Gian hàng trực tuyến: Hướng đi mới cho doanh nghiệp Việt
“Gian hàng Việt trực tuyến” - hướng đi mới cho doanh nghiệp Việt, hợp tác xã và hộ kinh doanh tại tỉnh Sơn La.
Hội nghị đầu tiên về tập huấn ứng dụng thương mại điện tử và hỗ trợ kết nối phân phối sản phẩm qua “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn thương mại điện tử đã được tổ chức trên địa bàn tỉnh Sơn La tại các huyện Mộc Châu, Sông Mã và thành phố Sơn La.
Trong năm 2020, hưởng ứng mạnh mẽ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến” của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đã ký kết thỏa thuận hợp tác với các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam như Sendo.vn, Voso.vn và Tiki.vn nhằm mục tiêu hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam, hộ kinh doanh, hợp tác xã ở địa phương . . . đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, tăng cường phân phối sản phẩm hàng hoá trên kênh phân phối hiện đại, kết nối thị trường trong cả nước và hướng tới sự phát triển bền vững, thúc đẩy tiêu dùng nội địa.
Căn cứ theo công văn số 9931-BCT/TMĐT ngày 04/12/2020 của Bộ Công Thương gửi các tỉnh, thành địa phương và kế hoạch của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến” sẽ được triển khai tại 63 tỉnh thành trên cả nước để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất Việt, hợp tác xã và hộ kinh doanh phát triển kênh phân phối mới, phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch COVID-19 và mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa.
Trong các ngày từ ngày 22 – 25/3/2020 vừa qua, các Hội nghị đầu tiên triển khai ứng dụng thương mại điện tử và hỗ trợ kết nối phân phối sản phẩm qua “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn thương mại điện tử đã được tổ chức tại các huyện Mộc Châu, Sông Mã và thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Trong 3 ngày của Hội nghị, hơn 140 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh đã được trang bị các thông tin, kỹ năng về thương mại điện tử; quy định của pháp luật về thương mại điện tử nói chung và chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến” nói riêng.
Tại các Hội nghị này, các doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Sơn La đã được các chuyên gia đến từ các Sàn thương mại điện tử, như Sendo, Voso, Viettel Post, công ty giải pháp thương mại điện tử - là đối tác hợp tác của Chương trình - trực tiếp tư vấn hỗ trợ các nội dung liên quan đến quy trình đăng ký, mở gian hàng, hướng dẫn quảng bá, giới thiệu và kỹ năng phân phối sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.
Hướng dẫn tham gia “Gian hàng Việt trực tuyến” trên sàn thương mại điện tử Sendo và Voso; giải pháp ngân hàng số, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp tham gia "Gian hàng Việt trực tuyến"; giới thiệu về ứng dụng QR Code trong quản lý sản phẩm và truy xuất nguồn gốc...
Ngay tại Hội nghị, nhiều sản phẩm đặc sản của doanh nghiệp tỉnh Sơn La như long nhãn, mật ong, trà... đã được hỗ trợ đưa lên Gian hàng Việt trực tuyến trên các Sàn thương mại điện tử Sendo và Voso.
Các sàn thương mại điện tử sẽ tiếp tục bố trí nhân lực để tiếp tục trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã của địa phương quản lý, vận hành thương mại điện tử trong thời gian từ 3 đến 6 tháng tiếp theo.
Tại Hội nghị, các doanh nghiệp sản xuất, hợp xã và hộ kinh doanh đã có những trao đổi thiết thực, giải đáp những vướng mắc, khó khăn khi tham gia vào thị trường trực tuyến.
Bà Đinh Thị Yến, Giám đốc hợp tác xã Thái Tuấn, thuộc tỉnh Sơn La chia sẻ với đội ngũ tư vấn của sàn TMĐT Sendo, tôi đang tìm hiểu dần về kinh doanh trực tuyến và cũng đã mở gian hàng trên một số sàn thương mại điện tử nhưng còn rất nhiều trở ngại, băn khoăn về các khoản phí cũng như lợi ích đối với các mặt hàng nông sản hay sản phẩm địa phương khi bán theo phương thức mới.
“Tôi nhận thấy những Hội nghị tập huấn như thế này rất có ích cho người dân tại tỉnh, đặc biệt là các hộ kinh doanh và hợp tác xã đang rất có nhu cầu tiếp cận phương thức kinh doanh mới như tôi”, bà Yến bày tỏ.
Bên cạnh đó, đã có rất nhiều hợp tác xã bày tỏ sự quan tâm với chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn thương mại điện tử Sendo, Voso; mong muốn được các sàn thương mại điện tử và đối tác của chương trình tư vấn kỹ hơn quy trình tham gia, ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm nông sản sau khi kết thúc Hội nghị.
Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất Việt, hợp tác xã và hộ kinh doanh khi tham gia phân phối hàng hoá trên “Gian hàng Việt trực tuyến” tại các sàn thương mại điện tử sẽ được hưởng những chương trình ưu đãi đặc biệt từ Bộ Công Thương và các đối tác hợp tác của chương trình.
Cụ thể, đào tạo xây dựng chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số; Hưởng các chính sách hỗ trợ từ Bộ Công Thương, các Sàn thương mại điện tử cũng như các đối tác hợp tác của Chương trình như: Miễn phí toàn bộ chi phí mở gian hàng, chi phí vận hành gian hàng từ 3 đến 6 tháng kể từ khi tham gia mở gian hàng; Hỗ trợ chi phí chuyển phát lên tới 50%; Hỗ trợ chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi từ ngân hàng hợp tác với chương trình…
Hỗ trợ các giải pháp ứng dụng chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc cho doanh nghiệp và sản phẩm của doanh nghiệp; Tham gia các chương trình kết nối cung cầu, xúc tiến phân phối sản phẩm trên nền tảng trực tuyến;
Tham gia các chương trình truyền thông quảng bá do Bộ Công Thương cùng các đối tác của chương trình thực hiện trên phạm vi toàn quốc; Hỗ trợ, hướng dẫn thông báo, đăng ký website với Bộ Công Thương.
Dự kiến trong năm 2021, chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến” của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ phối hợp cùng các Sở Công Thương, Trung tâm xúc tiến tỉnh, thành địa phương khác để triển khai các Hội nghị về ứng dụng thương mại điện tử và kết nối phân phối hàng hóa trên nền tảng trực tuyến.
Có thể bạn quan tâm
9 chiêu tăng doanh số bán hàng trực tuyến (phần 2)
06:28, 28/07/2020
9 chiêu tăng doanh số bán hàng trực tuyến (phần 1)
06:28, 27/07/2020
Bán hàng trực tuyến có làm suy vong chuỗi cửa hàng bán lẻ?
05:00, 27/03/2020
"Ông lớn" về mua sắm và bán hàng trực tuyến thắng lớn nhờ "bão" sale
14:10, 13/12/2018