“Phập phù” quy hoạch điện
Chính phủ đang giao Bộ Công Thương chuẩn bị xây dựng quy hoạch điện VIII. DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) xung quanh vấn đề này.
Theo ông Trần Viết Ngãi, ngay sơ đồ điện VII hiện tại triển khai còn chậm, không đúng lộ trình, không đạt mục tiêu, chứ chưa bàn đến quy hoạch điện VIII.
- Ông có thể đưa ra đánh giá cụ thể hơn về quy hoạch điện VII hiện nay?
Tôi đưa ra một vài con số chứng minh sơ đồ điện VII không đạt mục tiêu. Cụ thể, đến năm 2020 phải đạt trên 260 tỷ kW, năm 2025 đạt 270 tỷ kW và đến 2030 đạt 571 tỷ kW. Nhưng hiện tại, năm 2018 mới đạt 121,5 tỷ kW, con số này rất thấp.
- Nguyên nhân triển khai chậm bắt nguồn từ đâu, thưa ông?
Ở đây có 3 lý do gây chậm. Thứ nhất, thiếu vốn để triển khai dự án. Thứ hai, giá năng lượng thấp, không thu hút được các nhà đầu tư. Thứ ba, thủ tục rườm rà, xin đầu tư một dự án mất rất nhiều thời gian, phê duyệt của bước chuẩn bị đầu tư dự án cũng mất vài năm.
Tôi lấy ví dụ, dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Vũng Áng - Dốc Sói - Pleiku chỉ hơn 100 km chuẩn bị đầu tư khoảng 4 đến 5 năm nay đến bây giờ chưa khởi công xây dựng được. Trong khi đường dây 500 kV trước đây dài trên 1.500 km chỉ làm hơn 2 năm đã hoàn thành.
Tại sao lại như vậy? Vấn đề ở đây là do con người quyết định, con người có bản lĩnh, có ý chí, quyết tâm và có cơ chế chính sách đầy đủ thì sẽ tháo gỡ được mọi khó khăn. Làm đúng thì khen, làm sai thì phạt, còn bây giờ đúng cũng không khen, sai cũng không chê, chậm bao nhiêu cũng mặc kệ. Theo tôi ở đây thể hiện sự vô trách nhiệm và còn kéo dài tình trạng này thì đến 2020 sơ đồ điện VII điều chỉnh vẫn không đạt được chứ chưa nói đến sơ đồ VIII.
- Điều này sẽ dẫn đến việc Việt Nam thiếu điện là hệ quả tất yếu, thưa ông?
Trong những tháng vừa qua, tại miền Bắc và miền Trung đã có dấu hiệu thiếu điện do hạn hán, gay gắt nhất là tại miền Trung. Các hồ thủy điện A Vương, Hàm Thuận, Đa Mi, Sê San, Sông Hinh… nước cạn hơn dưới mực nước chết và không thể phát điện. Lúc này các nhà máy nhiệt điện phía Bắc phải phát hết công suất và dẫn đến câu chuyện thiếu than.
Tại Hội nghị về công tác cung ứng than cho sản xuất điện ngày 12/12, Phó Thủ tướng Trình Đình Dũng nhìn nhận: “Nguy cơ thiếu điện là rất cao trong thời gian tới nếu không quyết liệt tập trung phát triển nguồn điện, tháo gỡ khó khăn cho các dự án nguồn điện, bảo đảm đầu vào cho sản xuất điện.
Vừa qua, có thông tin năm 2019 có nguy cơ thiếu điện, EVN trả lời sẽ khắc phục thiếu điện bằng cách huy động nhiệt điện chạy bằng dầu, khoảng 3.000 KW tại Ô Môn, chạy dầu bù cho việc thiếu khí tại Phú Mỹ, Nhơn Trạch và Cà Mau. Tuy nhiên, chạy bằng dầu giá thành rất cao và phát điện như vậy thì EVN chắc chắn sẽ bị thua lỗ.
- Vậy bài toán nguyên liệu cho các nhà máy điện cần phải giải quyết như thế nào, thưa ông?
Bài toán cân đối giữa than trong nước và nhập khẩu phải tính toán ngay từ bây giờ - tính cho cả năm 2019, dự trữ cho 2020 và tính lâu dài cho 2030 theo một chiến lược dài hạn. Đây là bài toán năng lượng, trong đó có khí và than.
Hiện tại khí đồng hành cũng sắp hết, chỉ có mỏ khí Cá Voi Xanh ở Quảng Ngãi là một mỏ khí lớn mới tìm ra. Trước đây chúng ta liên doanh với hãng Exxon Mobil của Mỹ để đầu tư nhưng hiện nay hãng này không đầu tư.
Vấn đề bây giờ liên doanh với ai để khai thác mỏ khí đó cũng có thể đưa khí vào bờ thêm khoảng 3.000 - 4.000 MW khí. Nhưng câu chuyện này cũng còn rất dài. Hay khí lô B - Ô Môn cũng không có, trước đây dự kiến đến năm 2017 -2018 phải xong, nhưng đến nay không thấy tăm hơi đâu cả. Một loạt vấn đề đặt ra cho sơ đồ điện VII đến nay không thực hiện được cái gì, kể cả ngành điện, ngành than, ngành khí đều rất “chới với”.
- Theo ông, trong quy hoạch sơ đồ điện VIII cần quan tâm đến vấn đề gì?
Theo dự kiến của Viện năng lượng, sơ đồ điện VIII đến năm 2040, tổng công suất toàn hệ thống điện Việt Nam khi đó khoảng 280.000 MW, điện lượng sản xuất khoảng 800.000 – 900.000 tỷ kW. Đến năm 2050 công suất điện cả hệ thống đạt 600.000 – 700.000 MW, điện lượng phát ra khoảng 1 triệu 350 tỷ kW. Mặc dù chỉ là dự báo nhưng cũng phải tính toán tốc độ phát triển kinh tế - xã hội từng năm như thế nào cho tới năm 2040 – 2050, yêu cầu năng lượng như thế nào để cân đối. Nhưng cần phải tính đến bài toán dự phòng, năng lượng Việt Nam hiện nay vận hành đang còn thiếu mà lại không có dự phòng. Muốn có một hệ thống năng lượng bền vững thì phải có dự phòng, mức thấp thì 15%, mức cao có thể 30 – 40%.
- Thưa ông, trong quy hoạch điện có tính tới vai trò của năng lượng tái tạo hay không?
Năng lượng tái tạo luôn được khuyến khích phát triển, nhưng hiệu quả năng lượng tái tạo chỉ có tác dụng hỗ trợ, bù đắp, bổ sung chứ không thay thế được năng lượng truyền thống. Nhưng ngành năng lượng hay ngành điện biết khai thác tối ưu hiệu quả để giảm bớt nhiên liệu năng lượng truyền thống thì rất tốt. Ví dụ, một ngày phát điện 3 tiếng của năng lượng mặt trời hoặc gió thì sẽ giảm đi 3 tiếng sử dụng than và khí. Tuy nhiên, việc giảm có đồng bộ như đóng ngắt cầu dao, vận hành lò, vận hành nhà máy… thì mới xử lý được câu chuyện kết hợp giữa năng lượng tái tạo với năng lượng truyền thống.
- Xin cảm ơn ông!