Cuộc chiến công nghệ của các ngân hàng

Đặng Xá 21/02/2018 13:50

Lo sợ bị tụt hậu trong xu hướng biển đổi nhanh chóng của công nghệ tài chính trên khắp thế giới đã đẩy các ngân hàng trong nước vào một cuộc đua công nghệ mới, mà ở đó kẻ chậm chân có thể sẽ phải trả giá đắt.

Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ và sức ép cạnh tranh từ các công ty công nghệ tài chính, các ngân hàng thương mại truyền thống giờ đây đã không thể ngồi yên.

Số hóa ngân hàng

Hơn ba tháng trước, tại một sự kiện được tổ chức ở Hà Nội, ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), đã trình diễn việc thanh toán và chuyển tiền một cách rất đơn giản qua ứng dụng có tên gọi TPBank QuickPay được cài trên chiếc điện thoại thông minh ông cầm trên tay.

TPBank QuickPay là một ứng dụng trên điện thoại di động và máy tính bảng chạy hệ điều hành iOS hay Android, cho phép thanh toán hay chuyển tiền cho nhau một cách dễ dàng và nhanh chóng thông qua mã QR, được TPBank tung ra thị trường gần đây. Quá trình thanh toán chỉ mất vài giây mà không cần nhập quá nhiều thông tin như lâu nay người dùng vẫn phải làm trên các ứng dụng ngân hàng điện tử khác.

“Với cách sử dụng ứng dụng đơn giản, bất kỳ ai dù già hay trẻ, rành công nghệ hay không đều có thể dễ dàng sử dụng, lại hoàn toàn miễn phí như vậy thì chắc chắn phạm vi áp dụng trong đời sống hàng ngày sẽ rất rộng rãi và nhờ vậy việc thanh toán không dùng tiền mặt sẽ trở nên hết sức phổ biến, giúp tiết kiệm chi phí cho toàn xã hội, theo đúng định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước”, ông Hưng chia sẻ.

Ông cũng kì vọng ứng dụng này cũng sẽ mang lại sự thuận tiện tối đa cho khách hàng khi giờ đây, đi chợ, mua sắm, đi nhà hàng, uống cà phê hay đi taxi…, thanh toán số tiền dù lớn hay nhỏ, chẵn hay lẻ, khách hàng chỉ cần có điện thoại cài sẵn TPBank QuickPay là đủ, không cần mang theo thẻ hay tiền mặt nữa.

Trước đó vài tháng, TPBank cũng đã giới thiệu hệ thống ngân hàng tự động (Livebank) cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch rút tiền, gửi tiền, mở sổ tiết kiệm, chuyển khoản và nhiều giao dịch khác ở bất cứ thời điểm nào trong ngày. Rõ ràng, TPBank đang thể hiện rõ tham vọng sẽ trở thành một ngân hàng hiện đại, bắt kịp với xu hướng công nghệ tài chính toàn cầu và mang lại những trải nghiệm mới cho khách hàng.

Ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho rằng sự phát triển mạnh của công nghệ tài chính trên thế giới đang buộc nhiều ngân hàng trong nước phải thực hiện chuyển đổi theo xu hướng số hóa các dịch vụ. Không chỉ ở TPBank, nhiều ngân hàng khác cũng đều bắt tay vào quá trình chuyển đổi này. Một tháng sau khi TPBank cho ra mắt ứng dụng TP QuickPay, Ngân hàng Quốc tế (VIB) đã giới thiệu tới khách hàng ứng dụng MyVIB-Social KeyBoard. Ứng dụng này cho phép người dùng có thể thực hiện thao tác chuyển tiền từ tài khoản VIB cho người khác trong khi vẫn đang “chat” trên điện thoại mà không cần phải thoát ra khỏi ứng dụng “chat”.

Ông Trần Nhất Minh, Giám đốc Công nghệ thông tin, VIB, cho biết phát triển dịch vụ ngân hàng di động (mobile banking) là một trong những ưu tiên của ngân hàng ông trong thời gian tới, vì ngày càng có nhiều người “đang sống và làm việc cùng với điện thoại thông minh.”

Nhờ tập trung đưa ứng dụng công nghệ vào dịch vụ ngân hàng, VIB đã tăng số lượng khách hàng sử dụng internet banking và mobile banking lên 4,5 lần trong vòng hai năm qua. Có tới 75% lượng giao dịch qua VIB hiện nay được thực hiện qua các kênh trực tuyến, trong khi kênh giao dịch truyền thống chỉ chiếm 25% còn lại.

Tỷ lệ dân số trẻ cao và nhiều người vẫn chưa tiếp cận được với các dịch vụ tài chính, ngân hàng đã biến Việt Nam thành một thị trường đầy hứa hẹn cho các tổ chức ngân hàng truyền thống cũng như mới, mở rộng các lĩnh vực từ thanh toán, cho vay tới tài chính toàn diện. Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện đã có hơn 30 công ty công nghệ tài chính hoạt động ở Việt Nam, cùng cung cấp các dịch vụ tài chính cho người tiêu dùng ở nhiều lĩnh vực, từ huy động vốn tới cho vay ngang hàng. Sôi động nhất vẫn là ở hoạt động thanh toán trực tuyến.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, tin rằng các ngân hàng trong nước đều đã cảm nhận được sức nóng cạnh tranh đến từ phía các công ty công nghệ tài chính (fintech), và cả các ngân hàng nước ngoài. Theo ông Thắng, dường như không có ngân hàng nào có thể ngồi yên trước xu thế phát triển mạnh của fintech và thực tế đã có sự chuyển đổi, tuy vẫn hơi chậm. Điều đó khiến cho áp lực cạnh tranh đối với các ngân hàng truyền thống càng lớn hơn.

“Các công ty fintech không có những di sản hay tư duy truyền thống của các ngân hàng, vì vậy các công ty này sẽ tiến nhanh hơn trong việc áp dụng các ứng dụng công nghệ vào dịch vụ tài chính, thay đổi hành vi khách hàng và mang tới nhiều sự thuận tiện hơn”, ông Claude Spiese, nhà đồng sáng lập của Timo, bình luận.

Hiện tại Timo đang vận hành một mô hình ngân hàng số mới dưới sự hợp tác cùng Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Các điểm giao dịch của Timo, Timo Hangout, được thiết kế độc đáo như một quán cà phê trẻ trung, nơi các nhân viên ngân hàng mặc trang phục năng động vừa phục vụ cà phê cho khách hàng, vừa giới thiệu những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động. Ông Spiese cho biết Timo hướng tới đối tượng khách hàng từ 25 đến 35 tuổi, những người không muốn phải tranh thủ nửa tiếng nghỉ trưa để lấy số và xếp hàng chờ đợi tại ngân hàng.

Dữ liệu lớn

Không thể phủ nhận xu thế công nghệ tài chính đang lan rộng ở Việt Nam, nhưng vào thời điểm hiện tại, 90% giao dịch ở Việt Nam vẫn đang được thanh toán bằng tiền mặt. Các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng đều biết rằng họ cần phải hiểu khách hàng, biết khách hàng muốn gì và cần gì để thay đổi được thói quen và hành vi của người tiêu dùng. Chỉ như vậy, họ mới mở rộng được các dịch vụ tài chính đã được số hóa và đẩy mạnh thanh toán trực tuyến. Nhưng làm thế nào để hiểu được khách hàng?

Không ngân hàng nào có thể ngồi yên trước xu thế phát triển mạnh của fintech. Áp lực cạnh tranh đối với các ngân hàng đang ngày càng gia tăng 

Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Khối Nguồn vốn và Thị trường Tài chính của Techcombank, cho biết trong thời đại này công ty nào nắm được nhiều thông tin, dữ liệu của khách hàng sẽ là người chiến thắng. Facebook và Alipay là hai cái tên ông Sơn tỏ ra lo ngại nhất nếu như hai công ty này tiến vào thị trường tài chính Việt Nam. “Họ nắm giữ nhiều thông tin nhất và hiểu khách hàng nhất”, ông Sơn nói và đặc biệt lưu tâm tới tầm ảnh hưởng của Facebook. Theo ông Sơn, khả năng sử dụng dữ liệu lớn của khách hàng đã được nhiều ngân hàng tận dụng để hiểu rõ hơn về khách hàng của mình. Ngân hàng nào nắm giữ được nhiều thông tin hơn và có khả năng phân tích dữ liệu tốt hơn, ngân hàng đó sẽ nắm được lợi thế.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, nhờ phân tích thông tin từ dữ liệu lớn, tỷ lệ mời khách vay tiền qua điện thoại thành công của ngân hàng có lúc đã tăng lên gần 30%. Thực tế, bản thân các ngân hàng cũng có được nguồn dữ liệu khá lớn từ chính các khách hàng của mình. Nhưng ngần đó vẫn chưa đủ. Trong thời đại con người ngày càng phụ thuộc vào Internet như hiện nay, nguồn dữ liệu lớn nhất phản ánh rõ mong muốn, thói quen và hành vi khách hàng lại nằm ở mạng xã hội và thông tin sử dụng Internet. Chính vì vậy ông Sơn cho rằng, ngoài cuộc đua đưa ra các ứng dụng công nghệ tài chính, các ngân hàng và công ty fintech cũng đang trong một cuộc đua về nắm bắt thông tin khách hàng. Ai nắm giữ ít thông tin hơn, người đó sẽ bị tụt hậu.

Đặng Xá