EVFTA: Thách thức nằm ngay “sân nhà”
Đó là cảnh báo của các chuyên gia kinh tế tại hội thảo “Nhận diện cơ hội kinh doanh trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) sớm được thông qua” được tổ chức tại TP Cần Thơ
Chiều nay 24/7, tại TP.Cần Thơ, VCCI cùng Trung tâm trọng tài quốc tế (VIAC), thành viên của Eurocham phối hợp tổ chức hội thảo "Nhận diện cơ hội kinh doanh trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) sớm được thông qua”.
EVFTA là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU. Ngày 30/6/2019, EVFTA đã được ký kết tại Hà Nội và được xem như một bước ngoặc quan trọng trong mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - EU trong thời gian sắp tới.
Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ: EVFTA cùng với Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là hai FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay. Điều này càng có ý nghĩa khi hiện nay, mới chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).
Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu. Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% (giai đoạn năm 2019-2023).
Hội thảo “Nhận diện cơ hội kinh doanh trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) sớm được thông qua” sẽ cung cấp những thông tin hữu ích cho quý doanh nghịệp, nhà sản xuất khu vực ĐBSCL về cơ hội thách thức từ các hiệp định EVFTA, triển vọng thu hút đầu tư từ khu vực EU nhằm khai thác lợi thế đẩy mạnh Thương mại-Đầu tư khu vực ĐBSCL-EU nói riểng, Việt Nam-EU nói chung trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam nhận định: Những FTA đầu tiên rất đơn giản, chỉ đơn thuần về thuế và có danh mục hàng hóa cụ thể. Tuy nhiên, EVFTA cam kết được mở rộng sang các lĩnh vực đầu tư, mua sắm, đấu thầu quốc tế… mức độ phức tạp hơn. Do đó, việc VCCI tổ chức hội thảo về hiệp định này rất bổ ích và vô cùng ý nghĩa đối với doanh nghiệp.
"Vùng ĐBSCL đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo, 65% sản lượng thủy sản, 70% sản lượng trái cây cho xuất khẩu. Năm 2018 khu vực ĐBSCL xuất khẩu 17,4 tỷ USD chủ yếu là thủy sản, gạo, trái cây. Trong bối cảnh sân chơi được mở rộng thì liệu khu vực ĐBSCL còn dư địa để mở rộng sản xuất, gia tăng sản lượng tận dụng cơ hội để đạt tăng trưởng nhảy vọt trong xuất khẩu?" - ông Nam nêu câu hỏi.
Ông Florian J Beraneck, Chuyên viên Unido, thành viên Eurocham cho rằng: "Hiệp định EVFTA không phải là chương trình nhân đạo của EU dành cho Việt Nam mà nó là “cuộc chơi” với sự hợp tác từ hai phía. Sau 8 năm đàm phán, các vấn đề về thuế quan đã được cắt giảm đến mức “gặp nhau” công bằng cho cả hai phía".
Theo ông Florian J Beraneck chia sẻ, qua thăm dò ông thấy có nhiều doanh nghiệp nhỏ không xuất khẩu trực tiếp ở Việt Nam không quan tâm đến EVFTA, điều đó sẽ rất nguy hiểm vì sau khi hiệp định có hiệu lực sẽ có nhiều sản phẩm nhập khẩu từ EU vào chất lượng rất tốt, giá rẻ sẽ cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm do doanh nghiệp nhỏ Việt Nam sản xuất. Ví dụ như: sản phẩm thịt heo, thịt gà… thì không nơi nào có thể rẻ hơn EU.
"Cùng tạo ra niềm tin trong kinh doanh, rõ ràng, minh bạch và chân thành,luôn luôn nhớ một điều rằng: nâng cao đời sống công nhân bảo vệ môi trường không phải làm điều đó vì nhà nhập khẩu mà là cho chính đất nước, con người Việt Nam, đó cũng là mẫu số chung cho bài toán phát triển kinh tế cho tất cả quốc gia trên thế giới”, ông Florian J Beraneck khuyến nghị.
Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết: Đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
“Như vậy, có thể nói, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của chúng ta hiện nay. Vấn đề đặt ra là chúng ta có tranh thủ được cơ hội hay không vì họ mở cửa cho ta thì ta cũng phải mở cửa cho họ, như thế thách thức nằm ngay trên đất nước chúng ta”, ông Huỳnh cảnh báo.
Bà Hoàng Ngọc Oanh, Trưởng phòng Truyền thông, Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương) cũng lưu ý các doanh nghiệp các cam kết về sở hữu trí tuệ gồm cam kết về bản quyền, phát minh, sáng chế, cam kết liên quan tới dược phẩm và chỉ dẫn địa lý và các cam kết về bảo vệ môi trường, lao động cao hơn mức cam kết đối với WTO.