NHNN nói gì về quyền lợi người gửi tiền sau vụ khách mất 245 tỷ đồng tại Eximbank?
“Quan điểm của NHNN Việt Nam là quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền được ưu tiên hàng đầu” - Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã cho biết như vậy tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa diễn ra tối qua (1/3).
Mới đây HĐQT Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank đã có buổi làm việc với bà Chu Thị Bình - khách hàng bị mất hàng trăm tỷ đồng gửi tiết kiệm tại ngân hàng này. Theo đó, HĐQT Eximbank đề nghị tạm ứng hoàn trả 14 tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi, quan điểm của NHNN Việt Nam về vấn đề này như thế nào, phải chăng có sự chỉ đạo đối xử với khách hàng VIP, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho hay, vụ việc này diễn ra từ năm 2017, cuối 2017 cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án. Về phía Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo Eximbank tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan pháp luật xử lý vụ việc. Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước và Eximbank là bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền hợp pháp phải là ưu tiên hàng đầu.
“Qua các thông tin, chúng tôi thấy Eximbank rất tích cực trao đổi với người gửi tiền, tham gia các hướng xử lý trong khi chờ quyết định cuối cùng của cơ quan pháp luật” – Phó Thống đốc nói.
Trong hoạt động của mình, các tổ chức tín dụng đều phải tuân thủ các quy định, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước. Phó Thống đốc cũng khẳng định, trong chỉ đạo của mình Ngân hàng Nhà nước không có chỉ đạo nào về phân biệt khách hàng VIP và thông thường, các tổ chức tín dụng tuân thủ quy định của cơ quan này.
Ngày 23/02/2018 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng đã có văn bản số 1126/NHNN-TTGSNH gửi các Tổ chức tín dụng, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi tắt là TCTD) yêu cầu nghiêm túc triển khai, thực hiện việc đảm bảo an toàn giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm tại các TCTD.
Thông tin trước đó cho biết, từ năm 2013 đến nay bà Chu Thị Bình mở 3 sổ tiết kiệm tại Eximbank với tổng số tiền gốc hơn 301 tỷ đồng (trong đó một sổ 247 tỷ đồng, một sổ 49 tỷ đồng và một sổ 5,4 tỷ đồng).
Tháng 2/2017, khi sổ tiết kiệm 49 tỷ đồng đến ngày đáo hạn, bà liên hệ để rút số tiền này thì Eximbank cho biết tiền gửi của bà không còn trong hệ thống. Sau đó bà kiểm tra lại toàn bộ các sổ tiết kiệm thì được Eximbank thông báo và cung cấp chứng từ cho thấy các sổ tiết kiệm đã bị rút hết 245 tỷ đồng, trong khi bà vẫn còn giữ sổ tiết kiệm. Sự việc xảy ra được cho là do ông Lê Nguyên Hưng - nguyên Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP HCM đã làm giả giấy tờ để rút tiền từ các sổ tiết kiệm của bà.
Hiện Eximbank đã đưa ra phương án xử lý tạm ứng bồi thường cho bà Bình hơn 14 tỷ đồng trong lúc chờ kết luận của toà án nhưng bà vẫn đang cân nhắc có nhận hay không.
Trước vụ việc mất tiền tiết kiệm xảy ra vẫn chưa đi đến hồi kết khiến cho nhiều người băn khoăn e ngại. Rút kinh nghiệm từ vụ này và các vụ mất tài sản trước đó, các ngân hàng thương mại bắt đầu nhập cuộc để gia tăng tính năng để bảo vệ an toàn cho người gửi tiền.
Đầu tiên là Maritime Bank giới thiệu cách theo dõi chi tiết các khoản tiết kiệm của khách hàng thông qua website của ngân hàng này.
Tại Sacombank, ngân hàng cũng vừa thông báo tới khách hàng việc theo dõi và quản lý tài khoản tiết kiệm. Cách đầu tiên là tra cứu bằng cách nhập số tài khoản thẻ tiết kiệm trên trang web của ngân hàng. Song để sử dụng cách tra cứu này, khách hàng chỉ cần đăng ký thủ tục một lần duy nhất tại bất kỳ điểm giao dịch nào của Sacombank hoặc đăng ký trực tuyến trên chính trang web này. Cách thứ hai, đối với khách hàng đang sử dụng dịch vụ Ngân hàng điện tử Sacombank có thể vào mục Tài khoản\Tài khoản có kỳ hạn trên Ngân hàng điện tử. Hệ thống sẽ hiển thị đầy đủ các thông tin như số tài khoản, tên sản phẩm, số tiền gửi, kỳ hạn, ngày đáo hạn, lãi suất… của tất cả các thẻ tiết kiệm khách hàng mở tại Sacombank.
Nam A Bank cũng gia tăng an toàn cho người gửi tiền bằng các thông báo mới về kiểm tra tài khoản….