Thị trường bất động sản cuối năm: Phân khúc cao cấp dư thừa nguồn cung
Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường những tháng cuối năm 2018 sẽ không có biến động lớn; khả năng vẫn tiếp tục thừa nguồn cung căn hộ trung và cao cấp; du lịch nghỉ dưỡng sẽ chững,…
Dự báo về thị trường BĐS những tháng cuối năm, ông Vũ Văn Phấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây Dựng khẳng định những tháng cuối năm 2018 sẽ không có biến động lớn.
Cụ thể, ông Phấn cho biết, ở phân khúc căn hộ chung cư nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp trong năm tới sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt tại các khu vực đô thị phát triển. Tuy nhiên, thị trường sẽ có sự phân hóa về khả năng tiêu thụ theo từng phân khúc..
“Trong năm 2018, khả năng vẫn tiếp tục thừa nguồn cung căn hộ trung và cao cấp, thiếu căn hộ bình dân. Sản phẩm thuộc phân khúc bình dân của các chủ đầu tư uy tín dự báo có khả năng thanh khoản cao; các sản phẩm cao cấp dự báo lượng giao dịch sẽ chững lại. Ở một số khu vực, giá bán bất động sản dao động nhẹ trong từng phân khúc”, ông Phấn khẳng định.
Đối với thị trường du lịch nghỉ dưỡng, đại diện Bộ Xây dựng cho biết hiện có rất nhiều dự án đang chào bán với nhiều phương thức khuyến mại, nguồn cung căn hộ du lịch condotel rất lớn, dự báo năm 2018 thị trường căn hộ du lịch condotel sẽ có xu hướng chững lại.
Cũng có cái nhìn khá khả quan đối với thị trường từ nay đến hết năm 2018, ông Nguyễn Mạnh Hà – Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý và Thị trường Bất động sản Việt Nam – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết trong những tháng cuối năm thị trường vẫn phát triển ổn định.
“Riêng đối với đất nền khu vực ven đô có hạ tầng hoàn thiện, nằm trong khu vực có nhiều tuyến đường đã và đang hoàn thành ở cả 2 khu vực Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ có xu hướng tăng”, ông Hà nhấn mạnh.
Đi vào cụ thể từng loại sản phẩm, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam thông tin: Tính tới hết tháng 5, nguồn cung chung cư tại Hà Nội và TP.HCM khoảng trên 32 nghìn sản phẩm; lượng tiêu thụ khoảng 28 nghìn sản phẩm, sức hấp thụ đạt khoảng 80%. “Trong đó, phân khúc có giá dưới 25 triệu đồng/m2 tiêu thụ rất mạnh, hàng ra tới đâu bán hết tới đó. Ngược lại, phân khúc cao cấp, tỷ lệ hấp thụ rất thấp chỉ đạt khoảng 20%. Đặc biệt, những căn hộ có giá 60 triệu đồng/m2, giao dịch gần như đứng yên”.
Về thị trường đất nền, ông Đính cho biết, hiện đang khan hiếm các dự án đất nền ở Hà Nội và TP HCM. “Tuy nhiên, mỗi dự án bán ra cũng chỉ khoảng từ vài chục tới 300 sản phẩm là nhiều. Trong khi thị trường nội thành đã bão hòa về giá, có lẽ việc đầu tư vào đất nền vùng ven sẽ có khả năng sinh lời”, ông Đính cho biết.
Với phân khúc nhà ở biệt thự, liền kề nhiều chuyên gia nhận định sẽ “dư thừa nguồn cung”. Có thể điểm danh hàng loạt dự án, như Văn Quán Riverside, The Mansions, An Vượng Villas, An Khang Villa, An Phú Shop Villa ở Hà Đông; Lâm Viên Villas,… ở Gia Lâm, The Eden Rose ở Thanh Trì, Bảo Sơn, Geleximco, Nam An Khánh…
Có thể bạn quan tâm
Tín dụng tiêu dùng chảy vào bất động sản
02:06, 22/06/2018
Tín hiệu bất ngờ từ thị trường bất động sản 2018
19:45, 21/05/2018
Muốn bất động sản phát triển cần phải có "bàn tay" của Nhà nước
23:35, 20/05/2018
“Đồng bộ” pháp luật về bất động sản
11:45, 20/05/2018
TS Vũ Tiến Lộc: Dòng vốn đầu tư vào bất động sản đang ngày càng tăng
14:46, 17/05/2018
Thị trường bất động sản 2018: Tác động từ chính sách
14:00, 17/05/2018
Có quá nhiều dự án biệt thự nhà liền kề xuất hiện trong thời gian ngắn, đã đẩy lượng cung mạnh hơn nhu cầu thực tế.
Nhận định về phân khúc này, Ông La Văn Lăng, Giám đốc Công ty CP Vietfor Land cho rằng, tùy thuộc vào vị trí của từng dự án mà nhà đầu tư thứ cấp đánh giá tỷ suất lợi nhuận khác nhau.
“Ví dụ, với những dự án nằm ở trục đường chính, giao thông thuận lợi như khu vực Xuân Phương (Nam Từ Liêm), giá nhà liền kề tăng đột biến, khoảng 65 triệu đồng/m2. Tỷ suất lợi nhuận đạt tới 25 - 50%; các dự án thuộc quận Thanh Trì, tỷ suất lợi nhuận dao động từ 10 - 15%. Tuy nhiên, một số dự án nhà biệt thự, liền kề còn hạn chế về hạ tầng giao thông sẽ không hút người mua, do đó tính thanh khoản rất chậm, tỷ suất lợi nhuận chỉ đạt 1 - 2%. Thời gian thanh khoản kéo dài, trung bình 1 - 2 năm”, ông Lăng nói.
Thừa nhận đang có dòng vốn đầu tư chuyển dịch từ trung tâm các thành phố lớn sang vùng ngoại thành, ông Phạm Thành Hưng, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn CENGROUP nhận định: “Thị trường BĐS có một chu kỳ, nóng lên ở vùng lõi trung tâm, sau đó tạo động lực cho thị trường lân cận phát triển. Đặc biệt các sản phẩm đất nền vùng ven đang rất hút khách”.
Tuy nhiên, ông Hưng lưu ý, thị trường ven đô chưa phát triển nên khó có thể sử dụng ngay, vì vậy phải chờ đợi thêm thời gian nữa, trong thời gian đó sản phẩm này có thể giảm giá cũng có thể tăng giá. “Nhà đầu tư phải nắm bắt được quy luật: Thị trường vùng ven phát triển theo vết dầu loang, phải chờ hạ tầng. Khi nào hạ tầng phát triển thì mới có khả năng phát triển, khả năng khai thác, thì mới đảm bảo thanh khoản. Do vậy, khi lên thì lên rất nhanh, nhưng khi đã rớt thì rất lớn. Các nhà đầu tư tham gia vào thị trường đất nền phải biết được quy luật này để chuẩn bị tâm lý bị trở thành người cuối cùng trong cuộc đua”.