HoREA: Siết tín dụng là chưa phù hợp với thị trường

Hồng Hương 28/09/2018 18:29

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đã có công văn kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cho phép các tổ chức tín dụng được sử dụng tối đa 45% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn.

Theo đó, HoREA cho rằng, việc siết tín dụng từ 45% về 40% kể từ ngày 01/01/2019, là chưa cần thiết và chưa phù hợp với thực tiễn cũng như chưa đáp ứng yêu cầu phát triển ổn định của thị trường bất động sản.

nếu siết quá chặt tín dụng bất động sản, thị trường có thể tiếp nhận cú sốc

Horea lo ngại, nếu siết quá chặt tín dụng bất động sản, thị trường có thể tiếp nhận cú sốc

Doanh nghiệp bất động sản phụ thuộc rất lớn vào nguồn vay tín dụng ngân hàng, phần lớn khách hàng cũng vay vốn để mua nhà… nên Horea kiến nghị chưa nên siết vốn vào lĩnh vực này.

Theo quy định tại Khoản 17, Điều 1, Thông tư 19/2017/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung Điều 17, Thông tư 36/2014/TT-NHNN), kể từ ngày 1/1/2019, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng tối đa 40% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn. Hệ số rủi ro của các khoản vay để kinh doanh bất động sản là 200%. Như vậy, từ đầu năm 2019, dòng vốn trung và dài hạn mà ngân hàng cho vay bất động sản sẽ teo tóp dần và sụt giảm đến 20% so với năm 2016.

Tuy nhiên, với đề xuất của HoREA, các tổ chức tín dụng được sử dụng tỷ lệ tối đa 45% của nguồn vốn ngắn hạn, để cho vay trung hạn và dài hạn trong năm 2019. Tỷ lệ 45% hiện đang được áp dụng trong năm 2018, theo Thông tư 19/2017/TT-NHNN.

Theo HoREA, tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm 2018 đạt khoảng 9% chỉ bằng hơn một nửa so với chỉ tiêu 17% cả năm 2018. Tăng trưởng tín dụng bất động sản rất thấp, chỉ đạt 4,55% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Trong khi Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Chỉ thị 04/CT-NHNN ngày 02/08/2018 chủ trương: "Không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (trừ trường hợp đặc biệt); Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, BOT, BT giao thông; Kiểm soát chặt chẽ tín dụng tiêu dùng, nhất là tín dụng tiêu dùng liên quan đến bất động sản".

Cũng theo quy định của Luật Kinh doanh Bất động sản, tùy theo quy mô diện tích dự án, chủ đầu tư phải có vốn chủ sở hữu 15% hoặc 20% vốn đầu tư. Còn lại 80-85% nhu cầu vốn doanh nghiệp chủ yếu dựa vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và vốn huy động từ khách hàng.

Mặt khác, việc tìm kiếm nguồn vốn thay thế từ các quỹ đầu tư bất động sản và thị trường chứng khoán vẫn chưa khả quan. Đến nay, bên cạnh vài quỹ đầu tư tài chính nước ngoài, cả nước mới chỉ có một Quỹ đầu tư bất động sản là TCREIT thuộc Techcombank với số vốn điều lệ rất nhỏ chỉ có 50 tỷ đồng.

Điều này cho thấy các quỹ đầu tư chưa huy động được nguồn vốn nhàn rỗi còn rất lớn trong nước và cũng chưa đáp ứng được nhu cầu vốn rất lớn của thị trường bất động sản. Còn thị trường chứng khoán vẫn chưa trở thành kênh dẫn vốn quan trọng của thị trường bất động sản do mới chỉ có rất ít doanh nghiệp bất động sản niêm yết. Do đó, theo HoREA nếu siết quá chặt tín dụng bất động sản, thị trường có thể tiếp nhận cú sốc.

Hồng Hương