Thích nghi để vươn lên
Quốc hội đòi hỏi kế hoạch phải phát huy được sức sáng tạo của cả cộng đồng để không chỉ thích nghi mà phải tìm kiếm cơ hội để vượt lên.
Báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa 14 đã đưa ra những giải pháp sát sườn với ưu tiên hàng đầu là chặn đứng bệnh dịch, và yêu cầu hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động cùng các chủ thể kinh tế khác.
Sẽ không có đột biến
Các giải pháp cũng đã nhắm tới các đối tượng cụ thể, có trọng tâm, trong điểm cho các lĩnh vực ngành nghề ưu tiên. Các gói hỗ trợ và phục hồi kinh tế cũng được tăng lên và kịp thời để giải quyết khó khăn về dòng tiền cho các chủ thể kinh tế. Hiệu quả phụ thuộc lớn vào công tác triển khai, thực hiện.
Tác động ảnh hưởng của COVID-19 sẽ kéo dài. Ngay cả khi dịch bệnh kết thúc ở Việt Nam thì thách thức vẫn còn vì nước ta có một nền kinh tế mở, với rất nhiều hợp tác song và đa phương. Do vậy, chủ trương xây dựng một kế hoạch phục hồi kinh tế “hậu dịch” hiệu quả là rất cần thiết.
Về mô hình kinh tế hậu COVID-19, sẽ không có sự thay đổi lớn so với trước khủng hoảng. Đó là mô hình tăng trưởng hiện đại dựa trên chất lượng vốn con người, trình độ công nghệ, năng lực đổi mới sáng tạo (innovation) và đầu tư cho các yếu tố này, bên cạnh năng suất lao động và năng suất vốn. Khi các chủ thể kinh tế tích luỹ kiến thức, đề cao đổi mới sáng tạo, thì ngoại ứng tích cực sẽ được tạo ra, đồng thời năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) và năng suất vốn sẽ không bị giới hạn và luôn có thể gia tăng với các ý tưởng công nghệ sáng tạo mới.
Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, khi nguồn lực còn hạn chế thì nên ưu tiên tích luỹ vốn vật chất trong thời gian đầu (máy móc, thiết bị, công nghệ vừa tầm), và khi đạt được một trình độ phát triển tương đối cao thì cần đầu tư đồng thời vào công nghệ mới và giáo dục đào tạo để có lao động chất lượng cao phù hợp với công nghệ mới. Song song với chiến lược này là xây dựng một môi trường chính sách cởi mở, thông thoáng trong quản lý, khuyến khích cạnh tranh, đổi mới sáng tạo và R&D trong doanh nghiệp, và bảo vệ bản quyền, sở hữu trí tuệ.
Thiết kế để “đủ sức”
Tuy không có thay đổi lớn trong mô hình kinh tế, nhưng một số thuộc tính nội tại của nền kinh tế lại cần được định hướng và thiết kế để “đủ sức” phản kháng với những cú sốc giống COVID-19.
Trước tiên, việc tăng nội lực để không bị phụ thuộc vào bên ngoài và đủ khả năng đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu của nền kinh tế thông qua đảm bảo nguồn hàng và phương tiện sản xuất cần thiết khi gặp sốc. Có những ngành công nghiệp lõi và tinh nhuệ, được thúc đẩy phát triển dựa trên chiến lược công nghiệp và chọn đối tác chiến lược trong chuyển giao công nghệ.
Tiếp đến là khả năng ứng phó linh hoạt. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ SMEs, với số lượng lớn và khả năng chuyển đổi lĩnh vực dễ dàng khi cần thiết, luôn là bộ đệm “giảm sốc” cần thiết. Muốn nền kinh tế linh hoạt thì chúng ta cần chính sách để các SMEs khoẻ mạnh và có năng lực cạnh tranh cao. Một trong những chính sách hiệu quả là nhà nước ưu tiên hỗ trợ tài chính cho các tập đoàn lớn có dự án phối hợp với SMEs để hình thành chuỗi giá trị nội địa hay quốc tế.
Về đổi mới sáng tạo và nghiên cứu phát triển (R&D), đây là hai yếu tố quan trọng để các quốc gia xây dựng năng lực cạnh tranh trong dài hạn. Thông thường các quốc gia và doanh nghiệp ít chú trọng đến đầu tư cho đổi mới sáng tạo và R&D trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng, mà chỉ tập trung khai thác những bằng phát minh sáng chế sẵn có.
Xây dựng các cụm cạnh tranh có thể hiểu là một tập hợp các doanh nghiệp và các trung tâm nghiên cứu – đào tạo công và tư được hình thành trên một khu vực địa giới cụ thể và trên một chủ đề mục tiêu. Nhiều quốc gia đã thành công trong đổi mới mô hình tăng trưởng nhờ vào các cụm cạnh tranh. Ở nước ta thì có thể thúc đẩy loại cụm cạnh tranh doanh nghiệp – trường đại học và viện nghiên cứu, hoặc cụm cạnh tranh thúc đẩy kết nối vùng miền hình thành chuỗi giá trị.
ĐBQH Nguyễn Thị Lan (Đoàn ĐB TP Hà Nội):
Chính phủ cần chú trọng chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc biệt là mô hình doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ hình thành trong các trường đại học để thương mại hóa các công nghệ đã được nghiên cứu, phát triển trong các trường đại học, viện nghiên cứu.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần rà soát hoàn thiện văn bản dưới luật liên quan để thúc đẩy thị trường khoa học công nghệ (KHCN), thương mại hóa như Luật Giáo dục đại học, Luật KH&CN… ; bổ sung chiến lược, quy hoạch phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, dự báo đổi mới công nghệ...
ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn ĐB TP Đà Nẵng):
Đánh giá của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã phản ánh thực tế, nhiều doanh nghiệp cho biết khó tiếp cận nguồn vốn từ các gói hỗ trợ vì có quá nhiều điều kiện khó khăn, chưa phù hợp với thực tiễn, quy trình, thủ tục còn phức tạp, mất nhiều thời gian chờ đợi. Tại sao trong thời điểm doanh nghiệp gặp khó khăn nhất thì thủ tục lại phức tạp, rườm rà; trong quá trình thực hiện thấy khó khăn vương mắc tại sao không kịp thời tháo gỡ. Do vậy, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan chức năng cung cấp thông tin chi tiết và đánh giá minh bạch, rõ ràng về gói hỗ trợ cho đại biểu Quốc hội có thêm thông tin để giám sát.
Có thể bạn quan tâm
NỀN KINH TẾ XANH: (Kỳ I) Vì sao mô hình tăng trưởng hiện tại của Việt Nam không bền vững?
11:00, 09/06/2020
Xác lập mô hình tăng trưởng kinh tế mới tại Việt Nam
17:00, 19/09/2019
Kinh tế tuần hoàn – Mô hình tăng trưởng liên ngành ưu việt
11:19, 12/09/2019
Nền tảng đổi mới mô hình tăng trưởng
11:05, 29/05/2019
Mô hình tăng trưởng và cơ hội số
10:30, 30/04/2019