Tín dụng trung, dài hạn có dấu hiệu tăng trở lại
Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) đã nhận định như vậy trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế - tài chính quý 1 và dự báo cả năm 2018 vừa phát hành.
Theo NFSC, vốn huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân tăng 3% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm 2017 tăng 2,6%). Trong đó, huy động VND tăng 3,7%, huy động ngoại tệ giảm 3,1%. Tỷ trọng vốn huy động ngoại tệ trong tổng nguồn vốn huy động là 9,2% (cuối 2017 là 9,7%).
Cũng trong quý 1/2018, tín dụng ước tăng khoảng 3,5% với cuối năm 2017 (cùng kỳ 2017 tăng 4,3%). Tín dụng VND ước tăng 3,3%, chiếm 91,9% tổng tín dụng trong khi tín dụng ngoại tệ tăng 5,4%, chiếm 8,1% tổng tín dụng (cuối năm 2017 là 7,9%).
NFSC cũng thông tin, tín dụng trung, dài hạn có dấu hiệu tăng trở lại trong các tháng đầu năm 2018. Quý 1/2018, tín dụng trung và dài hạn tăng 4,3% trong khi tín dụng ngắn hạn tăng 2,6%. Tỷ trọng tín dụng trung, dài hạn khoảng 53,2% (cuối năm 2017 là 52,8%).
Trên thị trường lãi suất, báo cáo thông tin, lãi suất huy động vốn từ dân cư và doanh nghiệp tương đối ổn định. Lãi suất huy động VND kỳ hạn 12 tháng phổ biến ở mức 6,5% - 7,5%; lãi suất bình quân huy động kỳ hạn 12 tháng là 6,81%, tăng 0,02% so với cuối năm 2017. Lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8- 9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3% - 11%/năm đối với trung và dài hạn.
Lãi suất liên ngân hàng giảm xuống mức thấp. Cuối quý I/2018, lãi suất qua đêm bình quân ở mức 0,83% (giảm 0,47 điểm % so với cuối năm 2017), lãi suất 1 tuần ở mức 0,98%, lãi suất 1 tháng ở mức 1,73% (giảm 0,9% và 1,2% so với cuối năm 2017).
Thanh khoản của hệ thống ngân hàng ổn định một phần do Ngân hàng Nhà nước tăng mua ngoại tệ và giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ chậm. Tính đến cuối quý I/2018, tỷ lệ tín dụng so với vốn huy động (LDR) ở mức 88,2% (cuối năm 2017 là 87,8%).