Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia: Có “lobby” chính sách của các doanh nghiệp?
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên cho rằng, Dự thảo luật phòng chống tác hại rượu, bia quá chung chung mà nguyên nhân không loại trừ có việc “lobby” chính sách.
Qua 2 nhiệm kỳ thảo luận tại Quốc hội, Bộ Y tế là đơn vị chủ trì xây dựng Dự thảo Luật, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, về độ chặt chẽ thì dự thảo luật này chỉ ở mức “trung bình hơi yếu”.
Theo bà Tiến, có những nước GDP rất cao, trong đó nguồn thu từ sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu rượu bia lớn nhưng đã xây dựng luật này 30 năm và đang tiến hành sửa đổi lần thứ 3 để siết chặt hơn quy định.
“Dự thảo Luật cố gắng tiếp nhận một cách hài hòa giữa sức khỏe, kinh tế xã hội. Luật này ra đời tiếp cận góc độ y tế nhiều hơn. Còn các mặt khác được chi phối ở các luật khác, có tính đồng bộ với luật hiện hành, quy định của quốc tế và có tính khả thi”, Bộ trưởng Tiến nói.
Nữ Bộ trưởng này tiếp thu ý kiến của đại biểu về việc xây dựng Luật dựa trên 3 nguyên tắc cơ bản mà quốc tế áp dụng là: giảm tính sẵn có (giờ bán, tuổi bán, địa điểm bán), tăng thuế tiêu thụ (giảm người uống, tăng nguồn thu ngân sách), quảng cáo.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, hạn chế rượu bia là một trong những biện pháp phòng chống các bệnh không lây nhiễm, làm tăng tuổi thọ của con người. “Tuổi thọ con người đáng lẽ về khoa học là có thể sống trên 150 - 200 tuổi nhưng tại sao bây giờ chỉ dưới ngưỡng 70 - 83 tuổi như một số nước phát triển? Đó là nguyên nhân chính”, Bộ trưởng đặt vấn đề.
Thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật do Bộ Y tế chủ trì soạn thảo chưa có chế tài nghiêm khắc để hạn chế tác hại rượu bia. Cụ thể, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên cho rằng, luật quá chung chung mà nguyên nhân là do việc “lobby” chính sách của các doanh nghiệp.
Trước vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ, có nhiều ý kiến gửi đến Bộ Y tế và cho rằng Bộ đang “mềm yếu” trước các tác động của doanh nghiệp mà không giữ được tính nghiêm khắc của Luật như dự thảo ban đầu.
“Tôi khẳng định, Ban soạn thảo rất muốn có những quy định nghiêm minh như góp ý của đại biểu”, bà Tiến nói.
Liên quan tới vấn đề nguồn lực, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết đơn vị này đã làm tốt công tác quản lý tài sản công và không đưa vào thành lập quỹ, không trích quỹ. Tuy nhiên, với con số 1 năm cấp cho cả nước 700 triệu đồng để tập huấn, truyền thông tác hại của thuốc lá, rượu vang... như hiện nay thì dự thảo luật ban hành sẽ không khả thi.
“Chúng tôi mong muốn tới đây Quốc hội sẽ thông qua để cho phép phép trích % trong ngân sách, tạo nguồn lực thực sự và chương trình mục tiêu giúp Luật này thực sự có hiệu quả. Bởi, khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ rượu bia thì cũng góp phần tăng thu ngân sách”, nữ Bộ trưởng cho hay.
Liên quan tới tên gọi của Dự án là “Luật phòng, chống tác hại rượu bia”, có nhiều ý kiến chưa đồng tình với tên gọi này và có góp ý thay đổi câu từ của Luật. Do đó, đề xuất đổi thành “Luật Kiểm soát rượu bia”.
Bộ trưởng Tiến cho rằng, qua phân tích, ban soạn thảo mong muốn được giữ tên đang sử dụng bởi tên gọi này đơn giản, dễ hiểu. Bên cạnh đó, phạm vi của luật là phòng, chống tác hại của rượu bia chứ không đả động tới văn hóa của rượu bia hiện nay. Bộ trưởng Tiến cũng lý giải, trong tiếng Anh hay sử dụng từ "kiểm soát" nhưng khi dịch sang tiếng Việt hầu hết dùng từ “phòng, chống”. “Nước ngoài dùng từ kiểm soát dịch bệnh nhưng Việt Nam nói thế người dân không hiểu, phải dùng từ phòng, chống dịch bệnh. Đó là ngôn ngữ dịch sang làm sao cho dễ hiểu”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm