Khuyến nghị nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thông qua năng suất quốc gia
Chiều 20/12, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội thảo khoa học nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thông qua năng suất quốc gia.
Có thể bạn quan tâm
Việt Nam giảm 3 bậc về năng lực cạnh tranh toàn cầu
13:20, 17/10/2018
Việt Nam, FDI và năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế
00:49, 17/10/2018
Đâu là khâu yếu nhất trong năng lực cạnh tranh của Việt Nam?
05:21, 21/10/2018
Diễn đàn Doanh nghiệp trân trọng giới thiệu bài phát biểu của Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc tại hội thảo này.
"Trong khuôn khổ Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2016-2020”, VCCI đã được Hội đồng Lý luận trung ương giao nhiệm thực hiện Đề tài “Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước ta: Thực trạng, vấn đề đặt ra và giải pháp” với mục tiêu là vừa góp phần bổ sung về mặt lý luận vừa góp phần đưa ra các khuyến nghị về chính sách cho Chính Phủ để thực hiện mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực canh tranh của nền kinh tế.
Để thực hiện nhiệm vụ này này, ngoài các nhà khoa học ở VCCI, Ban chủ nhiệm đề tài còn tập hợp được đội ngũ đông đảo các nhà nghiên cứu kinh tế hàng đầu đến từ Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Viện Nghiên cứu phát triển Việt Nam, Viện Chiến lược phát triển – Bộ KH&ĐT, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Viện Kinh tế Việt Nam... Nhóm nghiên cứu này đã giúp Ban chủ nhiệm đề tài tổng hợp lý luận, nghiên cứu các bài học kinh nghiệm quốc tế, đánh giá thực trạng, từ đó đề ra các khuyến nghị giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, với lợi thế của VCCI, đề tài được nhận sự hợp tác từ các viện nghiên cứu hàng đầu tại châu á, trong đó phải kể đến là: Viện Cạnh tranh Châu Á - Trường Chính sách công Lý Quang Diệu - Đại học quốc gia Singapore; Viện nghiên cứu kinh tế Chung-Hua, Đài Loan; Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản
Kết quả của sự hợp tác này là những công trình nghiên cứu sâu về năng lực cạnh tranh của Việt Nam và dự kiến sẽ được xuất bản tại Việt Nam, mang đến những đóng góp lớn cho đề tài của VCCI.
Kết quả hợp tác với Viện Cạnh tranh Châu Á – ACI
Trong chương trình Hợp tác giữa VCCI với Viện cạnh tranh Châu Á, các nhà khoa học của 2 tổ chức đã tiến hành “Nghiên cứu nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển cân bằng và bền vững cho Việt Nam: Đánh giá biện chứng về tiềm năng phát triển”. Dựa trên một số nghiên cứu điển hình, đặc biệt là xếp hạng hàng năm của ACI và nghiên cứu về các nền kinh tế thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nghiên cứu này đánh giá khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các nước láng giềng ASEAN và xác định những cản trở có thể có đối với sự phát triển của đất nước. Thông qua nghiên cứu này, kinh nghiệm và các bài học chuyển đổi từ thế giới thứ ba sang thế giới thứ nhất của Singapore có thể được chia sẻ với Việt Nam để giúp Việt Nam phát triển. Một trong những bài học kinh nghiệm đó là về năng suất và tính hiệu quả của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Singapore cũng như việc áp dụng các sáng kiến chính sách của Singapore về phát triển nhân lực và kinh tế số trong bối cảnh hiện. Nghiên cứu này cũng vạch ra lộ trình chính sách rõ ràng với những khuyến nghị cụ thể đối với Việt Nam để bước vào con đường tăng trưởng năng nhanh và bền vững qua đó cho phép Việt Nam bắt kịp với ASEAN 5 vào năm 2040.
Cụ thể, nghiên cứu đã đưa ra 5 đề xuất chính sách cho Việt Nam.
Thứ nhất, cần đẩy nhanh tốc độ cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và tăng cường cơ chế thị trường để tạo điều kiện phát triển khu vực tư nhân.
Đây được coi như là một chính sách ưu tiên khẩn cấp cho Việt Nam. Đề xuất này kêu gọi Chính phủ thúc đẩy việc cổ phần hoá và thoái vốn tại các DNNN; hợp lý hóa và tập trung hóa hệ thống quản lý tài sản công; loại bỏ sự méo mó của thị trường do ưu ái các DNNN để tạo ra sân chơi bình đẳng và khuyến khích áp dụng các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp hiệu quả ở cả hai khu vực tư nhân và nhà nước trong một nền kinh tế thị trường lành mạnh.
Thứ hai, tăng cường khả năng kết nối trong nước như một phương tiện để giảm bớt sự chênh lệch giữa các vùng miền.
Quan trọng hơn, đề xuất này thúc đẩy sự phát triển của Hà Nội, từ đó làm chất xúc tác phát triển miền Bắc hơn. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đề xuất dự kiến Hà Nội sẽ trở thành:
(i) Một trung tâm kinh doanh và tài chính, nơi tất cả các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam sẽ thành lập văn phòng đại diện để được hưởng lợi từ các hoạt động tư vấn kinh doanh và hỗ trợ dịch vụ hành chính từ các cơ quan có thẩm quyền;
(ii) Một cửa ngõ kết nối các tỉnh phía Bắc với nền kinh tế toàn cầu, với các cơ sở sân bay hiện đại, hệ thống giao thông đô thị loại một và liên kết cơ sở hạ tầng liền mạch với các trung tâm công nghiệp phía Bắc;
(iii) Một trung tâm du lịch với các dịch vụ vận chuyển và kết nối tiên tiến đến các điểm nóng du lịch khác ở miền Bắc;
(iv) Một thành phố sôi động với dân số trẻ sáng tạo, đổi mới, đam mê kinh doanh; và
(v) Một thành phố đáng sống cho người dân với các dịch vụ công hiệu quả, giá cả phải chăng với mức thu nhập cao do năng suất lao động được cải thiện.
Sự phát triển này sẽ tạo ra nhiều cơ hội kinh tế hơn cho người dân sống ở các tỉnh phía Bắc, giúp thu hẹp khoảng cách về chất lượng sống giữa miền Bắc và Nam, do đó ngăn chặn sự xuất hiện "Một quốc gia, hai nền kinh tế".
Thứ ba, nuôi dưỡng các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Kết quả nghiên cứu đã ghi nhận cam kết của Chính phủ trong việc hỗ trợ DNNVV bằng việc thông qua Luật hỗ trợ DNNVV 2017, tuy nhiên nhóm nghiên cứu vẫn cho rằng chiến lược của Việt Nam trong việc hỗ trợ DNNVV đòi hỏi một sự thay đổi lớn về việc chuyển đổi mô hình. Các can thiệp trực tiếp thông qua các văn bản và hình thức giảm thuế không còn là phương thức duy nhất của Chính phủ, mặc dù chúng vẫn là các công cụ chính sách quan trọng. Thay vào đó, Chính phủ nên đóng vai trò tạo thuận lợi và dựa vào các chính sách định hướng thị trường để thúc đẩy DNNVV. Trong dài hạn, các sáng kiến chính sách như vậy sẽ mang lại hiệu quả bền vững hơn các biện pháp can thiệp tài chính, nhất là khi nợ công của Việt Nam đang gia tăng. Ngoài ra, các chính sách dựa trên thị trường có vẻ hiệu quả hơn vì chúng hướng tới giúp các DNNVV phát triển nội lực của mình thay vì chỉ giảm bớt những khó khăn trước mắt.
Cụ thể, các tác giả đề xuất thành lập Sáng kiến tương lai doanh nghiệp cho Việt Nam, với trọng tâm chính là nghiên cứu dựa trên thực tế nhằm hướng dẫn việc xây dựng các kế hoạch có thể thực hiện để nâng cao hiệu quả, năng suất và tiềm năng quốc tế hoá của các DNNVV. Triển khai Chỉ số giám sát hiệu quả và theo dõi năng suất (Productivity Tracking and Efficiency Monitoring Index - PTEM) tại Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng năng lực kỹ thuật số như một điều kiện cần thiết cho các DNNVV phát triển mạnh trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Về mặt này, Chính phủ có vai trò then chốt trong việc nâng cấp cơ sở hạ tầng viễn thông và Internet. Hơn nữa, điều quan trọng là phải thúc đẩy một hệ sinh thái hỗ trợ, trong đó Chính phủ, các chuyên gia và các định chế tài chính cùng hợp tác để giúp các DNNVV ứng dụng các giải pháp kỹ thuật số thích hợp dựa trên nhu cầu kinh doanh. Nỗ lực của Chính phủ phải nhận được sự tham gia tích cực từ VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, những nơi có thể thông tin đến các doanh nghiệp thành viên các lợi ích của việc số hóa và những hậu quả có thể xảy ra nếu họ không thích ứng với thời đại kỹ thuật số.
Thứ tư, phác thảo chiến lược phát triển toàn diện lực lượng lao động Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng những kỹ năng không phù hợp và lỗi thời của người lao động do sự đột phá công nghệ là hai trong số những thách thức chính đối với lực lượng lao động trong giai đoạn phát triển tiếp theo của Việt Nam. Do đó, nhóm nghiên cứu đề xuất khởi động Sáng kiến kỹ năng tương lai như một phong trào quốc gia với các kế hoạch hành động nhằm: (i) khuyến khích các cá nhân đưa ra các quyết định sáng suốt về giáo dục và đào tạo; (ii) kết nối giáo dục và đào tạo kỹ thuật theo nhu cầu của ngành; (iii) thúc đẩy phát triển sự nghiệp dựa trên kỹ năng; và (iv) thúc đẩy văn hóa học tập trong lực lượng lao động.
Trong số các chính sách mà chúng tôi đề xuất để hiện thực hóa các mục tiêu của Sáng kiến kỹ năng tương lai là Mô hình thực tập công nghiệp có mục tiêu cùng với Kế hoạch thực tập - đào tạo - tuyển dụng (Industrial Internship Model with Placed Trained Employed - IIM-PTE) là một giải pháp quan trọng. Đây là một chương trình thực tập công nghiệp với lộ trình rõ ràng để làm việc sau khi tốt nghiệp cho các sinh viên có bằng cấp nghề hoặc bằng cấp khác thấp hơn. Với sự tham gia của ba bên liên quan là chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động, IIM-PTE sẽ giúp tăng năng suất lao động thông qua đào tạo tại chỗ, tăng sự hấp dẫn của các trường dạy nghề như là một hướng khả thi để đảm bảo có được công việc tốt sau khi tốt nghiệp và góp phần giảm bớt sự thiếu hụt nghiêm trọng lao động lành nghề trong nền kinh tế Việt Nam.
Đề cập đến phát triển kỹ năng, sự xuất hiện của hệ thống dữ liệu lớn và việc phổ biến phân tích dữ liệu trong tất cả các lĩnh vực chỉ ra rằng lực lượng lao động cần được đào tạo về tư duy phản biện, kỹ năng số và phân tích dữ liệu. Hơn nữa, trình độ tiếng Anh và kỹ năng giao tiếp sẽ ngày càng trở nên quan trọng đối với người lao động Việt Nam để đạt được lợi thế cạnh tranh trong thị trường lao động của khu vực ngày càng hội nhập, cũng như tham gia vào nền kinh tế dịch vụ. Đồng thời, nghiên cứu nhấn mạnh sự cần thiết của Chính phủ trong việc khuyến khích sáng tạo và đặt nền móng cho một nền kinh tế tri thức có tính đổi mới. Về lâu dài, khả năng đổi mới sẽ sớm trở thành yếu tố quyết định của tăng trưởng kinh tế.
Thứ năm, nhấn mạnh tầm quan trọng của một cấu trúc kinh tế cân bằng, đa dạng hóa, nơi sản xuất và dịch vụ được phát triển song song và được hỗ trợ bởi một ngành nông nghiệp năng suất cao.
Điều này thể hiện tầm nhìn của Việt Nam để trở thành trung tâm sản xuất tiếp theo ở châu Á, một trung tâm tiềm năng cho các ngành công nghiệp dựa trên dịch vụ và là một quốc gia sản xuất nông nghiệp lớn trên thế giới. Trong nỗ lực đạt được các mục tiêu này, Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các cản trở đối với quá trình phát triển để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa thông qua một chính sách công nghiệp tiên phong.
Liên quan đến việc thúc đẩy tăng năng suất nông nghiệp, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của Malaysia, đặc biệt trong việc thúc đẩy lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp cạnh tranh; phát triển quan hệ đối tác chặt chẽ giữa các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp và các viện nghiên cứu; tích hợp các hộ sản xuất nhỏ vào chuỗi giá trị dựa trên nông nghiệp và cung cấp hiệu quả cơ sở hạ tầng, tín dụng và dịch vụ khuyến nông. Tích hợp các hộ sản xuất nhỏ vào chuỗi giá trị dựa vào nông nghiệp và cung ứng cơ sở hạ tầng, tín dụng và dịch vụ khuyến nông hiệu quả.
Việc thực hiện 5 đề xuất chính sách này là một cuộc tái cấu trúc cơ bản mô hình tăng trưởng của Việt Nam. Nhiệm vụ to lớn này chỉ có thể đạt được nếu Chính phủ cam kết đẩy mạnh cải cách kinh tế và quan trọng hơn là phải có những bước đi cụ thể để tăng cường năng lực thể chế, đảm bảo bộ máy nhà nước đáp ứng được những yêu cầu của cải cách. Để đạt được điều trên, cần phải xây dựng một hệ thống hành chính công hiện đại, chuyên nghiệp và minh bạch, nơi có sự đào tạo và phát triển toàn diện của các quan chức Chính phủ, giám sát hiệu quả, triển khai và quảng bá dựa trên kết quả dựa theo mức độ nhân tài.
Kết quả hợp tác với Viện nghiên cứu kinh tế Chung-Hua, Đài Loan
Trong khi đó, sự hợp tác giữa VCCI với Viện nghiên cứu kinh tế Chung-Hua của Đài Loan đã nghiên cứu sâu về kinh nghiệm của Đài Loan trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh nói chung và phát triển một số ngành có lợi thế cạnh tranh như Du Lịch, Nông nghiệp, Công nghệ thông tin.
Mặc dù quỹ đạo phát triển kinh tế của Đài Loan là một tài liệu tham khảo tốt cho Việt Nam, tuy nhiên một số khác biệt trong bối cảnh lịch sử giữa hai nền kinh tế cần được đề cập trước khi có thể học được bất kỳ bài học hữu ích nào. Ví dụ, từ đầu những năm 1970, chính phủ Đài Loan đã thực hiện một loạt các biện pháp chính sách để bảo vệ chiến lược các ngành công nghiệp trong nước, để thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ các công ty đa quốc gia cho các công ty địa phương, và hỗ trợ các DNNVV trên thị trường xuất khẩu. Những biện pháp này có thể không khả thi đối với Việt Nam ngày nay vì Việt Nam phải tuân theo một số quy tắc quốc tế. Hơn nữa, vai trò chi phối của các công ty đa quốc gia lớn trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay cũng rất khác so với cách mà Đài Loan đã sử dụng vốn nước ngoài trong quá khứ. Mặt khác, Việt Nam được hưởng những lợi thế đặc biệt nhất định trong môi trường quốc tế ngày nay, điều chưa từng có đối với Đài Loan. Đặc biệt, Việt Nam đã xây dựng một mạng lưới thương mại tư do kết nối rất tốt (FTA) cho phép nhiều hàng hóa và dịch vụ di chuyên vào và ra khỏi Việt Nam mà không gặp bất kỳ rào cản nào. Sự gần gũi với Trung Quốc và các nước châu Á cũng giúp Việt Nam dễ tiếp cận các thị trường và chuỗi cung ứng lân cận. Một vùng nội địa khu vực đang bùng nổ và đa dạng và khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu đều là những lợi thế đặc biệt của Việt Nam trong việc theo đuổi sự tăng trưởng kinh tế nhờ xuất khẩu. Tuy nhiên, cùng lúc đó, lợi thế này cũng kìm hãm các lựa chọn chính sách của Việt Nam trong việc theo đuổi mô hình tăng trưởng bền vững dưới sự kiểm soát của chính mình.
Ở cấp độ kinh tế vĩ mô, chúng tôi khuyến nghị chính sách nên tập trung vào sự phát triển của khu vực tư nhân, đặc biệt chú trọng đến việc nuôi các doanh nghiệp bản địa, đặc biệt là các DNNVV. Mục tiêu là cho phép khu vực tư nhân chiếm tỷ trọng lớn hơn trong sản lượng quốc gia, và các doanh nghiệp bản địa đóng vai trò lớn hơn trong quá trình sản xuất. Chúng tôi khuyến nghị rằng chính sách nên được chuyển từ ưu tiên cho các doanh nghiệp đa quốc gia lớn sang các DNNVV bản địa, cung cấp một sự thâm nhập tốt hơn vào các thị trường và nguồn lực sản xuất. Chúng tôi cũng đề xuất một cách tiếp cận cụm để xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa các doanh nghiệp đa quốc gia và các DNNVV địa phương, nhờ đó, chuỗi cung ứng khu vực có thể được làm giàu và tăng cường hơn. Khi các cụm công nghiệp trở bắt nguồn từ các khu vực khác nhau, sự phát triển công nghiệp cũng trở nên đa dạng và tự lực hơn. Chỉ khi đó, một chu kỳ tích lũy tích cực sẽ được thiết lập với những lợi ích của việc đầu tư nước ngoài sẽ được lan rộng toàn quốc.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng đưa ra các khuyến khuyến nghị về chính sách theo 3 ngành công nghiệp mục tiêu: Nông nghiệp, Công nghệ thông tin và du lịch.
Theo quan điểm của giáo sư Michael Porter người đã nghiên cứu khung phân tích năng lực cạnh tranh trong ba thập kỷ qua thì yếu tố trung tâm cốt lõi của Năng lực cạnh tranh là khái niệm Năng suất và Năng suất là yếu tố động lực cốt lõi dẫn dắt sự thịnh vượng bền vững.
Để giúp cải thiện năng suất quốc gia, từ đó nâng cao năng lực cạnh ranh của nền kinh tế, VCCI đã phối hợp với Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật bản, trực tiếp là GS. Kenichi Ohno, để nghiên cứu kinh nghiệm tăng năng suất của Nhật Bản và bài học cho Việt Nam.
Thông qua Hội thảo ngày hôm nay, với việc tham vấn chính sách năng suất của một trong những quốc gia có năng suất cao nhất thế giới là Nhật Bản, VCCI rất mong được cùng các nhà khoa học, các chuyên gia, các đại diện từ các doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp đóng góp cho việc đánh giá thực trạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên phương diện năng suất, để từ đó để xuất các giải pháp đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam”.