“Đốt tiền” lập hãng hàng không?
Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản đề nghị cấp phép thêm cho 3 hãng hàng không trong khi còn 3 hãng khác cũng đã có đơn xin thành lập hãng hàng không.
Trên thực tế, đã xuất hiện cuộc đua của các doanh nghiệp xin thành lập các hãng hàng không mới.
Đầu tư vào vận tải hàng không là một cuộc “đốt tiền” thực sự. Mới đây, sau 2 tháng thẩm định hồ sơ, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã có công văn gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam cho ý kiến về Hồ sơ Dự án đầu tư thành lập hãng hàng không Cánh Diều của Công ty cổ phần Hàng không Thiên Minh.
Theo đó, Bộ GTVT đánh giá, dự án này đủ điều kiện để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư với một số chỉnh sửa, bổ sung trong hồ sơ.
Nếu mọi việc thuận lợi, Cánh Diều sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên trong quý I/2020. Khi đó, Cánh Diều là hãng hàng không thứ 6 của Việt Nam, sau VietNam Airline, Jetstar Pacific Airlines, VASCO, Vietjet Air, Bamboo Airways và Vinpearl Air và là hãng hàng không thứ 3 được “bay” trong hơn 1 năm qua.
Không thể phủ nhận, có nhiều hãng hàng không thì hành khách là người được lợi. Tuy nhiên, sau 5 năm phát triển thần tốc, quy mô thị trường hàng không nội địa đang bắt đầu bước vào giai đoạn bão hòa về lượng hành khách.
Có thể bạn quan tâm
Yêu cầu các hãng hàng không niêm yết giá vé minh bạch
00:00, 08/10/2019
Thiên Minh xin lập hãng hàng không KiteAir, bay từ năm 2020
17:01, 22/08/2019
Lãnh đạo AirAsia: Luôn có chỗ cho hãng hàng không mới ở thị trường Việt Nam
23:11, 09/08/2019
Ai là "ông trùm" của hãng hàng không mới Thiên Minh?
05:00, 29/06/2019
Bầu trời Việt Nam có thêm hãng hàng không mới
00:00, 23/07/2019
Thống kê của Cục Hàng không VN cho thấy, năm 2018, toàn thị trường khai thác 296.516 chuyến bay, tăng tới 9% so với năm 2017. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm nay, tổng số chuyến bay là 153.559 chuyến, chỉ tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều khó khăn dễ nhận thấy khác là các sân bay đang quá tải. Các hãng hàng không đang hoạt động phải nhường bớt lốt (slot) bay, “suất” tăng máy bay cho hãng mới. Nếu vậy, các hãng nhỏ sẽ gặp rất nhiều khó khăn, như Bamboo Airways mỗi tháng đang lỗ 100 tỷ đồng; Jetstar Pacific dù có nhiều lợi thế, tình hình kinh doanh bắt đầu khả quan khi đã có lãi, nhưng khoản lỗ lũy kế 4.000 tỷ đồng vẫn còn đó; hàng không Hải Âu kinh doanh thị trường ngách nhưng vẫn lỗ lũy kế 139 tỷ đồng...
Cục Hàng không Việt Nam cảnh báo lịch bay mùa đông 2019/2020 đang thiếu 270 slot. Ngay như Cánh Diều, tuy được Bộ GTVT đồng ý bay, nhưng vẫn cảnh báo: “không đảm bảo việc cấp phép khai thác đi/đến Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho giai đoạn từ năm 2020 cho đến khi nhà ga hành khách số 3 mới của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được đưa vào khai thác”.
Với những khó khăn trên, việc đồng loạt cấp phép thêm 3 hãng hàng không mới sẽ đẩy các hãng nhỏ và hãng lớn nhưng có chi phí vận hành cao, mô hình, phương thức quản lý cồng kềnh, kém linh hoạt đứng trước nguy cơ thua lỗ, phá sản, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu ngân sách.