Hà Nội cần xốc tới hơn nữa, giải quyết "mạch nguồn" của các ách tắc

Thy Hằng 20/04/2020 15:18

Đánh giá tăng trưởng gần 4% GDP trong quý I của Hà Nội là cố gắng nhưng còn thấp do dịch bệnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần xốc tới hơn nữa, giải quyết “mạch nguồn” của các ách tắc.

Kết luận cuộc làm việc với TP. Hà Nội kéo dài gần 4 tiếng rưỡi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Hà Nội phải khẩn trương xây dựng các kịch bản phát triển trong điều kiện khác nhau trong nền kinh tế đang có nhiều thay đổi và lưu ý Hà Nội xử lý 4 tồn tại kéo dài.

Hà Nội phải khẩn trương xây dựng các kịch bản phát triển trong điều kiện khác nhau trong nền kinh tế đang có nhiều thay đổi, “thuận lợi có, khó khăn có, để không rơi vào tình thế bị động”.

Thủ tướng yêu cầu Hà Nội khẩn trương xây dựng các kịch bản phát triển trong điều kiện “thuận lợi có, khó khăn có, để không rơi vào tình thế bị động”.

Có chương trình tái thiết kinh tế 

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ cùng với Hà Nội, các bộ, ngành phối hợp tháo gỡ mọi ách tắc để Hà Nội phát triển. Hà Nội cần tìm nguồn lực xã hội, đây là vấn đề quan trọng nhất, cùng với việc phát triển hạ tầng, giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường tiêu dùng của các hộ gia đình.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cả nước, đặc biệt là Hà Nội phải khẩn trương xây dựng các kịch bản phát triển trong điều kiện khác nhau trong nền kinh tế đang có nhiều thay đổi, “thuận lợi có, khó khăn có, để không rơi vào tình thế bị động”.

“Các đồng chí đạt con số tăng trưởng gần 4% GDP trong quý I là cố gắng nhưng so với cùng kỳ thì còn thấp do dịch bệnh”, Thủ tướng nhấn mạnh, cần quyết liệt hơn nữa, xốc tới hơn nữa, giải quyết “mạch nguồn” của các ách tắc.

Trước đó, báo cáo với Thủ tướng, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, mặc dù trong điều kiện khó khăn nhưng Hà Nội vẫn tăng trưởng 3,72%.

“Kiến nghị Thủ tướng cân nhắc trên bộ tiêu chí của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch quốc gia để đánh giá, xếp loại mức độ rủi ro Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khác để có thể "nới lỏng" một phần nào đó giãn cách xã hội, đảm bảo vừa phòng chống dịch nhưng cũng vừa có điều kiện khôi phục sản xuất ở mức độ nhất định. Hà Nội xin hứa với Thủ tướng sẽ quyết tâm làm tốt việc này”, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ.

"Đây là cố gắng lớn của Đảng bộ, chính quyền Hà Nội bằng nhiều biện pháp. Hiện, Hà Nội đang cố gắng “nạp năng lượng” để phục hồi sau dịch kết thúc theo mô hình chữ V và đang tập trung thực hiện theo hướng này. Hà Nội đang cố gắng phấn đấu tăng trưởng đạt cao gấp 1,3 lần so với cả nước tuỳ theo từng kịch bản mà chúng ta xây dựng", Bí thư Thành uỷ Hà Nội nhấn mạnh.

Trong thời gian vừa rồi, về nông nghiệp, Thành ủy Hà Nội giao cho UBND TP phấn đấu tăng trưởng 4,04%. Mặc dù chưa có năm nào tăng trưởng nông nghiệp của TP vượt qua 2,5% nhưng UBND TP rất quyết tâm, thậm chí đặt mục tiêu thúc đẩy phát triển để nông nghiệp tăng cường ở mức cao hơn nhiệm vụ được giao là 4,62%.

Một số huyện của TP cũng đang phấn đấu tăng trưởng nông nghiệp từ 5-6%. Tới đây, TP sẽ tiếp tục làm việc với Bộ NN&PTNT để giúp cho Hà Nội đạt được việc này vì nông nghiệp và “tam nông” vẫn là bệ đỡ.

Về đầu tư công, tinh thần chỉ đạo của Hà Nội là “góp gió thành bão”. Nghĩa là thúc đẩy triển khai, tăng tiến độ của tất cả các công trình từ nhà của tư nhân, các công trình thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Đặc biệt là các công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp từ thôn, tổ dân phố đến TP.

Cùng với tháo gỡ chung của Chính phủ, bằng sự quyết liệt của mình, Hà Nội tin tưởng sẽ tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công.

Có thể bạn quan tâm

  • Chủ tịch Hà Nội chỉ ra 3 kịch bản cho đại dịch COVID-19

    15:03, 17/04/2020

  • Bộ Công an triệu tập cán bộ CDC Hà Nội liên quan việc mua sắm thiết bị xét nghiệm COVID-19

    13:45, 17/04/2020

  • Hà Nội quyết liệt tháo gỡ khó khăn, khơi thông các dự án đầu tư

    00:39, 17/04/2020

  • Hà Nội đảm bảo không có tiêu cực trong hỗ trợ doanh nghiệp vượt COVID-19

    18:23, 16/04/2020

  • Doanh nghiệp Hà Nội đề xuất phương án vừa sản xuất vừa chống dịch

    17:35, 16/04/2020

  • Chủ tịch BRG: Mong muốn Hà Nội cấp phép lưu thông hàng hóa khi đi tỉnh

    15:18, 16/04/2020

  • Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ: "Hà Nội sẽ gỡ mọi vướng mắc, khó khăn cho đầu tư"

    15:17, 16/04/2020

  • [COVID-19] Thủ tướng đồng ý để Hà Nội, TP HCM và 10 địa phương có nguy cơ cao "cách ly xã hội" đến 22/4

    17:45, 15/04/2020

Xử lý 4 tồn tại kéo dài

Ghi nhận những kết quả của Thủ đô, tuy nhiên Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh vào một số tồn tại của Hà Nội. Một là, ở Đồng Tâm, cần củng cố hệ thống chính trị tốt hơn nữa, củng cố lòng dân, phát triển và xây dựng nông thôn mới.

Thứ hai là vấn đề dự án 8B Lê Trực, cần bảo đảm quy hoạch chi tiết khu vực này, an toàn công trình, bảo đảm quyền lợi đúng mức, đúng đắn cho nhà đầu tư, cần phải làm ngay phương án cụ thể vì công trình này kéo dài gần 10 năm mà chưa xử lý xong.

Đối với công trình đường sắt Cát Linh-Hà Đông, cần phải tập trung giải quyết dứt điểm, có cơ chế tạm ứng, thanh toán, hoàn thiện dự án, sau đó khấu trừ. Bộ Giao thông vận tải bàn với đối tác xử lý dứt điểm trước tháng 6/2020. Tồn tại nữa cần khẩn trưởng xử lý dứt điểm là vấn đề mương Phan Kế Bính.

Nhấn mạnh việc giải quyết những tồn tại và đồng thời tập trung phương hướng, nhiệm vụ 9 tháng cuối năm 2020, Thủ tướng nhắc lại lời căn dặn của Bác Hồ: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta, thế giới trông về Thủ đô ta, nên Thủ đô ta phải phấn đấu để trở thành một thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”.

Do đó, Thủ tướng chia sẻ và thống nhất với tầm nhìn phát triển Hà Nội trong thời gian tới là thành phố giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, thông minh và hội nhập; hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại; nơi tập trung nhiều cơ sở hàng đầu về kinh tế, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học, công nghệ, văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, môi trường sống thân thiện, bền vững, an ninh, an toàn; nơi hội tụ tinh hoa văn hóa Việt Nam hài hòa với những giá trị văn hóa nhân loại tiến bộ; con người thủ đô văn minh, thanh lịch, năng động, tiêu biểu về trí tuệ và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh Hà Nội thực hiện tốt nhiệm vụ đầu tiên trong mục tiêu kép là tiếp tục phòng, chống dịch COVID-19, bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ, tính mạng, cuộc sống của người dân. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, tự mãn.

Hà Nội cần tiếp tục làm tốt việc bảo đảm cung ứng hàng hóa, tổ chức tốt các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, triển khai nhanh, kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và an sinh xã hội, các đối tượng bị ảnh hưởng.

Thực hiện mục tiêu kép quyết liệt, chủ động, sáng tạo, Thủ tướng nhấn mạnh việc triển khai đồng bộ các biện pháp phục hồi, phát triển kinh tế, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra, “Hà Nội như một chiếc lò xo bật ra”. Cho nên những phương án phát triển dịch vụ, đẩy mạnh tiêu dùng cá nhân, phát triển mạnh mẽ công nghiệp chế biến, chế tạo… là những việc cần thiết.

Sáng tạo trong huy động nguồn lực, phù hợp với việc đón bắt thời cơ, Thủ tướng nêu rõ phương châm hành động là phải nhanh, chính xác và kịp thời.

Lưu ý việc bảo đảm nước sạch cho người dân với giá phù hợp, Thủ tướng cho biết, đã yêu cầu Chủ tịch các tỉnh có văn bản giảm giá nước để hỗ trợ người dân, giống như ngành viễn thông đã hỗ trợ giảm giá với tổng số tiền 15.000 tỷ đồng, ngành điện là 12.000 tỷ đồng.

Vấn đề bảo vệ môi trường đô thị, chất lượng cuộc sống người dân rất quan trọng. Thủ tướng cũng lưu ý Hà Nội giải quyết vấn đề môi trường sông Đáy, sông Nhuệ.

Tiếp tục xây dựng nền hành chính của Hà Nội là nền hành chính phục vụ, văn minh và thanh lịch, làm sao giải quyết tình trạng không còn khiếu kiện đông người, tiềm ẩn mất an ninh trật tự. Không để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự.

TP Hà Nội đưa ra 3 kịch bản điều hành phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng ứng phó với dịch COVID-19:

Kịch bản 1: Đến 22/4 hoặc 3/5/2020 hết thời gian thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn quốc, các hoạt động của nền kinh tế được tháo gỡ từng bước và hoạt động bình thường vào đầu tháng 7/2020.

Kịch bản 2: Dịch bệnh COVID-19 cơ bản được khống chế trong quý II nhưng vẫn có nguy cơ lây lan đến hết năm 2020 do dịch bệnh của các quốc gia trên thế giới và trong khu vực chưa được kiểm soát nên việc phục hồi kinh tế và các hoạt động xã hội chưa thể ở mức bình thường mà chỉ duy trì ở mức tối thiểu.

Kịch bản 3: Dịch bệnh COVID-19 tiếp tục lây lan với tốc độ cao trong quý II không thể kiểm soát mặc dù đã thực hiện các biện pháp cách ly xã hội nên kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn.

Thy Hằng