Năng suất lúa Đông Xuân khu vực Nam Bộ lập kỷ lục mới
Tin vui trên được Cục Trồng trọt-Bộ NN& PTNT cho biết tại hội nghị tổng kết sản xuất lúa năm 2020 diễn ra tại TP.Cần Thơ vào sáng nay 24/3.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, tổng diện tích xuống giống toàn vùng Nam bộ vụ Đông Xuân 2020-2021 gần 1,6 triệu ha giảm gần 30.000 ha; năng suất ước đạt 70,0 tạ/ha, tăng 2,14 tạ/ha; sản lượng ước đạt hơn 11 triệu tấn, tăng 145.000 tấn so với vụ Đông Xuân 2019–2020, đây là mức kỷ lục về năng suất lúa tính từ trước đến nay.
Trong đó, vùng ĐBSCL xuống giống hơn 1,5 triệu ha, giảm 27.000 ha nhưng nhờ năng suất đạt mức kỷ lục 70,52 tạ/ha, tăng 2,17 tạ/ha; sản lượng ước đạt 10,7 triệu tấn, tăng 144.000 tấn.
Vùng Đông Nam Bộ xuống giống đạt hơn 77.000 ha, giảm gần 2.000 ha; năng suất ước đạt 59,87 tạ/ha, tăng 1,55 tạ/ha; sản lượng đạt 463.000 tấn, tăng 1.000 tấn.
Có được kết quả như trên là nhờ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Cục Trồng trọt phối hợp với Tổng cục Thủy lợi và các đơn vị trược thuộc Bộ rà soát sắp xếp thời vụ, mùa vụ kịp thời, hợp lý cho những vùng có nguy cơ hạn, mặn và đề ra các biện pháp khắc phục cụ thể trước và trong thời điểm xuống giống. Đồng thời điều chỉnh kế hoạch, lịch thời vụ gieo trồng lúa cho từng khu vực trong từng tỉnh; theo dõi tình hình sinh vật gây hại cây trồng, diễn biến chất lượng nước phục vụ tưới tiêu đã được thực hiện chặt chẽ, thường xuyên, kịp thời.
Nhìn chung, tình hình xuống giống vụ Đông Xuân 2020-2021 tại các tỉnh ĐBSCL triển khai thực hiện sớm hơn ở các tỉnh ven biển để né hạn mặn trong mùa khô. Thời tiết thuận lợi hơn giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, sâu bệnh ít; Thời gian lúa trổ gặp thời tiết tương đối thuận lợi giúp thụ phấn và đậu hạt tốt, có 2- 3 cơn mưa trái mùa giúp đủ nước cung cấp cho trong suốt quá trình cây sinh trưởng, phát triển và cho năng suất cao.
Bên cạnh đó, các công trình chống hạn, xâm nhập mặn được quan tâm đầu tư, đẩy nhanh tiến độ, xây dựng và vận hành phù hợp với thực tế. Cùng với kinh nghiệm và sự chủ động của địa phương chuẩn bị các nguồn lực phòng chống thiên tai, dịch bệnh để chỉ đạo và xử lý kịp thời, hiệu quả. Giá lúa tăng cao từ đầu vụ, nên nông dân tăng cường đầu rư, chăm sóc, tuân thủ mùa vụ, sử dụng giống hợp lý.
Theo kế hoạch của Cục Trồng trọt, vụ Hè thu 2021, kế hoạch toàn vùng Nam bộ gieo sạ hơn 1,6 triệu ha; Vụ Thu Đông 2021 kế hoạch vùng ĐBSCL gieo sạ 725.000 ha; vụ Mùa 2021, kế hoạch toàn vùng Nam bộ gieo sạ 266.000 ha. Kế hoạch sản xuất lúa toàn vùng Nam bộ năm 2021: gieo sạ gần 4,2 triệu ha, năng suất ước đạt 60,98 tạ/ha và tổng sản lượng dự kiến đạt trên 25,5 triệu tấn.
“Mặc dù điều kiện về tự nhiên không thuận lợi, cùng với dịch Covid-19 kéo dài rất khó khăn nhưng ngành sản xuất lúa gạo của khu vực Nam Bộ mà trọng điểm là vùng ĐBSCL diện tích gieo trồng tuy giảm nhưng vẫn đảm bảo an ninh lương thực và 7 triệu tấn để xuất khẩu với giá bán cao kỷ lục, mang về lợi nhuận 45 triệu đồng/ha là một kỳ tích của ngành lúa gạo”, ông Tùng cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Định vị sản xuất lúa gạo Kỳ 2: Cần chiến lược xây dựng thương hiệu
13:59, 10/03/2021
Định vị sản xuất lúa gạo Việt Kỳ I: Cải thiện đẳng cấp
13:36, 05/03/2021
Nên sản xuất lúa gạo theo nhu cầu của thị trường
09:14, 22/11/2019
Ngân hàng ưu đãi lãi suất cho vay sản xuất lúa gạo
16:28, 04/03/2019
Thu hơn nửa tỷ đồng/năm từ sản xuất lúa giống
05:23, 19/10/2017