Cách nào hạn chế “khuyết tật” nảy sinh từ quyền lực?

Vân Du 13/06/2018 15:28

Quy định về trách nhiệm là một giải pháp hạn chế khuyết tật nảy sinh từ quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức.

Đây là ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) tại phiên thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi, ngày 13/6.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng)

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng)

Cho rằng tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực nhưng quyền luôn gắn với trách nhiệm, đại biểu Thúy cho rằng quy định về trách nhiệm là một giải pháp hạn chế khuyết tật nảy sinh từ quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng.

Trách nhiệm này đã được quy định tại Chương VI dự thảo luật là chương mới với một số quy định tiến bộ như về việc xin từ chức tại khoản 1 Điều 89. Đây là quy định mở, mang tính khuyến khích nhưng rất cần thiết.

Theo bà Thúy, mặc dù, từ chức là một chuyện bất đắc dĩ nhưng trong rất nhiều trường hợp là việc nên làm, thể hiện lương tâm của cán bộ, công chức nhận trách nhiệm và rút lui trong dân dự. Đồng thời, cũng là cách để nguồn nhân lực được bố trí hợp lý hơn. Tuy nhiên, không ít quy định về trách nhiệm người đứng đầu thiếu cụ thể, tính khả thi không cao.

Có thể bạn quan tâm

  • Làm sao “phát lộ” tài sản bất minh?

    11:00, 13/06/2018

  • Thuốc trị tham nhũng và công thức... đo đếm lòng trung thực

    13:36, 13/06/2018

  • “Khoanh vùng” chống tham nhũng với người có chức, có quyền

    11:30, 13/06/2018

  • Hoàn thiện cơ quan chuyên trách chống tham nhũng

    10:30, 13/06/2018

  • Cử tri kỳ vọng gì ở Luật Phòng, chống tham nhũng?

    09:09, 13/06/2018

Phân tích làm rõ thêm về vấn đề này, đại biểu Thúy cho biết, theo dự thảo, chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan để xảy ra tham nhũng tưởng chừng như đơn giản và khá rõ ràng. Người đứng đầu cơ quan thì phải chịu trách nhiệm về mọi công việc của cơ quan, kể cả việc cấp dưới tham nhũng. Nhưng với cách thức tổ chức hệ thống công vụ như hiện nay, đây thực sự là một vấn đề nan giải, dễ dẫn đến chỗ không quy được trách nhiệm cho ai vì 3 lý do.

Trước hết, đó là do sự thiếu tương ứng giữa trách nhiệm và quyền hạn. Không thể đòi hỏi người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về những việc mà người đó không có quyền quyết định. Thực tế cho thấy không phải người đứng đầu nào cũng có quyền lựa chọn cấp phó của mình và có thể một số nhân sự quan trọng khác nữa cũng vậy. Giả sử người đứng đầu có quyền đề cử cấp phó của mình và phải chịu trách nhiệm về việc đề cử đó thì trong 2 hành vi, hành vi đề cử và hành vi quyết định đề bạt, hành vi nào đáng phải chịu trách nhiệm cao hơn.

“Trách nhiệm phải được truy cứu trên cơ sở hành vi, mà ở đây là hành vi đề bạt thì người phải chịu trách nhiệm sẽ là một quan chức cấp trên. Tuy không hiếm trường hợp nhân sự được đề bạt do ý muốn của cấp trên, quy trình xét duyệt chỉ nhằm hợp thức hóa ý định của cấp trên, đây có thể là mảnh đất màu mỡ cho tệ nạn chạy chức, chạy quyền phát triển. Nhưng trong nhiều trường hợp áp đặt chế độ trách nhiệm cho người có hành vi đề bạt là hết sức rủi ro”. – bà Thúy nói.

Theo bà Thúy, người có thẩm quyền đề bạt cán bộ thường không có điều kiện để theo dõi hoạt động hàng ngày của người được mình đề bạt, kể các trước và sau khi đề bạt nên khó có thể yêu cầu họ phải chịu trách nhiệm.

Bên cạnh đó, có một thực tế là không ít người có thẩm quyền đề bạt chỉ biết về cán bộ qua hồ sơ và ý kiến tham mưu của người làm công tác tổ chức. Trong trường hợp này, người ký quyết định đề bạt phải chịu trách nhiệm nhưng trách nhiệm cũng cần chia cho người tham mưu. Nói tóm lại, trong nhiều trường hợp có cả một dây trách nhiệm, vì vậy rất khó chỉ ra người có trách nhiệm thực sự.

Lý do thứ haitheo bà Thúy khiến chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan để xảy ra tham nhũng khó có thể xác định được một cách rõ ràng là khó xác định phạm vi liên đới trách nhiệm.

Ví dụ, ở cấp phòng một công chức tham nhũng thì trưởng phòng phải chịu trách nhiệm, nhưng phòng lại thuộc sở, vậy giám đốc sở có phải chịu trách nhiệm không? Hay bao nhiêu phòng xảy ra tham nhũng thì giám đốc sở mới phải chịu trách nhiệm? Đó là chưa nói đến cơ chế song trùng trực thuộc, vừa có thủ trưởng theo chiều ngang, vừa có thủ trưởng theo chiều dọc.

Hoặc một sở vừa trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, vừa trực thuộc bộ chuyên ngành tương ứng, một giám đốc sở có 2 thủ trưởng cấp trên trực tiếp đó là chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ trưởng tương ứng, nếu giám đốc sở tham nhũng thì vị nào trong 2 vị này phải chịu trách nhiệm và đó là trách nhiệm đối với những hành vi gì, dự thảo luật cần làm rõ.

Lý do thứ ba là cơ chế tập trung quan liêu chậm được khắc phục. Nét đặc trưng của cơ chế này là quyền hạn tập trung cho cấp trên, đồng thời trách nhiệm cũng đẩy hết lên cho cấp trên. Các công việc cụ thể đã được đẩy lên cho cấp trên bằng nhiều cách, như là xin chủ trương, xin ý kiến chỉ đạo, xin phê duyệt, xin ban hành quyết định, v.v...

“Khi tham nhũng xảy ra trách nhiệm có thể dính đến các cấp rất cao, mà việc áp đặt trách nhiệm pháp lý cho các quan chức cao cấp là rất khó khăn, thông thường điều này khó có thể thực hiện được nếu thiếu công đoạn xử lý trách nhiệm chính trị mà cách thức, thủ tục xử lý trách nhiệm chính trị lại là những vấn đề rất mới khi Quốc hội chất vấn về những bê bối xảy ra trong một bộ nào đó thì vị Bộ trưởng có liên quan thường trả lời là xin chịu trách nhiệm”. – bà Thúy nói.

Vẫn theo bà Thúy, các vị đại biểu Quốc hội có vẻ như hài lòng với câu trả lời này nhưng rồi hết năm này, sang năm khác vẫn không thấy vị Bộ trưởng ấy phải chịu trách nhiệm gì. Những khó khăn nói trên cho thấy việc xác lập chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan để xảy ra tham nhũng cần được giải quyết trong tổng thể của các nỗ lực nhằm cải cách hệ thống hành chính nhà nước nói chung. Tuy nhiên đây là công việc khó khăn, phức tạp và đòi hỏi phải có thời gian.

Trước mắt, đại biểu Thúy đề nghị cần quy định theo hướng chế độ trách nhiệm phải được xác lập trên cơ sở những quyền hạn thực tế mà những người đứng đầu đang có, ngoài ra trách nhiệm chỉ xác lập được trên cơ sở hành vi mà rõ ràng nhất là hành vi kiểm tra, giám sát công chức cấp dưới, hành vi ban hành các văn bản trong lĩnh vực hành chính có khả năng tạo ra cơ hội cho nhóm lợi ích tham nhũng.

“Việc áp đặt trách nhiệm tràn lan, không căn cứ vào hành vi như dự thảo luật chỉ mang đến những kết quả ngược lại, đơn giản là điều này chỉ khuyến khích những người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị che giấu tham nhũng mà thôi”. – bà Thúy nêu quan điểm.

Ngoài những ý kiến nêu trên, đại biểu Thúy cũng đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ để đảm bảo tính chính xác, phù hợp với Hiến pháp và thống nhất với hệ thống pháp luật. Ví dụ, tại khoản 1 Điều 85 quy định về người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, có cả người đứng đầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội (đây là chủ thể mới) được bổ sung so với dự thảo luật trình Quốc hội lần một tại kỳ họp thứ 4.

“Theo Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội lãnh đạo công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chứ không phải là người đứng đầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội không giống như người đứng đầu Nhà nước là Chủ tịch nước hay người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng Chính phủ”. – đại biểu Thúy nhấn mạnh.

Vân Du