Sửa Luật Đất đai mong như “nắng hạn chờ mưa”

LÊ SÁNG 02/04/2020 13:00

Từ thực tế một dự án phải trải qua đến 5 “đời” Chủ tịch tỉnh vẫn chưa xong, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch HĐQT GP Invest cho rằng, điều mà doanh nghiệp BĐS mong mỏi hiện nay là sớm sửa Luật Đất đai.

p/Một dự án bất động sản tại Việt Trì (Phú Thọ) từ năm 2008 đến nay vẫn chưa triển khai vì quy định hệ số đền bù giải phóng mặt bằng.

Một dự án bất động sản tại Việt Trì (Phú Thọ) từ năm 2008 đến nay vẫn chưa triển khai vì quy định hệ số đền bù giải phóng mặt bằng.

Chia sẻ với PV DĐDN, ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết, năm nay đã 74 tuổi, “ngoi lên, ngụp xuống” không ít lần trong thị trường BĐS, điều mà doanh nghiệp của ông cũng như rất nhiều “anh chị em” trong ngành mong mỏi nhất hiện nay là sớm được “cởi trói” thông qua việc sớm sửa Luật Đất đai hiện tại.

Khó khăn từ thực tiễn

Những vướng mắc của Luật Đất đai được ông Hiệp dẫn chứng bằng việc GP Invest đã theo đuổi một dự án tại Việt Trì (Phú Thọ) từ năm 2008, đến nay, đã 12 năm, trải qua đến 5 “đời” Chủ tịch của tỉnh Phú Thọ mà vẫn chưa “trót” do gặp khó liên quan đến Luật Đất đai.

Theo ông Hiệp, tại dự án này doanh nghiệp đang trong cảnh “tiến thoái lưỡng nan” khi giải phóng mặt bằng (GPMB) dù chỉ còn một số hộ dứt khoát không chấp nhận giá đền bù. Lý do được đưa ra là việc theo Luật Đất đai hiện đã quy định hệ số đền bù do cấp tỉnh quy định mà mỗi tỉnh lại quy định một hệ số khác nhau.

Có thể bạn quan tâm

  • Sửa Luật Đất đai năm 2013: Cần chế định về cơ quan định giá đất độc lập

    05:09, 18/12/2019

  • Hải Phòng: Thu hồi 19 dự án vi phạm pháp luật đất đai

    09:57, 12/12/2019

  • Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai tạo giấy phép con?

    04:50, 26/11/2019

  • 5 kiến nghị sửa Luật Đất đai

    06:00, 10/11/2019

  • Thêm quy định sử dụng đất công nghiệp trong nội đô vào Luật Đất đai

    06:00, 10/09/2019

  • Xây dựng lại hệ thống pháp luật đất đai

    14:30, 27/05/2019

Tại Phú Thọ, hệ số này đang thấp hơn các tỉnh lân cận từ 4-6 lần, người dân không hợp tác một phần cũng đến từ việc áp hệ số đền bù thấp nhưng doanh nghiệp cũng không thể “phá giá” để tự nâng hệ số lên được.

Được biết, hiện dự án của GP Invest tại Phú Thọ có tổng quy mô 50ha, sau 12 năm, doanh nghiệp đã đầu tư hơn 90 tỷ đồng vẫ chưa triển khai xong giai đoạn 1 với quy mô 20ha vì vướng mắc GPMB.

Nói thêm về sự ì ạch của dự án, ông Hiệp cho rằng đây không phải do lỗi của chính quyền tỉnh mà xuất phát từ cơ chế luật pháp quá rắc rối. Hiện doanh nghiệp đang quá đơn độc khi triển khai các dự án BĐS khi chính quyền dường như chưa đồng hành cùng doanh nghiệp trong công tác “muôn đời khó” là GPMB.

Cụ thể, ông Hiệp chỉ ra việc hiện Luật Đất đai quy định một điều hết sức chưa ổn là phải giải phóng hết mặt bằng thì mới có quyết định giao đất. Trong khi đó, với quy định những dự án có giá trị kinh tế xã hội lớn thì mới có các cấp chính quyền vào cuộc, còn những dự án của các doanh nghiệp không được coi đó là dự án có mục đích, lợi ích kinh tế xã hội lớn.

Hàng loạt điểm chồng chéo

Đồng quan điểm, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC cho rằng Luật Đất đai 2013 hiện còn tồn tại nhiều xung đột với các hệ thống văn bản pháp luật khác.

Điển hình như việc hiện nhiều địa phương đang rất lúng túng khi điều 172 của Luật Đất đai chưa làm rõ được việc các tổ chức kinh tế được quyền lựa chọn giữa phương án thuê đất trả tiền thuê hàng năm hoặc thuê đất trả tiền thuê một lần được thực hiện cho một phần dự án hay toàn bộ dự án. Trong tổng diện tích của một dự án có đến 60% diện tích là cảnh quan, cây xanh, đường xá...

Trước những yêu cầu bức thiết mà thị trường BĐS đặt ra đối với việc sớm sửa Luật Đất đai 2013 thì mới đây Chính phủ tiếp tục đề nghị lùi thời gian trình Quốc hội Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai.

Ông Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) nhấn mạnh nếu tiếp tục lùi thì rất đáng tiếc bởi Luật Đất đai 2013 đang có những vấn đề cần sửa ngay, đặc biệt là quy định về giá đất, về minh bạch thông tin...

LÊ SÁNG