ĐBQH Trần Văn Lâm: Tư nhân “không kém” FDI hay DNNN nếu được trao cơ hội
Ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội chia sẻ với báo Diễn đàn Doanh nghiệp về cơ hội của doanh nghiệp tư nhân trong dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).
- Có nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua, chính sách đầu tư công có cởi mở hơn, nhưng khâu thực thi còn chưa thông thoáng. Ông đánh giá thế nào về nhận xét này?
Vấn đề chưa “thông thoáng” ở đây là việc thiếu dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan trong lựa chọn quyết định nhà đầu tư. Từ đây không loại trừ tình huống thông thầu, hoặc bằng mọi cách “ép” để lựa chọn ra một số nhà thầu gần như chỉ định, mặc dù có thông báo đấu thầu công khai. Hay khi trình hồ sơ đấu thầu chỉ có một nhà đầu tư duy nhất đăng ký, nên phải quay về “chỉ định thầu” theo quy định của luật. Đây là nhược điểm của Luật Đầu tư công, thời gian tới cần phải khắc phục thì mời thu hút được các nhà đầu tư. Vì bản chất của việc thu hút nhà đầu tư vào đầu tư công là phải minh bạch, công khai, dân chủ, khách quan để bình đẳng giữa tất cả các doanh nghiệp tham gia đấu thầu các dự án trong PPP như BOT, BT...
Có thể bạn quan tâm
Đại biểu Quốc hội bàn giải pháp xử lý nợ BHXH
15:52, 24/05/2019
EVN khẳng định đang làm đúng lộ trình tăng giá, các đại biểu Quốc hội nói không
18:09, 22/05/2019
Đại biểu quốc hội đề xuất có thể bỏ thi Trung học phổ thông
11:22, 21/05/2019
- Nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam từng khẳng định, họ có thể làm và thậm chí làm tốt các dự án lớn của đất nước. Tuy nhiên, khát vọng đó vẫn chưa có cơ hội vì hàng rào thủ tục vẫn còn quá cao đối với họ. Ông đánh giá thế nào về thực tế này?
Chính sách đã có, nhưng điểm vướng là ở khâu tổ chức thực hiện, chưa minh bạch, dẫn đến thiếu tính cạnh tranh sòng phẳng trong vấn đề lựa chọn nhà đầu tư. Những doanh nghiệp nào làm “không đúng ý” lựa chọn của cơ quan được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư, thì không thể tham gia vào quá trình đấu thầu, thậm chí bị đánh bật ra ngay từ vòng ngoài. Do đó, yếu tố mấu chốt vẫn là khâu triển khai thực hiện, như minh bạch, công khai, khách quan, dân chủ.
-Vậy, ông có kiến nghị sửa đổi gì cho Luật Đầu tư công (sửa đổi) lần này, để các doanh nghiệp tư nhân có thêm nhiều cơ hội được tham gia, thậm chí có thể “chơi” một cách sòng phẳng với tất cả các loại hình doanh khác?
Theo đánh giá của tôi, nếu để làm một cách sòng phẳng thì doanh nghiệp tư nhân chắc chắn sẽ làm tốt, thậm chí họ còn làm tốt hơn cả doanh nghiệp FDI hay DNNN, nếu có tiềm lực tiếp cận gần tương đương. Với câu hỏi làm thế nào để các doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia đầu tư vào các dự án công, mấu chốt bây giờ phải tìm đến thước đo bình đẳng giữa các doanh nghiệp, không có chuyện cảm tính trong lựa chọn, mà phải xây dựng được các hệ tiêu chí, tiêu chuẩn và công khai minh bạch hết ra. Các tiêu chí này phải ổn định, chứ không thể với công trình này thì đặt ra tiêu chí này, với công trình khác lại có tiêu chí khác để theo ý đồ riêng của cơ quan được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư.
-Xin cảm ơn ông!
Phân cấp phải đi đôi phân quyền
Khi sửa Luật Đầu tư công, một trong những lý do được nêu là quá trình đầu tư thời gian vừa qua chậm trễ, vướng nhiều thủ tục, do nhiều nguyên nhân trong đó có việc chưa phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, tinh thần phân cấp mạnh hơn, gắn với phân quyền nhiều hơn cho chính quyền địa phương, thay tiền kiểm bằng hậu kiểm chưa được thể hiện trong dự thảo luật và vẫn còn nhiều thủ tục, quy trình. Tôi đề nghị việc sửa đổi luật phải đúng tinh thần đã trình ra là phân cấp đi đôi với phân quyền nhiều hơn cho chính quyền địa phương, thay tiền kiểm bằng hậu kiểm và gắn trách nhiệm của địa phương vào. Như vậy thì mới bớt thủ tục hành chính, bớt chuyện xin cho, rút ngắn thời gian thực hiện dự án.
Không lo địa phương sử dụng sai đầu tư công
Dù dự thảo luật đã thể hiện được phần nào tinh thần phân cấp, song vẫn chưa thể hiện hết và đâu đó vẫn dai dẳng chuyện muốn giữ lại một chút gì đó về thẩm quyền của các cơ quan. Không nên lo chính quyền địa phương sẽ sử dụng không tốt đầu tư công, bởi chính quyền địa phương cũng phải chịu trách nhiệm trước dân, trước Đảng và trước sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc ra quyết định cũng có cả bộ máy để giúp việc, cùng với sự tham gia của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, mặt trận tổ quốc…