Gỡ rào cản thanh toán trong đầu tư vào thị trường Trung Đông - Châu Phi
Các doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, một trong những rào cản khiến việc hợp tác đầu tư sang các quốc gia Trung Đông - Châu Phi còn nhiều khó khăn là vấn đề thanh toán.
Rào cản thanh toán
Trong buổi “Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi năm 2019", bà Lương Thị Bích Diệp, Phó Tổng giám đốc điều hành Công ty cổ phần LaviFood, lâu nay, các nước tại khu vực này thường quen với phương thức “mua và nhận hàng trước, thanh toán sau” chứ không theo hình thức thư tín dụng L/C có đơn vị đứng ra bảo lãnh như cách truyền thống và thói quen của người Việt Nam lâu nay vẫn làm.
Có thể bạn quan tâm
Thủ tướng mong Bờ Biển Ngà là cầu nối cho Việt Nam vào thị trường châu Phi
20:28, 19/06/2019
Cơ hội làm ăn từ châu Phi
15:21, 15/05/2019
Tiềm năng xuất khẩu sang thị trường châu Phi và Trung Đông
15:40, 23/03/2019
Cơ hội rộng mở cho các doanh nghiệp Việt tiến vào thị trường Trung Đông và Châu Phi
08:00, 19/03/2019
Mặt khác, hiện hệ thống ngân hàng Việt Nam và các quốc gia Trung Đông – châu Phi còn nhiều vấn đề chưa tương thích, việc chờ đợi thanh toán mất nhiều thời gian, cần nhiều thủ tục, giấy tờ, nhất là việc thanh toán với các quốc gia Trung Phi và Bắc Phi.
Đồng quan điểm với bà Diệp, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội, Công ty Cổ phần (Hapro) Nguyễn Tiến Vượng cho rằng, do tập quán, điều kiện kinh tế đặc thù nên phương thức thanh toán khu vực này còn chưa ổn định.
"Nhiều khách hàng châu Phi không muốn sử dụng hình thức thư tín dụng, hình thức thanh toán đảm bảo nhất hiện nay, lại sử dụng hình thức thanh toán chậm hoặc đặt cọc 20-30%, khi nhận hàng mới thanh toán hết. Bên cạnh đó, nếu có rủi ro làm giá hàng tăng lên, đối tác không nhận hàng và không thanh toán, dẫn đến thiệt hại cho các doanh nghiệp", ông Vượng cho biết.
Trên thực tế, với thị trường Trung Đông đang duy trì phương thức thanh toán gồm 3 hình thức: Chuyển tiền, nhờ thu và thư tín dụng đều không có vướng mắc. Các doanh nghiệp Trung Đông khá uy tín trong giao dịch, tuy nhiên họ yêu cầu chặt chẽ đối với chất lượng hàng hóa. Trong khi thị trường châu Phi chủ yếu là hình thức trả chậm. Các doanh nghiệp châu Phi cũng gặp khó khăn về năng lực tài chính, không ưa chuộng mở thư tín dụng.
Tháo gỡ khó khăn
Nhận định về vấn đề này, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng đánh giá, ngoài những khó khăn chính mà doanh nghiệp Việt Nam gặp phải trong thanh toán giao dịch thương mại và đầu tư với hai thị trường này còn xuất phát từ việc thiếu thông tin, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa các ngân hàng.
Theo đó, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và nhóm các ngân hàng châu Phi, Trung Đông cần xây dựng mạng lưới ngân hàng khu vực nhằm chia sẻ thông tin, công cụ cung cấp tín dụng, vốn, phát triển và hướng dẫn cách tiếp cận nguồn tài chính làm công cụ phát triển thương mại và đầu tư.
"Cần tổ chức đoàn Ngân hàng sang khảo sát thị trường tại các nước châu Phi, Trung đông để nắm rõ hơn những thông tin về hệ thống tài chính cũng như năng lực của các ngân hàng bạn để đi đến việc ký kết thỏa thuận thiết lập đại lý cũng như tiến tới việc mở văn phòng đại diện. Ngược lại, các ngân hàng khu vực châu Phi, Trung đông cũng nên tăng cường tổ chức các đoàn sang khảo sát thị trường và làm việc với các ngân hàng và doanh nghiệp Việt Nam để từ đó việc hỗ trợ các doanh nghiệp hai bên trong kinh doanh và đầu tư được thiết thực hơn", Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Bà Aisata Kone-Sidibe, Chủ tịch Câu lạc bộ Lãnh đạo các Ngân hàng châu Phi cũng cho rằng, việc các ngân hàng Việt Nam có rất ít quan hệ với các ngân hàng châu Phi cũng là một trong những nguyên do dẫn đến việc hai bên thếu thông tin về các chính sách cho vay, quy định tỷ giá... và làm doanh nghiệp rơi vào thế khó.
Bà Aisata kỳ vọng, các ngân hàng tại Việt Nam sớm tăng cường sự hiện tại thị trường châu Phi. Thông qua việc hợp tác với các nhóm ngân hàng tại châu Phi hoặc các đinh chế trung gian, hai bên sẽ cùng nhau xây dựng các cơ chế hợp tác đề tạo điều kiện thuận lợi giải quyết nhanh chóng khâu thanh toán, nhằm tạo lòng tin giữa các doanh nghiệp.
Mặt khác, bà Aisata cho rằng, Việt Nam và các quốc gia châu Phi và Trung Đông cần tích cực đàm phán và thỏa thuận các Hiệp định Thương mại tự do, từ đó có một khung pháp lý rõ ràng, minh bạch, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên ngày càng phát triển.