Thủ tướng ủng hộ tăng tỷ lệ ngân sách để lại cho TP.HCM

ĐÌNH ĐẠI 13/05/2021 21:20

Thủ tướng Phạm Minh Chính ủng hộ kiến nghị tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TP.HCM là 23%, giúp Thành phố phát triển, hoàn thành các chương trình đột phá đề ra.

Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND TP.HCM đã kiến nghị 5 nhóm vấn đề trọng tâm, trong đó có kiến nghị Trung ương chấp thuận chủ trương điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Thành phố giai đoạn 2022 - 2025 là 23%, thay vì 18% như giai đoạn hiện nay.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ủng hộ đề xuất tăng tỷ lệ ngân sách để lại cho TP.HCM.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ủng hộ đề xuất tăng tỷ lệ ngân sách để lại cho TP.HCM.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, TP.HCM vẫn là đầu tàu của cả nước, thể hiện ở quy mô dân số, đóng góp GDP vào tổng ngân sách. Ngoài sự ủng hộ đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TP.HCM giai đoạn 2022 - 2025, Thủ tướng yêu cầu TP.HCM đẩy mạnh cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Thành phố cần định hướng phát triển TP Thủ Đức thành một cực tăng trưởng, chú trọng đổi mới kinh tế số để đảm bảo đóng góp 25% GDP như mục tiêu đề ra.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sau khi nhận được 15 đề xuất của TP.HCM, từ ngày 29/4 đến 11/5, Thường trực Chính phủ, các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực và Thủ tướng có nhiều cuộc họp xem xét, thảo luận và cơ bản đồng tình với những kiến nghị của Thành phố.

"Những vấn đề vướng mắc thuộc thẩm quyền Quốc hội thì Chính phủ cùng TP.HCM ngồi lại tháo gỡ. Việc giải quyết những đề xuất của Thành phố sẽ được thực hiện với tinh thần "Chính phủ không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm".Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Đối với kiến nghị "phân cấp, phân quyền" cho Thành phố quyết định một số vấn đề thuộc quyền của Trung ương, Thủ tướng nói rằng việc gì TP.HCM làm tốt hơn, Chính phủ sẵn sàng bàn giao cho Thành phố làm. "Cái gì biết mới quản, cái gì không biết dứt khoát phải giao cho người biết để quản lý", Thủ tướng nói.

Liên quan đề xuất phát triển hạ tầng, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, nhất định phải thực hiện theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Vừa qua các Bộ, ngành, Thường trực Chính phủ đã có nhiều cuộc họp bàn về giải phóng mặt bằng. Từ đó các bên thống nhất vấn đề giải phóng mặt bằng phải do địa phương làm. Dự án đi qua tỉnh, thành nào thì nơi đó phải chịu trách nhiệm giải tỏa, bàn giao mặt bằng để phát triển hạ tầng.

Áp lực đầu tư hạ tầng TP.HCM là rất lớn. Ảnh: Minh Quân

Áp lực đầu tư hạ tầng TP.HCM là rất lớn. Ảnh: Minh Quân

“Địa phương muốn có đường, có đột phá thì phải có trách nhiệm, tinh thần là không trông chờ, không ỷ lại, phát huy cao độ tự lực, tự cường. Tôi rất tin tưởng TP.HCM sẽ làm được", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Với nội dung xây dựng mới chung cư cũ, Thủ tướng cho biết đã bàn với Bộ trưởng Bộ Xây dựng sẽ sửa Nghị định cũ cho phù hợp thực tiễn. Thay vì chung cư cũ chỉ cao 3 - 4 tầng, cơ quan chức năng xem lại quy hoạch khu đó, nếu phát triển được cho tăng chiều cao, giảm bề rộng tạo không gian phát triển, trồng cây xanh, vừa có tiền trả nợ cho các tầng cũ vừa làm dịch vụ, giải trí.

Trước đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã kiến nghị Thủ tướng 5 nhóm vấn đề trọng tâm để Thành phố có thể thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Cụ thể, về phân cấp, phân quyền cho TP.HCM, ông Phong kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp TP.HCM và các Bộ, ngành Trung ương sớm xây dựng đề án ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 93/2001/NĐ-CP của Chính phủ về phân cấp một số lĩnh vực cho TP.HCM trong quý 2/2021.

Về đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM kiến nghị chấp thuận thông báo điều chỉnh lại mức vốn dự kiến đầu tư công kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ các nguồn vốn đầu tư Thành phố có thể huy động được theo đúng khả năng cân đối và nhu cầu của Thành phố là 261.967 tỷ đồng. Trong đó, đối với vốn đầu tư từ nguồn bội chi ngân sách địa phương, Trung ương bố trí đủ kế hoạch trung hạn cho các dự án sử dụng vốn ODA vay lại là 43.391 tỷ đồng. 

Riêng về vấn đề quản lý tài sản của các doanh nghiệp nhà nước, các công ty liên doanh có giá trị lịch sử, kiến trúc, vị trí đảm bảo quốc phòng - an ninh, lãnh đạo TP.HCM cũng kiến nghị 3 phương án đối với Tổng công ty Du lịch Sài Gòn TNHH MTV (Saigontourist), hiện đang quản lý 4 khách sạn gồm khách sạn Bến Thành - Rex Hotel,  khách sạn Cửu Long - Majestic Hotel, khách sạn Hoàn Cầu - Continental Hotel và khách sạn Kim Đô, nhưng thuộc diện cổ phần hóa, Nhà nước giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ theo hướng "Nhà nước cần thiết phải quản lý bốn khách sạn và phần vốn góp tại các liên doanh này" để đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Có thể bạn quan tâm

  • Vì sao TP.HCM xin giữ lại 23% ngân sách?

    Vì sao TP.HCM xin giữ lại 23% ngân sách?

    16:53, 13/05/2021

  • Thủ tướng: Cương quyết không để dịch COVID-19 bùng phát ở TP.HCM

    Thủ tướng: Cương quyết không để dịch COVID-19 bùng phát ở TP.HCM

    14:39, 13/05/2021

  • TP.HCM kiến nghị Thủ tướng 5 nhóm vấn đề trọng tâm

    TP.HCM kiến nghị Thủ tướng 5 nhóm vấn đề trọng tâm

    11:17, 13/05/2021

  • Thủ tướng Phạm Minh Chính lần đầu làm việc với lãnh đạo TP.HCM

    Thủ tướng Phạm Minh Chính lần đầu làm việc với lãnh đạo TP.HCM

    10:35, 13/05/2021

  • TP.HCM: Đề án thu phí hạ tầng cảng biển “làm khó” doanh nghiệp thủy sản

    TP.HCM: Đề án thu phí hạ tầng cảng biển “làm khó” doanh nghiệp thủy sản

    04:20, 13/05/2021

ĐÌNH ĐẠI