Đẩy mạnh bốn lĩnh vực hợp tác Việt Nam - Nhật Bản

Cẩm Anh 25/02/2019 09:19

Quan hệ hợp tác thương mại Việt Nam - Nhật bản đã trở thành một điểm sáng. Theo khảo sát của JETRO, có tới gần 70% doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Đối thoại Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Đối thoại Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản

Trong những năm qua, quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước đã có sự phát triển vượt bậc và toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, 4 lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, lao động, du lịch và nông nghiệp là những lĩnh vực được kỳ vọng sẽ trở thành mũi nhọn mới cho sự hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên.

Điều này cũng được TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhắc tới trong cuộc đối thoại kinh tế Việt Nam - Nhật Bản. 

Có thể bạn quan tâm

  • Tăng cường kết nối ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản

    05:51, 15/10/2018

  • Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư trong lĩnh vực giáo dục

    14:45, 12/03/2018

  • Thủ tướng chứng kiến ký kết nhiều thoả thuận hợp tác Việt Nam - Nhật Bản

    20:39, 05/06/2017

Thứ nhất, Chủ tịch VCCI đánh giá, Nhật Bản đã luôn tập trung giúp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. "Một trong các hoạt động nổi bật và diễn ra thường xuyên là việc hai bên tổ chức triển lãm "Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản" nhằm mục tiêu đẩy mạnh hợp tác kinh tế và đầu tư giữa hai nước cũng như nâng cao năng lực trong ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam", Chủ tịch VCCI cho biết.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch VCCI, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam vẫn chưa đạt được nhiều kết quả như mong muốn. Do đó, sự hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cần được thúc đẩy mạnh mẽ.

Đặc biệt là những kinh nghiệm và công nghệ thúc đẩy sự phát triển công nghiệp hỗ trợ của doanh nghiệp Nhật Bản sẽ trợ giúp doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này, cụ thể là các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tăng tỷ lệ nguyên liệu, linh kiện được sản xuất bởi doanh nghiệp thuần Việt trong chuỗi sản xuất.

Đồng thời, VCCI sẽ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản tìm kiếm đối tác Việt Nam để đẩy mạnh sự phát triển trong lĩnh vực này

Thứ hai, trong lĩnh vực lao động, tổng số người lao động Việt Nam tại Nhật Bản đã lên tới 300 nghìn người trong năm 2018, gấp 6 lần trong 6 năm qua đã cho thấy tiềm năng lớn trong việc hợp tác lao động giữa hai đất nước.

Hiện nay, người Việt Nam đã có mặt sinh sống, học tập và làm việc tại tất cả các tỉnh, thành của Việt Nam. Trong những nước ASEAN, Việt Nam là nước có số lượng học sinh du học tại Nhật Bản cao nhất. Cùng với đó, việc dân số Nhật Bản bị già hóa và giảm về số lượng thì nguồn thực tập sinh nước ngoài nói chung và Việt Nam nói riêng đang là nguồn bổ sung quan trọng cho sự thiếu hụt nhân lực trong tất cả các lĩnh vực tại Nhật Bản.

"Chính phủ và các doanh nghiệp Nhật Bản đang dần đánh giá cao về trình độ, năng lực của người lao động Việt Nam", TS Vũ Tiến Lộc cho biết. Hiện Chính phủ Nhật Bản đang thảo luận với các nhà hoạch định chính sách về việc cải cách các quy định nhằm thu hút thêm lao động nước ngoài đến Nhật Bản, cũng như đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của các lao động nước ngoài sang Nhật Bản làm việc. Đây cũng là cơ hội lớn trong lĩnh vực hợp tác để doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng.

Toàn cảnh Đối thoại Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản

Toàn cảnh Đối thoại Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản

Thứ 3, hợp tác trong lĩnh vực du lịch cũng có nhiều bước phát triển lớn. Nhật Bản được coi là thị trường trọng điểm nằm trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam tầm nhìn 2020 đến 2030. Hiện cả 4 thành phố lớn của Nhật Bản gồm Tokyo, Nagoya, Osaka, Fukuoka đều khai thác đưa khách Nhật Bản đến Việt Nam bằng đường bay thẳng đến thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Ngoài ra, Nhật Bản đang trở thành thị trường du lịch hàng đầu của ngành du lịch Việt Nam và là điểm đến hấp dẫn cho du khách Việt Nam. Sự hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực du lịch ngày một phát triển mạnh mẽ, góp phần thúc đảy giao lưu, tăng cường hiểu biết về văn hóa giữa hai nước. Xúc tiến thương mại đầu tư kết hợp với các hoạt động văn hóa du lịch sẽ là bệ phóng cho việc hợp tác đạt kết quả lớn.

Thứ 4, nông nghiệp là lĩnh vực hợp tác nhiều triển vọng và có tiềm năng phát triển hàng đầu. Bên cạnh việc trao đổi kinh nghiệm và công nghệ cao, doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam có thể tăng cường hợp tác để xây dựng vành đai cung cấp thực phẩm an toàn cho người Nhật và phối hợp xuất khẩu sang thị trường bên thứ ba.

Ngoài ra, hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ giữa hau nước cũng có những bước tiến lớn về doanh thu xuất khẩu trong ngành công nghệ thông tin, số lượng học viên, hợp tác trong lĩnh vực bảo hiểm y tế cũng tăng lên, công nghệ thông tin...

Ba giải pháp căn bản

Chủ tịch VCCI đã đề xuất một số biện pháp để thúc đẩy việc hợp tác thương mại, đầu tư, giao lưu giữa hai nước.

Một là, củng cố hơn nữa liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản, điều này không chỉ có lợi cho năng lực của sản xuất Việt Nam mà còn mang lại lợi ích kinh tế và xây dựng hình ảnh cho các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam.

Hai là, hợp tác theo cơ chế đa phương để thúc đẩy và tạo thuận lợi cho thương mại đầu tư bằng cách tham gia tích cực vào các tổ chức thương mại thế giới như WTO và các Hiệp định thương mại tự do nhiều bên như CPTPP, RCEP...

Ba là, thường xuyên duy trì đối thoại và thực chất về các vấn đề liên quan đến đầu tư cải cách môi trường kinh doanh, nhu cầu nâng cao năng lực của doanh nghiệp Việt Nam cũng như phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế...

Cẩm Anh