Nguy cơ “sập bẫy” môi giới đất nền

THIÊN BÌNH 12/11/2018 16:25

Cơ quan quản lý TP.HCM vừa phát đi thông điệp cảnh báo người dân trên địa bàn về các trường hợp môi giới có dấu hiệu lừa đảo, rao bán đất nền không hợp pháp.

Khu đất của người dân tại Củ Chi đã được công ty Alibaba rao bán trái phép

Khu đất của người dân tại Củ Chi đã bị công ty môi giới rao bán trái phép

Ông Nguyễn Tấn Hưng - Phó Chủ tịch UBND Huyện Long Thành (Đồng Nai) vừa có văn bản báo cáo kết quả rà soát tình hình giao dịch mua bán đất nền của Công ty CP Địa ốc Alibaba (Địa ốc Alibaba) trên địa bàn huyện.

Rao bán tràn lan dự án ảo

Theo đó, qua kiểm tra rà soát, lãnh đạo huyện Long Thành nhận thấy Địa ốc Alibaba liên kết với Công ty CP Địa ốc Tia Chớp (Xã Long Phước, huyện Long Thành, Đồng Nai) do bà Trương Thị Hồng Ngọc làm giám đốc để thực hiện bán khống những dự án không có thật trên địa bàn huyện. Hai công ty nói trên đã bắt tay nhau bán đất nền ở 21 dự án thuộc các xã Phước Bình, Long Phước, An Phước…

Trong đó, tại xã Phước Bình, Địa ốc Alibaba rao bán 3 khu đất là dự án Alibaba Central Park, Alibaba Central Park II, Alibaba Central Park III. Tại xã An Phước và xã Long Phước có 17 dự án là từ dự án Alibaba 1 đến Alibaba 16 và dự án Khu dân cư Quốc tế Lilama...

Theo UBND huyện Long Thành, những vị trí mà Địa ốc Alibaba và Công ty CP địa ốc Tia Chớp rao bán, phần lớn đều là đất quy hoạch sản xuất nông nghiệp nhưng các doanh nghiệp này tự làm đường giao thông ngang dọc khu đất kết nối ra quốc lộ 51 và chia đất ra những lô nhỏ không đúng thực tế rồi rao bán.

Mới đây, sau khi đi kiểm tra, rà soát, ông Võ Tấn Đức - Chủ tịch UBND huyện Long Thành phát hiện có 23 điểm giao dịch đã làm đường, rào chắn cắm biển mua bán trái phép mà Công ty Alibaba gọi là dự án để giao dịch, phân lô bán nền... nhưng chưa có dự án nào được duyệt chủ trương và cấp phép. Do đó, UBND huyện đang thực hiện việc cưỡng chế, tháo dỡ các dự án “ma” của công ty này ở khu vực xã Long Phước và các xã lân cận.

Cụ thể, tại dự án Alibaba Central Park 2 tại xã Phước Bình, Công ty Alibaba đang xây dựng công trình có diện tích khoảng 160 m2, xung quanh che chắn bằng tôn. UBND xã Phước Bình cùng các ngành liên quan đã tháo dỡ các bảng quảng cáo, đình chỉ hoạt động xây dựng.

Mặc dù chưa xong cơ sở hạ tầng nhưng nhiều dự án tại Long Thành đã được rao bán với giá 5 triệu đồng/1m2

Mặc dù chưa xong cơ sở hạ tầng nhưng nhiều dự án tại Long Thành đã được rao bán rầm rộ

Tại dự án Alibaba Central Park, Công ty Alibaba đã san ủi làm 3 con đường dọc ngang khu đất. Có một con đường đã đổ đất đá, chưa san ủi chiều dài 26 m, làm một con đường nhựa ngang 4 m dài 500 m kết nối với đường nhựa Phước Bình - Tân Thành. Cơ quan chức năng đã đình chỉ thi công, xúc toàn bộ khối lượng đá đã san ủi đưa ra ngoài dự án…

Không chỉ tại Đồng Nai, mới đây UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã có công văn gửi các sở, ban ngành về việc một số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có dấu hiệu huy động vốn trái phép, quảng cáo, giới thiệu các dự án trái với quy định của pháp luật nhằm lừa đảo khách hàng, nhà đầu tư.

Trong đó, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ đích danh Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, kinh doanh bất động sản, tổ chức huy động vốn, mua bán nhà ở hình thành trong tương lai khi chưa đủ điều kiện theo quy định.

Điều này gây khó khăn trong công tác quản lý, tiềm ẩn những nguy cơ, rủi ro ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Khách hàng cần tỉnh táo

Ông Nguyễn Văn Đính – Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thừa nhận thị trường đang có hiện tượng nhân viên môi giới tự vẽ ra dự án để chào bán. Để tạo sức hút, những dự án này thường được chọn ở vị trí đẹp, gần các tuyến đường lớn, gần trường, chợ… và đặc biệt được rao bán với giá thấp hơn hẳn mức chung của thị trường.

Thậm chí, nhiều đơn vị môi giới còn tổ chức cho nhân viên dẫn dụ khách hàng đến xem trực tiếp khu đất dự án, ở đó đã dàn sẵn cảnh người người chen nhau mua bán, ký hợp đồng và thanh toán tiền ngay trước mặt người đi xem đất nhằm tạo miềm tin đây là đất dự án thật. Một số trường hợp còn táo tợn làm giả giấy tờ pháp lý của khu đất, giấy tờ chấp thuận cấp phép dự án của chính quyền...

Do đó, ông Đính cho rằng khi xem xét mua đất nền dự án, khách hàng cần tìm hiểu kỹ mặt bằng giá khu vực, nếu giá rẻ hơn cần cảnh giác. Ngoài kiểm tra pháp lý dự án, người mua cũng nên đến xem đất trực tiếp, sau khi xác định vị trí lô đất thì đến cơ quan hành chính địa phương xem bản đồ quy hoạch có khớp với thông tin dự án như môi giới quảng cáo hay không.

Lý giải về tình trạng môi giới nhà đất bát nháo như hiện nay, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Dân sự vẫn còn nhiều kẽ hở, không thể kiểm soát hết các đối tượng đã cố tình lách luật và lừa dối khách hàng.

“Về phía HoREA sẽ có văn bản kiến nghị các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn, xử lý những hoạt động trên. Tuy nhiên trước mắt, các khách hàng cần phải tỉnh táo, xem xét kỹ trước khi "rót" tiền vào bất cứ dự án nào không rõ ràng về pháp lý, nhất là các doanh nghiệp môi giới không có uy tín” – ông Châu khẳng định.

THIÊN BÌNH