Thách thức hút dòng tiền của Petimex
Petimex dự kiến sẽ bán đấu giá 48 triệu cổ phần, tương đương 35,4% vốn điều lệ Cty, với giá khởi điểm là 10.600 đồng/cp vào ngày 7/9/2018.
Việc các doanh nghiệp nói chung đang chật vật tìm đối tác chiến lược, cộng với thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn điều chỉnh sẽ là những thách thức lớn đối với Cty TNHH Một thành viên Thương mại Dầu khí Đồng Tháp- Petimex khi thực hiện chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) sắp tới. Petimex dự kiến sẽ bán đấu giá 48 triệu cổ phần, tương đương 35,4% vốn điều lệ Cty, với giá khởi điểm là 10.600 đồng/cp vào ngày 7/9/2018.
Nhà nước thu về 509 tỷ đồng từ bán cổ phần
Petimex là DNNN trực thuộc UBND tỉnh Đồng Tháp, tiền thân là Cty Vật tư Xuất Nhập Khẩu Đồng Tháp thành lập vào cuối năm 1992. Ngành nghề kinh doanh chính là xuất nhập khẩu – kinh doanh xăng dầu. Ngoài ra Cty còn kinh doanh trong lĩnh vực gas khi đầu tư 12 trạm chiết nạp gas chuyên trải dài các tỉnh miền Nam.
Theo phương án cổ phần hóa ban đầu của UBND tỉnh Đồng Tháp đối với Petimex, Nhà nước dự kiến sẽ giữ 86,7 triệu cổ phần, tương ứng 64% vốn điều lệ. Bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp 747.600 cổ phần, tương ứng 0,55% vốn. Chào bán cho nhà đầu tư chiến lược 20,3 triệu cổ phần, tỷ lệ 15%. Bán đấu giá công khai ra công chúng 27,7 triệu cổ phần, tương đương 20,45% vốn...
11.000
tỷ đồng là doanh thu ước tính của Cty TNHH Một thành viên Thương mại Dầu khí Đồng Tháp trong năm 2018.
So với phương án cổ phần hóa ban đầu, số lượng cổ phiếu IPO của Petimex đã tăng thêm 20,3 triệu cổ phần. Như vậy, số tiền Nhà nước dự kiến thu về từ đợt đấu giá là 509 tỷ đồng. Theo đó, phần định giá doanh nghiệp của Petimex tương đương 1.437 tỷ đồng.
Lợi thế “ông lớn” thứ 5 ngành xăng dầu
Năm 2017, doanh thu của Petimex cán mức 11.498 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 72,4 tỷ đồng. Trong năm 2018, Cty dự kiến sẽ đạt doanh thu 11.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 80 tỷ đồng.
Petimex là đầu mối xăng dầu đứng vị trí thứ 5/30 trong danh sách doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu tại Việt Nam khi có hơn 1.500 cửa hàng trực thuộc. Cụ thể, sản lượng nhập khẩu xăng dầu bình quân 1.089 triệu m3/năm với thị phần 5-6% cả nước. Sản lượng tiêu thụ bình quân 1.086 triệu m3/năm, chiếm 4-5% thị phần trong nước.
Có thể bạn quan tâm
IPO Vinalines: Điều gì hấp dẫn nhà đầu tư?
09:25, 09/07/2018
IPO của Xiaomi có hấp dẫn nhà đầu tư?
03:16, 09/07/2018
“Nước cờ” IPO của doanh nghiệp gia đình
11:25, 28/06/2018
Theo các chuyên gia, chỉ đứng sau Petrolimex, Petimex niêm yết sẽ thu hút sự chú ý đặc biệt từ các nhà đầu tư, nhờ tiềm năng tăng trưởng lớn của doanh nghiệp cũng như khả năng quản trị tốt. Đặc biệt, Petimex có 2 điểm có thể tiết kiệm được chi phí nhiều hơn nhờ sử dụng hợp đồng kỳ hạn đối với giá dầu và có thể được lợi về giá do lượng mua lớn.
Khó tìm nhà đầu tư chiến lược
Theo các chuyên gia, không riêng gì Petimex, việc tìm kiếm được các nhà đầu tư chiến lược của các doanh nghiệp khác luôn gặp khó khăn và thách thức, đòi hỏi nhiều thời gian, chi phí, luôn tồn tại mâu thuẫn mục tiêu của các bên tham gia. Thậm chí, việc tìm kiếm cổ đông chiến lược làm trì hoãn cổ phần hóa của một số doanh nghiệp.
Theo SSI, mức thoái vốn của Nhà nước tại các DNNN từ nay đến năm 2020 khoảng 4,35 tỷ USD, và để thị trường hấp thụ được nguồn cung khổng lồ này, cần có nguồn lực của nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Nguyễn Hải Phong-Chuyên viên kiểm toán KPMG, cho biết, việc chào bán cho nhà đầu tư chiến lược 20,3 triệu cổ phần, tỷ lệ 15% của Petimex hiện nay vẫn là bỏ ngỏ. Vậy nếu chào bán không thành công cổ phần này cho nhà đầu tư chiến lược thì số cổ phần này Petimex sẽ giải quyết theo hướng nào? Bởi giá chào bán gần với giá sổ sách cộng với bối cảnh thị trường chứng khoán đang bị khối ngoại bán ròng liên tiếp sẽ là điểm bất lợi cho phiên IPO sắp tới của Petimex…
Triển vọng tiêu thụ xăng dầu Thị trường kinh doanh xăng dầu Việt Nam hiện nay chịu sự kiểm soát của Nhà nước về phân phối thông qua 30 Cty đầu mối nhập khẩu xăng dầu. Ngoài ra, các sản phẩm xăng dầu được tiêu thụ thông qua 120 thương nhân phân phối xăng dầu và khoảng 14.000 cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc. Số lượng các cửa hàng xăng dầu dự kiến sẽ tăng lên 18.000 cửa hàng vào năm 2020. Hiện nay, các Cty nước ngoài chưa được phép buôn bán cũng như phân phối các sản phẩm này do xăng dầu vẫn được xem là các mặt hàng loại trừ. Do đó, thị trường tương đối tập trung với 3 doanh nghiệp đứng đầu trong số 30 đầu mối nhập khẩu xăng dầu chiếm gần 70% thị phần trên toàn quốc. Hiện nay, Việt Nam có nhà máy lọc dầu Dung Quất đang hoạt động với công suất 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, đưa ra thị trường mỗi năm khoảng 2,746 triệu tấn xăng và 3,068 triệu tấn dầu DO. Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang tiến hành nâng cấp để tăng công suất chế biến 8,5 triệu tấn dầu thô/năm, dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào năm 2021. Nguồn cung xăng dầu nội địa lớn thứ 2 là nhà máy lọc dầu Nghi Sơn vận hành thương mại vào 2018. Với công suất thiết kế 10 triệu tấn dầu thô/năm, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cung cấp khoảng 2,3 triệu tấn xăng và gần 3,7 triệu tấn dầu DO. Ngoài ra, các nhà máy Condensate như PV Oil Phú Mỹ, Sài Gòn Petro, Nam Việt Oil, Đông Phương có công suất thiết kế khoảng 690.000 tấn xăng/năm. Tiêu thụ xăng dầu bình quân đầu người hiện ở mức tương đối thấp so với các quốc gia trong khu vực ở mức 244 lít/năm/người. Do đó, tiềm năng tăng trưởng nhu cầu đối với các sản phẩm xăng dầu tại Việt Nam hiện vẫn còn rất lớn. Theo đề án Quy hoạch tổng thể phát triển ngành dầu khí, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tại Việt Nam giai đoạn 2011 -2020 đạt khoảng 6-7%/năm và 4- 4,5%/năm cho giai đoạn 2021 -2050. |