Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Cần khuôn khổ pháp lý minh bạch và an toàn trong đầu tư PPP

Ngọc Hà (ghi) 07/05/2019 12:20

"Có thể nói, để huy động được nguồn vốn của khu vực tư nhân vào đầu tư phát triển, đặc biệt là để thúc đẩy đối tác công – tư thì cần phải có một khuôn khổ pháp lý thật minh bạch và an toàn".

Đó là nhận định của TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI liên quan đến việc thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia vào các dự án đầu tư theo mô hình đối tác công tư (PPP).

TS

TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI.

Theo đó, TS Vũ Tiến Lộc khẳng định, việc mở đường cho đầu tư tư nhân phát triển là cơ sở để nền kinh tế đạt được 2 mục tiêu. Một là, huy động được sức dân, tiết kiệm được nguồn lực cho nhà nước. Hai là, Việt Nam sẽ còn có những công trình, những dịch vụ công với chất lượng tốt hơn.

Ngoài ra, TS Vũ Tiến Lộc khẳng định, đây chính là xu hướng phổ biến ở các nước trên thế giới, cũng là mục tiêu hướng đến trong công cuộc cải cách của chúng ta trong thời gian sắp tới.

- Nhiều nhà đầu tư tư nhân cho rằng, để doanh nghiệp tham gia vào các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các dự án lớn, ví dụ như cao tốc Bắc Nam phải được “bảo vệ”, xin ông cho biết quan điểm của mình?

Có thể nói, để huy động được nguồn vốn của khu vực tư nhân vào đầu tư phát triển, đặc biệt là để thúc đẩy đối tác công – tư thì cần phải có một khuôn khổ pháp lý thật minh bạch và an toàn. Chỉ khi có những điều kiện như vậy, chúng ta mới bảo vệ được những đầu tư dài hạn của nhà đầu tư.

Thực tế hiện nay ở nước ta, khuôn khổ pháp lý về đối tác công – tư còn nhiều hạn chế, thiếu minh bạch, chưa đảm bảo được quyền lợi hợp lý của nhà đầu tư. Vì vậy, để thúc đẩy các quan hệ đối tác công – tư, thúc đẩy khu vực tư nhân tham gia vào những công trình phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta cần hoàn thiện ngay hệ thống pháp luật, hoàn thiện trên cơ sở học tập kinh nghiệm từ những nền kinh tế trên thế giới, đồng thời đưa ra những quy định phù hợp với thực tiễn Việt Nam, trong đó tiêu chí đặc biệt quan trọng là đảm bảo được lợi ích, an toàn cho các nhà đầu tư, không để doanh nghiệp tư nhân gánh chịu tất cả hậu quả khi có rủi ro.

- Vậy khi đã có cơ chế đủ an toàn, để thúc đẩy các nhà đầu tư tư nhân "chủ động" tham gia vào các dự án đầu tư, theo ông, đâu là giải pháp?

Trong vấn đề này, bản thân tôi cũng như nhiều chuyên gia khác đã nhiều lần khuyến nghị rằng, nên để cho các cơ quan nhà nước tập trung làm thể chế. Còn những hoạt động đầu tư, kinh doanh, thậm chí là phát triển những công trình kinh tế - xã hội là việc của khối doanh nghiêp tư nhân.

Tuy nhiên hiện nay, các bộ vẫn đang "sa đà" vào rất nhiều việc không phải là chức năng chính của mình, trong khi chủ trương của Đảng, Nhà nước hiện nay đang là xã hội hóa mạnh mẽ. Hiện nay có rất nhiều việc mà khu vực tư nhân có thể làm được nhưng các bộ vẫn “ôm”, và như vậy họ không còn thời gian cho công việc chính của mình – xây dựng thể chế.

Chính vì vậy, tôi vẫn luôn cho rằng cần đẩy mạnh công tác phân cấp, phân quyền từ cơ quan Trung ương xuống đến các địa phương. Mặt khác, cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, chuyển giao những dịch vụ công, thậm chí là các hoạt động đầu tư công mà nhà nước đang chi phối hiện nay cho xã hội và thị trường đảm nhiệm. Nhà nước tập trung xây dựng thể chế, tạo ra một môi trường với hệ sinh thái tốt nhất nhằm huy động nguồn lực toàn dân vào công cuộc phát triển.

- Theo ông, bên cạnh việc xã hội hoá, chuyển giao dịch vụ công thì môi trường đầu tư cần phải có sự chuyển biến như thế nào?

Đến thời điểm hiện nay, chúng ta đã có rất nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đã có những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên trong tương quan so sánh với khu vực và thế giới thì môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam còn khá nhiều bất cập.

Theo đó, chúng ta vẫn chưa đạt đến những chuẩn mực tiên tiến hàng đầu trong khu vực và thế giới như chủ trương, định hướng mà Đảng, Nhà nước mong muốn. Có thể nói môi trường kinh doanh trong nước vẫn chưa thật sự thuận tiện, thiếu tính an toàn, thủ tục hành chính vẫn còn gây phiền hà, chi phí chính thức và không chính thức vẫn còn rất lớn.

Một bất cập nữa vẫn tồn tại trong thời gian qua mà chúng ta chưa giải quyết được đó là hệ thống thiết chế pháp lý. Doanh nghiệp không thể có những hoạt động đầu tư kinh doanh thuận lợi và an toàn khi mà hệ thống thiết chế pháp lý vẫn đang kém hiệu quả. Đây chính là những rào cản đối với hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân.

Vì vậy, trong thời gian tới, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của chúng ta là khắc phục được điểm nghẽn trong vấn đề thể chế nêu trên nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh đủ minh bạch, thuận lợi và an toàn cho doanh nghiệp.

- Xin cảm ơn ông!

Ngọc Hà (ghi)