Khuất tất sau bản án của VNECO: Phán quyết của tòa không phù hợp
Đó là khẳng định của luật sư Lê Ngô Hoài Phong, Trưởng VPLS Phạm và Liên danh Chi nhánh Đà Nẵng khẳng định phán quyết của Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm liên quan đến VNECO là không phù hợp.
Đưa ra lập luận, dẫn chứng chứng minh về vụ việc “Buộc TCty Cổ phần Xây dựng Điện Việt Nam-VNECO phải hoàn trả lại số tiền 200.000.000.000 (hai trăm tỷ) đồng được xác định là vật chứng vụ án, cho Ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam”, LS Phong cho rằng VNECO là bên thứ ba ngay tình giao dịch với bà Ngô Kim Huệ được chứng minh như sau:
Thứ nhất, giao dịch thực hiện giữ VNECO và bà Ngô Kim Huệ là giao dịch hợp pháp. Theo đó, VNECO đầu tư vào dự án Khu phức hợp cao tầng thông qua Hợp đồng Hợp tác (HĐHT) đầu tư đúng theo quy định của pháp luật. Theo Hợp đồng VNECO đã thực hiện xong phần nghĩa vụ của mình là góp 321,75 tỷ đồng vào Dự án từ ngày 22/10/2007 đến ngày 7/11/2007 có chứng từ chứng minh cụ thể. Nhưng do bà Ngô Kim Huệ không thực hiện đúng và đầy đủ phần nghĩa vụ của mình theo HĐHT đầu tư đã ký kết trước đó nên 02 bên đã thống nhất thanh lý hợp đồng và bà Huệ phải hoàn trả lại cho VNECO khoản tiền đã đầu tư cộng với khoản tiền lãi phát sinh tổng cộng là 400 tỷ đồng.
Thứ hai, khoản tiền mà VNECO nhận lại từ bà Huệ là phần nghĩa vụ theo quy định của pháp luật mà bà Huệ phải thực hiện với VNECO, có nguồn gốc ban đầu là tiền của VNECO đã chuyển cho bà Huệ để thực hiện theo nội dung hợp đồng hai bên đã ký kết. Tại thời điểm thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật là nhận lại khoản tiền đã đầu tư, VNECO không biết, và pháp luật không buộc phải biết nó là khoản tiền có nguồn gốc như thế nào.
Có thể bạn quan tâm
Phía sau bản án của VNECO Kỳ 1: Tòa án tuyên thu hồi theo “dấu vết’ chuyển khoản
11:01, 23/12/2018
Phong tỏa hàng chục chứng khoán liên quan vụ Hứa Thị Phấn
11:44, 30/01/2018
Hơn nữa, LS Phong cho rằng tòa án xử lý vật chứng không đúng nguyên tắc của pháp luật hình sự, cụ thể: Căn cứ Điều 90 BLTTHS 2015, vật chứng phải được bảo quản nguyên vẹn, không để mất mát, lẫn lộn, hư hỏng. Vật chứng được xác định có thể là tiền, trong đó khoản tiền này có giá trị chứng minh tội phạm hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.
Cũng theo Điều 90, vật chứng phải được bảo quản nguyên vẹn, không mất mát, lẫn lộn, hư hỏng. Đối với vật chứng là tiền, việc bảo quản phải được giám định ngay sau khi thu thập và phải chuyển ngay để bảo quản tại Kho bạc Nhà nước hoặc cơ quan chuyên trách.
Trong vụ việc này, TAND TP. Hồ Chí Minh có quyết định xử lý vật chứng ở đây là khoản tiền 200 tỷ mà bà Ngô Kim Huệ đã chuyển cho VNECO, điều này không hợp lý bởi: Giao dịch giữa bà Huệ và VNECO với số tiền 200 tỷ đồng đã thực hiện và hoàn tất vào năm 2011 trên tinh thần là một giao dịch dân sự hợp pháp. Sau khi nhận được số tiền trên, Công ty VNECO đã sử dụng để thanh toán nhiều khoản chi phí khác nhau. Vì vậy, việc thu thập đủ 200 tỷ đồng trên để phục vụ trong việc giải quyết vụ án không thể thực hiện được và không bảo đảm yếu tố “bảo quản nguyên vẹn, không mất mát, nhầm lẫn”.
Do đó, khoản tiền 200 tỷ đồng tại thời điểm hiện tại nếu VNECO thực hiện hoàn trả cũng không phải là vật chứng theo quy định của pháp luật. Bởi đến thời điểm hiện tại, VNECO đã không còn giữ khoản tiền này nguyên vẹn theo quy định tại Điều 90 BLTTHS nữa mà nó đã thuộc về những chủ sở hữu khác. Nếu phải thực hiện nghĩa vụ liên quan đến xử lý vật chứng thì phải truy tìm đúng các chủ sở hữu đang nắm giữ khoản tiền đó.
Theo đó, LS Phong kiến nghị để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, VNECO nên làm đơn khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm - đề nghị Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao xem xét kháng nghị bản án.