Ngành Công thương: Hóa giải các thách thức trong năm 2020
Các chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 được xác định với yêu cầu rất cao so với nền tảng đã đạt được ở mức cao của năm 2019, là thách thức lớn đối với các Bộ ngành, địa phương.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, ngày 30/12.
Do đó, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trước hết cần tập trung cụ thể hóa và xây dựng chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết số 01 và Nghị quyết số 02 của Chính phủ về điều hành kinh tế vĩ mô và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020, xác định các nhiệm vụ cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện; bám sát kịch bản tăng trưởng chung của Chính phủ để xây dựng kịch bản tăng trưởng chi tiết cho từng ngành, từng lĩnh vực và bám sát để điều hành, điều chỉnh kịp thời, bảo đảm phù hợp với những diễn biến trong bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước.
Cụ thể hóa Nghị quyết 01 và 02
Tiếp tục phát huy bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo điều hành những năm qua, tập trung theo dõi nắm chắc cơ sở, làm việc với các địa phương để rà soát, tháo gỡ các nút thắt trong phát triển, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đặc biệt là đối với các dự án đầu tư tạo năng lực sản xuất mới, dự án đang tồn đọng... để khơi thông nguồn lực phục vụ tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, bám sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để có phương án, kịch bản xử lý linh hoạt, kịp thời trước những biến động của thị trường.
Có thể bạn quan tâm
Thủ tướng: Năm 2020 Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 300 tỷ USD và 5 năm liên tiếp xuất siêu
18:03, 30/12/2019
Phương châm hành động 12 chữ của Chính phủ năm 2020
14:18, 30/12/2019
TP.HCM xin cơ chế đặc thù về giải phóng mặt bằng và tái định cư
14:01, 30/12/2019
“Mây đen phủ kín toàn cầu, nhưng mặt trời vẫn đang toả sáng ở Việt Nam”
12:03, 30/12/2019
Cải thiện môi trường kinh doanh: Việt Nam đang chậm hơn các nước
11:35, 30/12/2019
Cần bảo đảm sự đồng bộ trong phối hợp chính sách giữa các Bộ ngành và tổ chức triển khai thực hiện ở các địa phương đối với các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, Bộ Công Thương xác định trọng tâm trong phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác phát triển thị trường, xử lý các hàng rào kỹ thuật trong thương mại quốc tế đối với sản phẩm nông - lâm - thủy sản xuất khẩu của Việt Nam; phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc xử lý các vấn đề về sở hữu trí tuệ theo cam kết tại các FTA mà Việt Nam đã tham gia; phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư trong lĩnh vực phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ...
Qua kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ thời gian qua, Bộ Công Thương cho rằng việc bám sát cơ sở, kiểm tra, đôn đốc và xử lý kịp thời các vướng mắc của các doanh nghiệp, của địa phương, của hiệp hội có thể coi là một bài học kinh nghiệm lớn, có ý nghĩa quyết định tới những kết quả và thành công đạt được, cần được tiếp tục quán triệt triển khai.
Vẫn theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, các Bộ ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện một cách triệt để và mạnh mẽ hơn trong đổi mới phương thức quản lý, chuyển tư duy quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, quản lý gắn liền với kiểm tra, đôn đốc, giám sát và có tổng kết, đánh giá, đồng hành với cơ sở, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và xử lý kịp thời. Đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại các ngành công nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo nhằm tạo bứt phá và động lực mới cho tăng trưởng ở giai đoạn tiếp theo.
Đẩy nhanh cơ cấu các ngành công nghiệp
Tập trung triển khai có hiệu quả Kế hoạch cơ cấu lại trong lĩnh vực công nghiệp, trong đó lấy trọng tâm là tổ chức triển khai khẩn trương và thực chất Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Định hướng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” theo chương trình hành động chung của Chính phủ, tạo sự chuyển biến về chất trong quá trình tái cơ cấu và phát triển công nghiệp của Việt Nam trong thời gian tới.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, sản xuất chế tạo là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng nhất của Việt Nam, tạo ra nội lực và tự cường của đất nước. Ngành sản xuất chế biến chế tạo chiếm 40% doanh thu thuần của nền kinh tế và đóng góp tới 84% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Ngành chế biến chế tạo phát triển sẽ tận dụng tối đa được các cơ hội do quá trình hội nhập tạo ra, sẽ thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu và tiêu dùng của các tầng lớp dân cư, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Cần tập trung triển khai có hiệu quả và đi vào chiều sâu kế hoạch cơ cấu lại trong lĩnh vực công nghiệp, trong đó lấy trọng tâm là tổ chức triển khai khẩn trương và thực chất Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Định hướng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” theo chương trình hành động chung của Chính phủ, tạo sự chuyển biến về chất trong quá trình tái cơ cấu và phát triển công nghiệp của Việt Nam trong thời gian tới.
“Để đảm bảo kinh tế Việt Nam phát triển bền vững trong dài hạn, tránh tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình, trong thời gian tới cần nhất quán quan điểm cần phải coi việc cần đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại và phát triển ngành chế biến chế tạo là một trong những đột phá chiến lược trong Chiến lược kinh tế xã hội trong giai đoạn 2021 – 2030”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng đánh giá, thời gian vừa qua chỉ có một số ít các địa phương thật sự chú ý bố trí nguồn lực để xây dựng các chính sách và công tác triển khai các chính sách phát triển công nghiệp, nên hiệu quả chưa cao như kỳ vọng. Đóng góp chế biến chế tạo mới chỉ ở mức 17% GDP, trong khi Thái Lan là 26%, Trung Quốc trên 30%.
Chính vì vậy, theo Bộ trưởng cần phải xác định phát triển công nghiệp chế biến chế tạo là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, các địa phương có tiềm năng phát triển về công nghiệp cần tiếp tục, tăng cường phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ ngành liên quan để xây dựng chính sách và bố trí các nguồn lực thích đáng để triển khai các chính sách phát triển công nghiệp thúc đẩy hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Phải có một hệ sinh thái phát triển công nghiệp được tổ chức từ Trung ương tới địa phương, thì mới đủ sức nâng tầm cả nền công nghiệp, đảm bảo sự thành công để chuyển dịch nền sản xuất và kinh tế của Việt Nam lên cao hơn trong chuỗi giá trị.
Khẩn trương hoàn tất EVFTA và IPA
Về công tác hội nhập, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị tập trung vào 2 trọng tâm lớn. Thứ nhất, khẩn trương hoàn tất các công việc có liên quan để sớm phê chuẩn và đưa vào thực hiện Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Việt Nam và EU sau khi đã được ký kết vào ngày 30/6/2019. Thứ hai, chủ động tổ chức triển khai có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các FTA thế hệ mới là CPTPP và EVFTA. Trong đó, nhấn mạnh vào đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung các FTA này tới các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.
Đồng thời, cần có sự tham gia, phối hợp tích cực của các Bộ ngành và sự tham gia chủ động hơn nữa của các địa phương, các hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp theo kế hoạch hành động chung của Chính phủ và các chương trình hành động cụ thể của các Bộ ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan.
“Việc đưa EVFTA sớm đưa vào thực hiện sẽ là “cú hích” lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Những cam kết dành đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong Hiệp định IPA cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, từ đó Việt Nam sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư hơn đến từ EU và các nước khác.
Tập trung xử lý gian lận thương mại
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề nghị cần tập trung xử lý tốt các vấn đề về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ. Đối với việc này, trong năm 2019, Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” (Theo Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 04/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ) để tạo khuôn khổ đồng bộ, tổng thể cho các hoạt động ngăn ngừa, phòng chống, phát hiện và xử lý các hành vi lẩn tránh bất hợp pháp, gian lận xuất xứ.
Trong Quyết định, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, ngành và địa phương để tổ chức triển khai thực hiện. Đây là Quyết định quan trọng, thể hiện quan điểm rõ ràng và quyết tâm của Việt Nam trong việc ngăn chặn các hành vi lẩn tránh bất hợp pháp, gian lận xuất xứ và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Ngay sau khi Đề án 824 được ban hành, Bộ Công Thương đã khẩn trương ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương để triển khai Đề án; thành lập các Tổ công tác liên quan, khẳng định quyết tâm của Bộ trong việc phòng chống, phát hiện, xử lý các hành vi lẩn tránh bất hợp pháp, gian lận xuất xứ nhằm phát triển sản xuất, đầu tư, xuất nhập khẩu bền vững, bảo vệ lợi ích của người dân, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.
Bộ cũng xây dựng và thường xuyên cập nhật danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương và trang thông tin điện tử của Cục Phòng vệ thương mại, đồng thời gửi các Bộ/ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố phối hợp theo dõi; phổ biến kiến thức pháp luật về gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp cho doanh nghiệp và tiến hành kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.