩn khác, thì nguồn vốn của Mỹ rót vào Dự án nhiệt điện khí Sơn Mỹ 2 sẽ đem lại cơ hội rất lớn cho việc phát triển điện khí ở Việt Nam.
Vốn Mỹ mang công nghệ Mỹ là một lựa chọn tối ưu vào lúc này, đặc biệt là loại hình sản xuất điện từ khí hóa lỏng (LNG), từ công nghệ khí dầu đá phiến trứ danh của Mỹ.
Theo quy hoạch điện 7 điều chỉnh, đến năm 2025 Việt Nam sẽ có khoảng 15.000 MW điện khí, chiếm 15,6% tổng công suất các nguồn điện, tương ứng sản xuất 19% tổng sản lượng điện. Con số này sẽ tăng lên 19.000 MW vào năm 2030, tương đương cần 22 tỷ m3 khí, trong đó 50% từ nguồn nhập khẩu khí LNG.
Theo Vụ dầu khí, than (Bộ Công thương), năm 2019 khả năng cấp khí cho sản xuất điện ở mức 8 tỷ m3, nhưng việc cấp khí cho sản xuất điện như hiện tại sẽ chỉ duy trì được đến 2022, và từ 2023 sản lượng khí cấp về bờ sẽ suy giảm và bắt đầu thiếu hụt.
Trong khi đó, việc khai thác dầu, khí ở Việt Nam đang gặp phải những trở ngại, và dầu khí đá phiến của Mỹ được xem là công nghệ tương lai đủ khả năng lấp đầy khoảng trống cho toàn thế giới.
Việc Tập đoàn AES đẩy mạnh đầu tư phát triển điện khí sẽ góp phần phá vỡ kết cấu theo hướng có lợi, đó là giảm giá thành điện thương mại, đồng thời giải quyết áp lực thiếu hụt nguồn khí. Nhưng với một điều kiện rất quan trọng là EVN phải chấp nhận cuộc chơi toàn cầu, chấp nhận cạnh tranh. Nếu vẫn với phương thức hiện tại, EVN nắm giữ hạ tầng truyền tải, điều hành hầu hết các nhà máy sản xuất điện, thì rất khó có cửa cho nhà đầu tư ngoại.
Bài học điện mặt trời vẫn còn “nóng hổi”, động lực tư nhân rất lớn, hàng loạt dự án hoành tráng ra đời, nhưng có nguy cơ bị cắt giảm sản lượng do vượt quá quy hoạch. Đây là nghịch lý cần giải quyết trước khi muốn tận dụng nguồn vốn FDI chất lượng cao.