Phát triển đội ngũ doanh nhân giai đoạn mới

THY HẰNG thực hiện 25/04/2023 16:13

Phó chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng khẳng định: “Xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam có bản sắc, bản lĩnh, gắn bó mật thiết với đất nước,

sẵn sàng chia sẻ và góp phần to lớn vào sự nghiệp phát triển đất nước…” 

- Thưa ông, việc triển khai Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp như thế nào?
Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt ra mục tiêu là tiếp tục làm sao để đội ngũ doanh nhân Việt Nam ở tầm vóc mới, đảm bảo tương ứng với yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Trong đó, Đảng ta xác định đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trên thực tế, qua hơn 37 năm đổi mới, đội ngũ doanh nhân Việt Nam không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đã có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện. Hiện nay, Việt Nam đã có gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14,4 nghìn HTX và khoảng 5,1 triệu hộ kinh doanh.
Theo kết quả khảo sát trong năm 2021 của VCCI về tình hình phát triển đội ngũ doanh nhân: Trình độ học vấn của doanh nhân khá cao, có đến 79,9% doanh nhân có trình độ đại học, 12% doanh nhân có trình độ thạc sỹ/tiến sỹ và chỉ khoảng 8% doanh nhân có trình độ dưới đại học. Có thể khẳng định, doanh nghiệp, doanh nhân đã và đang là lực lượng chính phát huy các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP, khoảng 70% thu ngân sách nhà nước và 30% tổng số lao động đang làm việc. Bên cạnh đó, doanh nhân còn tham gia ngày càng hiệu quả vào đời sống kinh tế - xã hội của đất nước; tham gia ngày càng tích cực vào quá trình xây dựng, giám sát, phản biện chính sách và khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường khu vực và thế giới.
- Như vậy có thể khẳng định, việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW có tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam, nhất là trong bối cảnh trong bối cảnh Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đặt những mục tiêu mang tính khát vọng của dân tộc, thưa ông?
Đúng vậy, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đặt những mục tiêu mang tính “khát vọng của dân tộc” như đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Để hiện thực mục tiêu này sẽ có những khó khăn thách thức nhất định, yêu cầu mỗi cá nhân trong đó có doanh nhân phải nỗ lực hoàn thành mục tiêu đề ra.
Việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW tạo ra sự nhất quán và xuyên suốt về mặt chủ trương, chính sách, hệ sinh thái cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động ngày càng thuận lợi hơn, trong đó đáng kể là nhận thức của xã hội về vai trò của doanh nghiệp và môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, đã góp phần quan trọng vào sự phát triển, lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp như hiện nay.
VCCI xác định càng phải có trách nhiệm hơn nữa trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh. Vì thế, từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc VCCI lần thứ VII với tầm nhìn xây dựng "Doanh nghiệp vững mạnh - Quốc gia thịnh vượng", chúng tôi đã đề ra sáu nhiệm vụ trọng tâm và ba đột phá chiến lược, trong đó tiên phong xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam.
- Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều điểm nghẽn cho quá trình phát triển của đội ngũ doanh nhân trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động khó lường, thưa ông?
Hiện nay, thế và lực của Việt Nam đã tăng lên, bối cảnh của quốc tế cũng diễn biến rất sôi động và phức tạp đặt ra các thách thức mới. Cụ thể từ các vấn đề như ảnh hưởng của cuộc CMCN 4.0, biến đổi khí hậu, những vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống trong phạm vi khu vực và toàn cầu, những vấn đề cạnh tranh địa chính trị, đặc biệt những biểu hiện gay gắt của xung đột thương mại.
Đây là những áp lực mà doanh nghiệp phải đối mặt để hiện thực mục tiêu, phát huy vai trò lực lượng nòng cốt, xung kích phát triển kinh tế đất nước.
- Vậy VCCI có đề xuất kiến nghị gì để hỗ trợ doanh nghiệp “vượt sóng”, xây dựng đội ngũ doanh nhân như tinh thần Nghị quyết 09 và Đại hội Đảng XIII đã đề ra, thưa ông?
VCCI kiến nghị tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, đồng thời đưa ra 3 giải pháp trọng tâm giúp phát huy vai trò xung kích của đội ngũ doanh nhân:
Thứ nhất, xây dựng, hoàn thiện môi trường, thể chế đầu tư, phát triển đất nước nhanh, bền vững, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là hệ thống chính sách, pháp luật tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng bảo vệ, khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính, đổi mới sáng tạo; ngăn ngừa, thải loại doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn phi pháp.
Thứ hai, tổ chức thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật; khẳng định, bảo vệ, tạo điều kiện, khuyến khích, vinh danh, khen thưởng xứng đáng những doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính, có đóng góp lớn đối với xã hội, đất nước; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh những doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn phi pháp gây thiệt hại cho đất nước, cho cộng đồng xã hội, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chân chính, tránh hình sự hóa các hoạt động kinh tế.
Thứ ba, để thực hiện có hiệu quả hai đột phá trên, điện kiện đầu tiên và xuyên suốt là xã hội và bản thân đội ngũ doanh nhân phải nhận thức đúng, đầy đủ, sâu sắc về doanh nhân, về vị trí, vai trò của doanh nhân trong công cuộc đổi mới và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc XHCN. Xây dựng và hình thành các thiết chế văn hóa của doanh nhân Việt Nam. Đảm bảo doanh nhân Việt Nam có văn hóa, văn minh ngang tầm với các mục tiêu lớn của quốc gia, dân tộc vào năm 2030 và 2045…
- Xin cảm ơn ông!

Từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc VCCI lần thứ VII với tầm nhìn xây dựng "Doanh nghiệp vững mạnh - Quốc gia thịnh vượng", VCCI đã đề ra sáu nhiệm vụ trọng tâm và ba đột phá chiến lược, trong đó tiên phong xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam.

THY HẰNG thực hiện