“Giải vây” thủy sản vào Trung Quốc
Tình trạng các mặt hàng tôm, mực, sứa… đều đang bế tắc thông quan tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), khiến doanh nghiệp xuất khẩu đứng ngồi không yên.
“Nếu như trước đây tôm xuất khẩu chỉ cần ướp đá trong thùng xốp, vừa tiết kiệm chi phí mà hiệu quả bảo quản cao, thì nay muốn xuất khẩu tôm, ngoài việc cần mã vùng sản xuất, nuôi trồng thì sản phẩm phải được cấp đông mới đủ điều kiện” - bà Đặng Thị Dịu, Giám đốc công ty nuôi trồng thủy sản Nam Phú Hải (Móng Cái) cho biết.
Sự chủ quan của doanh nghiệp và cơ quan chức năng
Theo bà Dịu, chi phí để cấp đông tôm quá sức với nhiều doanh nghiệp, từ đó đẩy giá lên cao và rất khó cạnh tranh. Hiện nay giá tôm tại Móng Cái giảm 1/2 so với mọi năm.
“Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Móng Cái, song doanh nghiệp lại rất mù mờ về thông tin cũng như thiếu sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng để có thể đáp ứng các yêu cầu của đối tác”, bà Dịu cho biết.
Theo các chuyên gia, việc gặp khó trong xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc là do sự chủ quan của cả cơ quan chức năng lẫn doanh nghiệp, khi phía Trung Quốc đã thông báo rất cụ thể: Thủy sản nhập khẩu vào Trung Quốc phải có chứng nhận kiểm dịch, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), bao bì đóng gói phải có tiếng Trung và tiếng Anh, phù hợp với tiêu chuẩn đóng gói của Trung Quốc... Tuy nhiên, các bên liên quan đã không nắm rõ những quy định này.
Cái ... “xắn tay thần tốc” chỉ là giải pháp trước mắt
Để giải cứu cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng tổ chức hội đàm, trao đổi, đồng thời gửi thư phản hồi đến Hải quan Nam Ninh (Quảng Tây - Trung Quốc) đề nghị để doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục xuất khẩu các mặt hàng thủy sản vào thị trường Trung Quốc.
Ngay trung tuần tháng 10 vừa qua, phía Trung Quốc đã có công hàm của Vụ Kiểm dịch động vật (Tổng Cục Hải quan Trung Quốc) thông báo đồng ý bổ sung 3 loại thủy sản của Việt Nam gồm: ngao hoa, ngao trắng và nghêu lụa vào danh mục các sản phẩm thủy sản của Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc.
Theo bà Đặng Thị Dịu, đây là tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên ngao không phải là mặt hàng duy nhất, thủy sản Quảng Ninh còn rất nhiều thế mạnh như tôm, cá, sứa… “Rất mong tỉnh tiếp tục vào cuộc để các mặt hàng thủy sản khác có thể xuất khẩu sang Trung Quốc” - bà Dịu bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh cho biết, sự lo lắng của doanh nghiệp cũng là lo lắng chung của tỉnh.
“Quảng Ninh còn nhiều mặt hàng thế mạnh khác hiện vẫn đang gặp khó, vì vậy đề nghị các doanh nghiệp, người nuôi trồng thủy sản cần liên hệ với sở, ngành liên quan của tỉnh để trao đổi, thống nhất phương án giải quyết những vướng mắc về thủ tục, việc kiểm soát chất lượng hàng hóa, công tác bảo quản hàng đông lạnh. Đặc biệt vấn đề cấp bách nhất hiện nay là giải quyết số lượng sản phẩm đang tồn đọng tại cửa khẩu và số thủy sản chuẩn bị thu hoạch” – ông Công cho biết.
Ngoài ra, Sở Công Thương Quảng Ninh đã phối hợp với các bên liên quan nắm bắt thông tin về cơ chế, chính sách, đồng thời tiếp tục trao đổi, hội đàm với phía Trung Quốc để giải quyết các vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu, hoạt động thương mại biên giới.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây chỉ là các giải pháp trước mắt. Về lâu dài, các doanh nghiệp cần chủ động đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện của nước bạn, không chỉ với thị trường Trung Quốc, để tránh tình trạng phải “giải vây” như hiện nay.