VCCI và EuroCham liên kết giúp doanh nghiệp đón cơ hội từ EVFTA
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) được kỳ vọng sẽ là cơ hội để doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt hội nhập sâu hơn với nền kinh tế toàn cầu và cộng đồng quốc tế.
Mặc dù sau khi hai bên ký kết, EVFTA còn phải đợi để được Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu phê chuẩn, tuy nhiên, các doanh nghiệp cần được trang bị đầy đủ để đón nhận cơ hội và đối đầu với thách thức trong giao thương và đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ.
Tại tọa đàm “The EVFTA: What happens next?" do VCCI và Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) tổ chức, các doanh nghiệp thuộc một số lĩnh vực như dệt may, cafe, truyền thông, dược... đã đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh việc làm thế nào để thực hiện đúng các quy định của EVFTA và tận dụng được các ưu đãi từ thuế, đầu tư để cùng hưởng lợi từ Hiệp định.
Có thể bạn quan tâm
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: EVFTA sẽ mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp
14:43, 01/07/2019
Doanh nghiệp SME là chủ thể và đối tượng ưu tiên trong khuôn khổ EVFTA
14:11, 01/07/2019
Đã tham gia cuộc chơi EVFTA thì phải biết vượt qua!
11:00, 01/07/2019
EVFTA và EVIPA: Tạo thế cân bằng thu hút đầu tư
06:34, 01/07/2019
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, để doanh nghiệp biết và hiểu về các cam kết trong Hiệp định EVFTA tới đông đảo cộng đồng doanh nghiệp hai bên, VCCI và EuroCham sẽ mở các khóa đào tạo, kết hợp với các hiệp hội doanh nghiệp để triển khai cụ thể tới từng doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng vào việc đào tạo năng lực quản trị.
Theo đó, Chủ tịch VCCI cho rằng, chỉ khi nắm rõ và hiểu về Hiệp định, về thị trường Châu Âu, doanh nghiệp Việt mới có cơ sở để cơ cấu lại sản phẩm, công nghệ, đối tác và thị trường, từng bước thâm nhập và cạnh tranh được ngay tại sân nhà và gia tăng xuất khẩu vào thị trường châu Âu.
Đặc biệt, các quy định ngoài thuế như quy định về lao động, công đoàn, đầu tư mua sắm công, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, sở hữu trí tuệ... trong EVFTA tương đương với cam kết trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hoặc thậm chí cao hơn. Nếu vượt qua được những thách thức này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ thực sự đạt tới một đỉnh cao mới và vươn lên sánh ngang bằng với các doanh nghiệp ở các nước phát triển trên thế giới.
Do đó, tiếp nối các hoạt động cung cấp thông tin chung, VCCI cũng sẽ tổ chức các hoạt động, chương trình hội thảo tập trung vào việc giới thiệu các cơ hội cụ thể và hướng dẫn cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các lĩnh vực chịu nhiều tác động của EVFTA.
"Bản thân doanh nghiệp cũng cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quản trị doanh nghiệp. Quan trọng nhất là doanh nghiệp phải tìm hiểu thông tin cụ thể về hiệp định, trên cơ sở đó doanh nghiệp cơ cấu lại sản phẩm, công nghệ, đối tác và thị trường, từng bước thâm nhập và cạnh tranh được ngay tại sân nhà và gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU", Chủ tịch VCCI cho biết.
Đồng tình với quan điểm của Chủ tịch VCCI, ông Nicolas Audier, Chủ tịch EuroCham cho rằng, các doanh nghiệp cần xem xét những tiêu chuẩn châu Âu và tìm cách áp dụng vào sản phẩm của mình, đồng thời cần bắt đầu tìm kiếm đối tác ở EU để có thể dễ dàng tiếp cận thị trường, cũng như người tiêu dùng của khu vực này.
“Là hiệp định được thiết kế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sau khi ký kết, để doanh nghiệp được tiếp cận các thủ tục đầu tư đơn giản và đúng cách theo cam kết EVFTA. EuroCham sẽ có những hướng dẫn cụ thể cho các công ty muốn đến làm ăn, đầu tư tại Việt Nam, thúc đẩy tối đa hoạt động giao thương giữa hai bên”, Chủ tịch Eurocham nhấn mạnh.
Với những ngành nghề cụ thể, EuroCham đã chia thành các uỷ ban ngành như ngành giấy, dược phẩm, ô tô, thực phẩm… để có những giúp đỡ sát sao hơn đến từng nhóm doanh nghiệp riêng biệt.
Có thể thấy, khả năng tiếp cận thông tin của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam với những hiệp định như EVFTA còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trong các ngành hàng chủ lực như cà phê, dệt may vẫn còn đang chưa biết thuế suất đối với mặt hàng của mình khi xuất khẩu sang châu Âu theo Hiệp định EVFTA sẽ về về 0% sau bao nhiêu năm hoặc sắp tới sẽ là bao nhiêu %.
Do đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, kênh cung cấp thông tin như trang web như của Trung tâm WTO của VCCI có đầy đủ thông tin về Hiệp định, thậm chí so sánh các Hiệp định với nhau; doanh nghiệp hưởng lợi như thế nào là địa chỉ doanh nghiệp nên tham khảo.
Được đánh giá là hiệp định có những cam kết cao nhất trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà cả Việt Nam và EU ký với các đối tác, EVFTA kết nối thị trường rộng lớn với hơn 600 triệu dân (hơn 500 triệu nguời dân châu Âu và hơn 100 triệu nguời Việt Nam) với những thỏa thuận về thương mại, đầu tư, xuất nhập khẩu hàng hóa, lao động, công đoàn, biến đổi khí hậu...
Sau khi EVFTA chính thức ký kết, EuroCham sẽ cùng VCCI tiến hành thành lập Hội đồng doanh nghiệp EU - Việt Nam, cũng như đề xuất chương trình hợp tác cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ giao thương giữa Việt Nam - EU, tiến đến thực thi EVFTA trong thời gian tới.
Đồng thời, trong khuôn khổ hoạt động của hội đồng, VCCI và EuroCham cũng thống nhất tổ chức hằng năm "Hội nghị thượng đỉnh kinh tế Việt Nam - EU" nhằm xúc tiến quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai bên trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề để các doanh nghiệp được hỗ trợ, nắm bắt thông tin kịp thời.