Doanh nghiệp cần cơ cấu lại hoạt động để tăng khả năng tiếp cận tín dụng
Để tăng khả năng tiếp cận tín dụng, ngoài những giải pháp từ ngành ngân hàng, bản thân doanh nghiệp cần cơ cấu lại hoạt động, tạo niềm tin,... để các TCTD yên tâm cấp tín dụng.
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Đức Long, Vụ trưởng Vụ Dự báo thống kê Ngân hàng Nhà nước tại Hội thảo "Cải cách thủ tục hành chính- Cải thiện chỉ số tiến cận tín dụng" do Báo DĐDN- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với các đơn vị chuyên môn của NHNN tổ chức chiều nay (20/4) tại Hà Nội.
Cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng
Theo Báo cáo môi trường kinh doanh của WB, trong 04 kỳ báo cáo gần đây, chỉ số tiếp cận tín dụng đã được cải thiện đáng kể và ổn định trong trong khoảng nhóm 30 nước có chỉ số cao nhất. Tại báo cáo năm 2018, Việt Nam xếp hạng 29/190 nước, thấp hơn Malaysia và Campuchia ở vị trí 20, nhưng ngang với Singapore, cao hơn vị trí thứ 42 của Thái Lan, 55 của Indonesia, 77 của Lào, 142 của Philippines.
Theo đánh giá của WB và WEF, các chỉ số về tiếp cận tín dụng của Việt Nam cũng có những cải thiện đáng kể, ghi nhận những giải pháp NHNN đã tích cực triển khai trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Đức Long – Vụ trưởng Vụ Dự báo thống kê Ngân hàng Nhà nước cho rằng đối với chỉ số độ sâu thông tin tín dụng, có thể nói chỉ số này đã có sự cải thiện mạnh mẽ từ mức 4/6 năm 2013 lên mức 7/8. Chỉ tiêu duy nhất Việt Nam chưa đạt được liên quan đến việc thông tin tín dụng Việt Nam, ngoài các thông tin của khách hàng vay có quan hệ với các TCTD thì chưa có các thông tin của khách hàng vay quan hệ với các nhà bán lẻ hoặc các công ty cung ứng dịch vụ (như điện/nước/vệ sinh…). "Để cải thiện chỉ tiêu còn lại, cần có sự phối hợp tự nguyện của các doanh nghiệp cung ứng các dịch vụ điện nước… với Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia trong việc cung cấp các thông tin bổ sung của của khách hàng vay", ông Nguyễn Đức Long nhấn mạnh.
Đối với chỉ số sức mạnh quyền pháp lý, đây là chỉ số mà Việt Nam ít có sự cải thiện trong gần 10 năm qua, năm 2010 chỉ số này của Việt Nam là 8/10 giữ nguyên cho tới năm 2014 theo thang điểm cũ, rồi lại giữ nguyên 7/12 theo thang điểm mới từ 2015-2017, năm 2018 mới được cải thiện lên 8/12. Đây là bộ chỉ số phản ánh quyền lợi pháp lý của người cho vay và đi vay để đánh giá mức độ mà quy định pháp lý về phá sản và giao dịch đảm bảo đã bảo vệ người cho vay và người đivay như thế nào để thúc đẩy hoạt động cho vay. 04 chỉ số Việt Nam chưa đạt được chủ yếu liên quan quyền lợi pháp lý bảo vệ người cho vay.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Ông Nguyễn Đức Long cho biết, để đạt được kết quả trên, NHNN đã triển khai nhiều biện pháp. Cụ thể, thời gian qua, trên cơ sở bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tích cực tổ chức triển khai nhiều giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng, từng bước cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam.
NHNN đã thực hiện điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt sử dụng và điều hành các công cụ chính sách tiền tệ nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định lãi suất và kiểm soát tỷ giá, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và tạo điều kiện cho các TCTD đảm bảo cân đối vốn và kịp thời hỗ trợ vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; trên cơ sở khả năng kiểm soát lạm phát, thị trường ngoại tệ ổn định, thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ giảm chi phí vay vốn cho các doanh nghiệp, đồng thời chỉ đạo các TCTD chủ động các biện pháp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động để có cơ sở giảm lãi suất cho vay.
Về mặt pháp lý, Vụ trưởng Vụ Dự báo thống kế NHNN cho rằng Thông tư số 39/2016/TT-NHNN đã đơn giản hóa một số hồ sơ, thủ tục cho vay; bổ sung nhiều quy định để đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động cho vay, bảo vệ quyền lợi của người vay; nâng cao tính tự chủ trong hoạt động cho vay của TCTD, đồng thời nâng cao yêu cầu minh bạch hóa, bảo đảm an toàn cho hoạt động cho vay của TCTD.
Với việc Quốc hội thông qua Nghị quyết số 42 về xử lý nợ xấu, trong đó có các quy định bảo vệ và tạo điều kiện cho các TCTD, VAMC đã thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm trong quá trình mua bán nợ xấu. Đặc biệt, VAMC được quyền áp dụng các thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại tòa án, mua bán nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản, ưu tiên thanh toán nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho TCTD,... Nghị quyết 42 cũng tạo điều kiện xử lý triệt để các khó khăn, vướng mắc về cơ sở pháp lý hiện hành liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, các khoản nợ của các TCTD, tạo cơ chế xử lý đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, khả thi các khoản nợ xấu. Nhờ đó sẽ giải phóng khối lượng vốn lớn đang đọng lại trong các khoản nợ xấu cũng như giải phóng khối lượng tài sản thế chấp hiện nay chưa xử lý được, gây lãng phí nguồn lực xã hội, giúp các TCTD mở rộng tín dụng cho nền kinh tế, đồng thời giảm được chi phí hoạt động để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
Bên cạnh đó, NHNN chủ trì trình Chính phủ, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD theo hướng bổ sung các quy định nhằm nâng cao năng lực quản trị, điều hành của các TCTD, minh bạch hóa nguồn vốn góp, xử lý sở hữu chéo, cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của TCTD, tạo lập khung khổ pháp lý đồng bộ cho việc phát hiện, xử lý sớm các TCTD yếu kém.
Ngoài ra, NHNN chỉ đạo các TCTD xây dựng quy trình thu thập, khai thác thông tin về đánh giá tín nhiệm, hoạt động của khách hàng để nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng vay, qua đó tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản.
Kết quả tích cực
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên, NHNN đã khơi thông được nguồn vốn tín dụng, hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp, người dân trong việc tiếp cận vốn.
Trên thực tế, các doanh nghiệp, khách hàng có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, có năng lực tài chính tốt, dự án, phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, khả thi đã tiếp cận vốn dễ dàng với lãi suất hợp lý. Đến 31/12/2017, tín dụng toàn hệ thống tăng 18,24% so với cuối năm trước. Doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay ngân hàng dễ dàng hơn, được thể hiện qua quy trình sản phẩm dịch vụ cho khách hàng được cải tiến thuận tiện, nhanh gọn hơn thông qua việc ứng dụng công nghệ (Internet Banking, Mobile Banking,...). Theo thống kê, thời gian, số lần giao dịch, giấy tờ cần cung cấp của khách hàng đã giảm 20-40%; một số quy trình/sản phẩm dịch vụ đã giảm 42% số lượng bản gốc mẫu biểu, giảm 45% số lượng chữ ký khách hàng và 48% số lượng chữ ký cán bộ ngân hàng trên hồ sơ; giảm 70-75% thời gian đăng ký do khách hàng thực hiện trực tuyến...
Theo ông Nguyễn Đức Long, để tăng khả năng tiếp cận tín dụng, ngoài những giải pháp từ ngành ngân hàng, bản thân doanh nghiệp cần cơ cấu lại hoạt động, nâng cao khả năng tài chính, tạo niềm tin để các TCTD yên tâm cấp tín dụng. Đồng thời, cần có sự phối hợp đồng bộ của các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các giải pháp về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh theo chủ trương của Chính phủ, như tiếp tục đẩy mạnh triển khai kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; tăng cường năng lực cho các đơn vị thực hiện trợ giúp phát triển loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa; rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuế, đất đai, đầu tư xây dựng...; thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh...