Doanh nghiệp tiếp tục đề xuất bỏ giá trần vé máy bay nội địa
Đề xuất bỏ trần giá vé máy bay nội địa của Vietnam Airline nhận được ủng hộ của Cục Hàng không Việt Nam nhưng dự kiến áp dụng từ năm 2021.
Tại phiên thảo luận chuyên đề trong khuôn khổ Diễn đàn cao cấp Du lịch Việt Nam, ông Lê Hồng Hà, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines nhận định, giá trần vé máy bay nội địa khiến các hãng khó đa dạng giá, giảm giá vé ở một số thời điểm.
Do đó, ông Hà đề nghị, bỏ quy định trần giá vé bay chặng nội địa, để thị trường điều tiết mức giá này. "Thị trường đã được điều tiết tự do thì nên để giá vé máy bay nội địa cũng được tự do điều chỉnh dựa trên cung - cầu", ông Hà nói.
Đồng thuận với đề xuất này, ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam lý giải, Việt Nam là một trong số ít nước vẫn áp trần.
Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam đã nhiều lần đề xuất bỏ giá trần khi sửa đổi, bổ sung Luật Hàng không dân dụng, song chưa được chấp thuận, bởi cần đảm bảo lợi ích cho nhiều đối tượng có điều kiện đi lại bằng hàng không.
Ở lần đề xuất gần nhất, Phó cục trưởng Cục Hàng không thông tin, đã kiến nghị Bộ GTVT, Bộ Tài chính và Chính phủ có lộ trình bỏ dần khung giá này.
"Trước mắt chúng tôi đề xuất cho phép quay lại mức giá trần trước năm 2015. Sau đó nghiên cứu bỏ từ năm 2021, cùng việc sửa đổi Luật Hàng không dân dụng", ông Cường chia sẻ.
Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cũng cảnh báo, không sửa quy định này, các hãng hàng không sẽ chỉ muốn khai thác, phát triển chặng bay quốc tế hơn là nội địa vì không bị ràng buộc giá trần, đồng nghĩa mất đi cơ hội khai thác chuyến nội địa, cơ hội đi lại của người dân.
Với các hãng nay, việc bỏ giá trần cũng tạo điều kiện để họ linh hoạt cung cấp dịch vụ với giá thị trường chấp nhận được.
Có thể bạn quan tâm
Xã hội hoá hạ tầng hàng không...10 năm vẫn bỏ ngỏ
14:42, 09/12/2019
Giải bài toán nâng cao sức cạnh tranh của ngành "công nghiệp không khói"
11:00, 09/12/2019
Nâng chất và lượng cho “công nghiệp không khói”
14:18, 29/11/2019
Phấn đấu 100% các khu du lịch biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần
17:54, 05/12/2019
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, việc bỏ giá trần vé máy bay đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Tại Việt Nam, Nhà nước quy định giá trần vé máy bay nhằm hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp hàng không, đảm bảo giá vé máy bay có sự kiểm soát. Tuy nhiên hiện tại, đã có sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các hãng hàng không nội địa và các hãng hàng không quốc tế, nên đã đến lúc để thị trường tự điều tiết, Nhà nước chỉ hậu kiểm.
Trước lo ngại về việc các hãng hàng không sẽ “bắt tay” để làm giá, đẩy giá vé lên cao khi bỏ quy định giá trần, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho rằng: “Nếu chúng ta bỏ quy định giá trần vé máy bay nội địa thì cũng sẽ có những quy định để kiểm soát việc tăng giá chứ không phải “thả” hoàn toàn. Dù thị trường điều tiết mức giá nhưng Nhà nước vẫn hậu kiểm và vẫn can thiệp được trong trường hợp các hãng “bắt tay” làm giá”.
Trước đó, cuối tháng 7/2018, một số hãng hàng không đề xuất tăng trần giá vé khi giá nhiên liệu tăng mạnh so với thời điểm áp dụng khung trần vé máy bay năm 2015. Tuy nhiên, sau chỉ đạo của Chính phủ về bình ổn giá và đảm bảo giữ vững mục tiêu duy trì chỉ số lạm phát năm 2018, Cục Hàng không đề nghị vẫn duy trì khung giá quy định hiện hành.
Theo cơ quan này, mức kê khai giá tối đa của hãng hàng không chiếm tỷ lệ 76-79% so với mức giá trần hiện hành. Việc điều chỉnh mức trần khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa là cần thiết, nhất là với những đường bay dài. Tuy nhiên, Cục hàng không sẽ đánh giá và đề xuất khung giá mới vào năm sau, tùy vào tình hình thực tế.
Đến nay, khung giá trần vé máy bay nội địa hiện vẫn áp dụng như quy định từ tháng 8/2015. Theo đó, vé máy bay cho nhóm đường bay phát triển kinh tế xã hội khoảng cách dưới 500 km có giá tối đa 1,6 triệu đồng. Đây là mức trần thấp nhất. Mức trần cao nhất là 3,75 triệu đồng đối với các đường bay 1.280 km trở lên.