Lồng ghép giới trong xây dựng chính sách pháp luật

Nhóm cán bộ Dự án Aus4reform, Ban Pháp chế, VCCI 12/10/2018 15:07

Luật Ban hành quy phạm pháp luật năm 2015 đã quy định nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới.

Trong quá trình thực hiện Luật, có thể thấy vấn đề hiểu đúng và đủ về lồng ghép giới trong xây dựng chính sách pháp luật đang là điều đòi hỏi cao nhất từ các nhà hoạch định chính sách.

Theo Nghị quyết số 34/180 ngày 18/12/1979, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua CEDAW  ngày 03/9/1981, Công ước đã chính thức có hiệu lực. Tính đến nay, đã có 185 quốc gia trên thế giới phê chuẩn hoặc ký kết Công ước, chiếm hơn 90% thành viên Liên Hợp Quốc. Công ước chính thức có hiệu lực với Việt Nam ngày 19/3/1982. Sự ra đời của Công ước CEDAW xuất phát từ nhận thức quan trọng của cộng đồng quốc tế về quyền con người, đó là bình đẳng trở thành thước đo giá trị phẩm giá và quyền cơ bản của con người trong xã hội. Sự ra đời của Công ước CEDAW là kết quả của cuộc đấu tranh lâu dài của nhân loại tiến bộ vì một xã hội công bằng, dân chủ, nhân đạo và văn minh.

Luật bình đẳng giới và Luật phòng chống bạo lực gia đình ra đời năm 2007 thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, xoá bỏ sự phân biệt đối xử với phụ nữ, thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người nói chung, quyền bình đẳng của phụ nữ nói riêng. Từ đó đến nay, Việt Nam vẫn không ngừng nỗ lực trong các hoạt động nhằm đảm bảo bình đẳng giới thông qua lồng ghép giới như các quy định tại Bộ Luật lao động (2012), Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật (2015); Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (2017)… khi đã quy định các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp nữ, đơn vị sử dụng đông số lượng lao động nữ hay phải đánh giá tác động về giới (nếu có). Các quy định này ghi nhận nhiều tiến bộ khi đặt ra các biện pháp tạm thời nhằm thúc đẩy bình đẳng giới.

Bên cạnh đó, một số quy định đã đến lúc cần rà soát và xem xét lại tính phù hợp với tiến trình bình đẳng giới mà Việt Nam đã đạt được. Ví dụ như quy định tuổi nghỉ hưu trong Bộ luật lao động đối với lao động nữ là 55 tuổi (trong khi của  nam giới là 60 tuổi) đang tạo ra những rào cản tham gia lực lượng lao động của những người phụ nữ trên 55 tuổi mà đủ sức khỏe, trí tuệ; hoặc quy định về 77 công việc cấm phụ nữ tham gia theo Thông tư số 26/2013 của Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn BLLĐ 2012 cũng đã hạn chế việc tham gia các nhóm công việc đa dạng của phụ nữ, góp phần làm gia tăng thất nghiệp cho giới nữ. Các quy định này cũng đang được nhiều diễn đàn về giới thảo luận sôi nổi và cho rằng đây là thời điểm phù hợp để rà soát, xem xét lại tính hợp lý của các quy định.

Tại Khóa học về thực hiện Dự án nhằm Phát huy Kết quả Giới trong Lĩnh vực Cải cách do Chính phủ Australia tài trợ nhằm hỗ trợ Việt nam trong hoạt động bình đẳng giới được tổ chức tháng 8.2018 ở Ninh Bình và Australia dành cho các cán bộ thuộc dự án Aus4reform, các đại diện của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa các vấn đề về chính sách ở trên để thảo luận với các chuyên gia về bình đẳng giới của Australia. Các chuyên gia cho rằng có thể xem đây như là rào cản tạo nên bất bình đẳng giới. Bởi vì, bình đẳng giới phải được hiểu là giữa những người có cùng điều kiện về sức khỏe, trí tuệ thì phải có cơ hội ngang nhau trong việc tiếp cận các công việc không phân biệt đó là nam hay nữ. Xã hội muốn hướng tới thúc đẩy bình đẳng giới cần phải gạt được ra ngoài các tư tưởng “định kiến giới” về những việc phụ nữ hay đàn ông có thể làm. Các chuyên gia cũng cho biết thêm, thực tế ở Australia tuổi nghỉ hưu được quy định trong pháp luật là 70 tuổi và không phân biệt giới.

Từ đó có thể thấy một chính sách ngay từ khi ban hành đã đòi hỏi người soạn thảo phải hiểu rất rõ về khái niệm giới cũng như cách thức lồng ghép yếu tố giới trong văn bản sao cho phù hợp. Các chuyên gia nhận định “ranh giới” giữa chính sách hỗ trợ đối với phụ nữ sẽ là cần thiết ở giai đoạn đầu của tiến trình bình đẳng nhằm trao lại quyền tiếp cận cuộc sống cho họ. Tuy nhiên, khi bình đẳng giới đã đạt được tiến độ nhất định, các chính sách có thể dễ dàng chuyển biến thành rào cản và cần được rà soát liên tục để kịp thời điều chỉnh. Và quan trọng hơn hết, các nhà hoạch định chính sách cần phải trang bị đầy đủ kiến thức về bình đẳng giới và lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Hiểu và thực hiện đúng lồng ghép giới vào các chính sách pháp luật cần phải tiếp tục được quan tâm ở mọi cấp, mọi giới. Hoạt động này đang góp phần thúc đẩy nhanh tiến trình bình đẳng giới tại Việt Nam, dần tiến tới xóa bỏ các rào cản giữa nam giới và nữ giới, tiến tới bình đẳng giới thực chất đồng thời đảm bảo quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp và Pháp luật.

Nhóm cán bộ Dự án Aus4reform, Ban Pháp chế, VCCI