Chủ tịch SSI: Không một ai có thể làm chứng khoán lên hay xuống!
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch CTCK SSI, VN-Index có sự điều chỉnh là cần thiết và đúng bản chất thị trường, không phản ánh rằng thị trường chứng khoán đang xấu...
Trao đổi cùng báo chí trong đại hội cổ đông thường niên SSI, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Chứng khoán SSI bình luận về phiên giảm sàn - đỏ lửa của VN-Index hôm 19/4, kéo chỉ số tuột dốc mất hơn 3,86%, về mức 1.094,63 điểm và khiến vốn hóa thị trường bay hơi 5,2 tỷ USD: Việc VN-Index điều chỉnh sau một giai đoạn tăng trưởng là cần thiết và đúng bản chất thị trường, đó mới là sự phát triển bền vững.
"Không riêng chứng khoán Việt Nam, kể cả ở những thị trường phát triển, không thể chỉ số cứ thẳng tiến đi lên một chiều hay đi xuống một chiều. Cũng không một ai có thể tác động làm cho thị trường chứng khoán lên hay xuống được. Những gì chúng ta phân tích và dự báo chỉ là dựa trên cơ sở kỹ thuật hoặc cảm nhận thị trường, không thể mang đến tác động rằng ngày mai thị trường sẽ lập tức lên, lập tức xuống. Cũng không có khái niệm chung cho mọi nhà đầu tư trong khi thị trường lên là tốt, hay xấu khi thị trường xuống", ông Nguyễn Duy Hưng nói.
Cũng theo ông Nguyễn Duy Hưng, nên nhìn và đánh giá thị trường chứng khoán ở 2 "lớp":
Thứ nhất, yếu tố mục tiêu quan trọng của thị trường chứng khoán là huy động vốn, cung cấp vốn cho nền kinh tế. Quy mô vốn hóa thị trường ngay từ đầu năm 2018 đã đạt đến 3,5 triệu tỷ đồng, tương đương 70% GDP cả nước, với hàng ngàn doanh nghiệp niêm yết và giao dịch trên hàng chưa niêm yết chính thức. Như vậy thị trường đã đạt được mục tiêu quan trọng.
Thứ hai, tăng trưởng của các chỉ số theo quy luật thị trường (lên hay xuống) sẽ góp phần củng cố, đảm bảo thanh khoản cho thị trường thứ cấp và tạo điều kiện nối tiếp cho thị trường sơ cấp đạt mục huy động vốn. Và đây chính là yếu tố bền vững như Chủ tịch Chứng khoán SSI đề cập.
Mặc dù đánh giá "không một ai có thể tác động khiến thị trường lập tức lên hay xuống", song người đầu lĩnh của công ty chứng khoán đang chiếm 15% thị phần dịch vụ chứng khoán trên thị trường cũng nhận diện một số rủi ro có thể tác động đến chứng khoán Việt Nam, trong đó cả yếu tố mang tính đại diện -nhân vật.
"Rủi ro thị trường hiện nay là thế giới, với chu kỳ 10 năm và nhất là rủi ro từ những quyết định, thay đổi khó lường từ phía Mỹ và các quyết định của Tổng thống Donald Trump". Ngoài ra, nếu mọi thứ (các chỉ số kinh tế vĩ mô và chứng khoán -PV) đều lên nhanh quá, chúng ta cần quay trở lại xem xét là liệu nền kinh tế đã sẵn sàng và lạm phát có thể kiểm soát ổn định tới đâu? Cùng với đó, cần chú trọng yếu tố kiểm soát tài sản ảo. Mới chỉ bùng nổ 1 vụ "trap" bởi tài sản ảo, con số nhà đầu tư bỏ tiền tham gia đã lên tới 15.000 tỷ đồng, thì thêm vài ba vụ nữa, thị trường sẽ ra sao? Sẽ có bao nhiêu nhà đầu tư mất tiền và có bao nhiêu hệ lụy kế tiếp? Yếu tố này khá đặc thù song cần quan tâm do một giai đoạn mọi người đã quá hưng phấn và tham gia".
Trong thực tế, không nói tới những tác động hay quyết sách từ một nhân vật, một "ai" trực tiếp đưa VN-Index lên hoặc xuống, đặc biệt là những nhân vật có thể tác động tới không chỉ tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán VN mà còn tác động tới nhiều quốc gia, thì ngay nội tại, cũng có nhân vật mà việc tác động gián tiếp khiến thị trường "bốc hơi" vốn hóa khủng. Quá khứ không quá xa, thị trường đã bốc hơi 2,3 tỷ USD chỉ trong 2 phiên sau khi bầu Kiên bị bắt. Lưu ý ở thời điểm này tổng giá trị vốn hóa thị trường chưa bằng 1/2 tổng giá trị vốn hóa của thời điểm hiện nay.
Tuy nhiên, sau một giai đoạn dài đã quen với những thông tin liên quan đến các nhân vật cụ thể có quyền lực ảnh hưởng, tác động tới thị trường chứng khoán, thì nhà đầu tư trên thị trường có vẻ đã miễn nhiễm thông tin kiểu tương tự hoặc bản lĩnh hơn. Rõ ràng việc chứng khoán bay 5,2 tỷ USD trong một ngày là sự điều chỉnh cần thiết khi thị trường đã tăng trưởng quá nóng, qua nhiều mốc kỳ vọng của số đông. Điều chỉnh để bền vững và nhà đầu tư cũng sẽ thận trọng hơn, theo đó, cũng là điều kiện cần tránh cho thị trường quá giảm xóc.