Phá thế độc quyền trong Luật Cạnh tranh
Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng độc quyền và tập trung kinh tế đang là vấn đề nổi cộm mà Luật Cạnh tranh sửa đổi cần giải quyết.
Cạnh tranh được ví như linh hồn của kinh tế thị trường, bởi không có cạnh tranh thì không có thị trường đúng nghĩa.
Có thể bạn quan tâm
Rắc rối pháp lý thương vụ Grab mua Uber: Có vi phạm Luật Cạnh tranh?
13:15, 13/04/2018
Uber sáp nhập vào Grab: Có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh?
17:14, 27/03/2018
Câu chuyện của CGV đã... "phát lộ" những bất cập của Luật Cạnh tranh
14:20, 15/11/2017
Kiểm soát độc quyền
Luật Cạnh tranh được các chuyên gia coi như bản Hiến pháp của nền kinh tế thị trường, là “rường cột” để ngôi nhà thị trường được phát triển bền vững. Do đó, một số đại biểu rất băn khoăn khi dự thảo Luật Cạnh tranh đưa các hành vi cạnh tranh không lành mạnh như ép buộc, gièm pha, lôi kéo nhân viên,... vào Luật Cạnh tranh, một định chế của Luật công, một “khắc tinh” của các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng độc quyền và tập trung kinh tế. Điều này không chỉ không logic khi “nhốt” hai nhóm hành vi có bản chất khác nhau vào một luật mà còn có nguy cơ phân tán nguồn lực vốn rất cần thiết để tập trung cho định chế kiểm soát độc quyền, tập trung kinh tế chuyển sang giải quyết các tranh chấp “lặt vặt”, chuyện thường ngày của hàng trăm nghìn doanh nghiệp mà chỉ có các định chế Tòa án, Trọng tài mới có khả năng về nguồn lực để giải quyết hết.
Thao túng ngoài lãnh thổ
Băn khoăn lớn thứ hai của một số đại biểu là phạm vi điều chỉnh của Luật Cạnh tranh có vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam không trong điều kiện đất nước đã hội nhập kinh tế, thương mại quốc tế sâu rộng, khi các câu chuyện Grab mua lại Uber vẫn đang còn nóng hổi, khi các “đại gia” nước ngoài có thể thông đồng với nhau để thao túng thị trường trong nước.
Luật Cạnh tranh được các chuyên gia coi như bản Hiến pháp của nền kinh tế thị trường, là “rường cột” để ngôi nhà thị trường được phát triển bền vững.
Dự thảo Luật cũng đã “dự liệu” được tình hình này khi qui định Luật Cạnh tranh điều chỉnh cả các hành vi thao túng ngoài lãnh thổ Việt Nam thông qua hợp tác quốc tế, các hiệp định thương mại quốc tế thế hệ mới, hoặc theo nguyên tắc có đi có lại, có tính đến khả năng thi hành được các quyết định của Cơ quan cạnh tranh đối với các vi phạm của doanh nghiệp ở nước ngoài như khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương.
Đưởng hưởng khoan hồng
Điều băn khoăn thứ ba là cơ chế “khoan hồng” trong dự thảo luật, theo đó luật cho phép các doanh nghiệp đã tham gia thỏa thuận phải cạnh tranh có thể thể tự giác khai báo và do đó được hưởng sự khoan hồng, tránh bị trừng phạt hoặc giảm mức độ trừng phạt tùy thuộc vào ai là doanh nghiệp khai báo sớm nhất với cơ quan quản lý cạnh tranh.
Chế định này khá phổ biến trong pháp luật cạnh tranh của nhiều nước phát triển đã được thực tế chứng minh là hiệu quả, ví dụ như tại Mỹ trên 90% số vụ vi phạm luật cạnh tranh được phát hiện từ sự tự giác khai báo của các doanh nghiệp do đã trót lỡ tham gia các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Mười phần trăm còn lại là do Cơ quan cạnh tranh phát hiện. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất là vướng phải Bộ luật Hình sự 2015 (Điều 217) qui định hành vi này là tội phạm và xử lý theo chế tài hình sự.
Vi phạm từ cơ quan hành chính
Băn khoăn lớn thứ tư là các vi phạm luật cạnh tranh từ các cơ quan Nhà nước. Mặc dù Dự luật đã có qui định cấm cơ quan Nhà nước không được thực hiện các hành vi cản trở cạnh tranh như ép buộc, yêu cầu mua hàng hóa, dịch vụ, ép buộc, khuyến nghị các hiệp hội, các doanh nghiệp liên kết với nhau nhằm hạn chế cạnh tranh, phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp... nhưng chế tài trừng phạt trong các trường hợp này vẫn còn quá chung chung.
Thực tiễn cho thấy không hiếm trường hợp địa phương có công văn, chỉ thị yêu cầu dùng bia tỉnh nhà, đường tỉnh nhà hoặc mua dịch vụ của công ty này, doanh nghiệp nọ mà sau đó không phải chịu bất kỳ một trách nhiệm vật chất nào, trong khi Luật về trách nhiệm bồi thường Nhà nước chỉ qui định mỗi hành vi ra quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh sai thì mới thuộc trách nhiệm bồi thường Nhà nước.