"Gỡ vướng" để Luật Hỗ trợ DNNVV đi vào cuộc sống

Hà Phương 18/12/2019 11:50

Gần 2 năm Luật Hỗ trợ doanh nghiệp Nhỏ và Vừa (DNNVV) đi vào cuộc sống nhưng vẫn còn rất nhiều vướng mắt liên quan đến thể chế, chính sách tín dụng, đất đai và công nghệ…

Vậy gỡ vướng thế nào? Đây là Diễn đàn được tổ chức thường niên, do Hiệp hội DNNVV Việt Nam chủ trì, phối hợp với 28 Hiệp hội doanh nghiệp khu vực phía Bắc tổ chức...

Diễn đàn lấy ý kiến bổ sung để Luật Hỗ trợ DNNVV đi vào cuộc sống tại Phú Thọ ngày 18/12/2019

Diễn đàn lấy ý kiến bổ sung để Luật Hỗ trợ DNNVV đi vào cuộc sống tại Phú Thọ ngày 18/12/2019

Vẫn vướng về thể chế

Tiến sĩ Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký DNNVV, cho biết trong giai đoạn 2011 – 2020, khu vực kinh tế tư nhân nói chung và SME nói riêng có tốc độ phát triển nhanh hơn các thành phần kinh tế khác, chiếm tỷ trọng cao trong GDP cả nước. Kinh tế tư nhân cũng chiếm 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, gần 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ, 64% tổng lượng hàng hóa và 100% giá trị sản lượng hàng hóa vận chuyển. 

Đặc biệt, khu vực kinh tế tư nhân và DNNVV thu hút khoảng gần 85% lực lượng lao động cả nước, hàng năm và tạo ra khoảng trên 1 triệu việc làm cho người lao động. Thực tế khách quan là khu vực DNNVV có xuất phát điểm chậm hơn so với nhiều nước trên thế giới, theo đó các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy cho hệ thông liên kết kinh doanh, và hệ thống sinh thái khởi nghiệp chậm được hình thành là nhân tố cản trở khu vực SME phát triển.

Theo ông Nam những điểm tồn tại hạn chế tác động không tốt đến phát triển khu vực này. Trong đó, đầu tiên phải kể đến là việc chưa tạo được thể chế thu hút nguồn vốn tư nhân theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Hệ thống thông tin về đầu tư sử dụng vốn nhà nước bao gồm cơ sở dữ liệu về các dự án đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước, hỗ trợ phát triển chính thức ODA, trái phiếu Chính phủ... chưa được triển khai thống nhất trên toàn quốc, chưa đảm bảo được thông tin minh bạch theo yêu cầu do đó làm hạn chế đi tính giám sát của toàn xã hội, đồng thời làm hạn chế việc lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư tiềm năng.

Trình độ công nghệ của còn thấp đặc biệt trong khu vực doanh nghiệp SME, tỷ lệ này là 10% tiên tiến, 38% trung bình, 52% lạc hậu và rất lạc hậu. Nguồn vốn đầu tư cho đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp còn rất thấp, chỉ chiếm khoảng 0,2-0,3% doanh thu.

Ông Nguyễn Xuân Dương- Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Hưng Yên cho biết, sự cố gắng của các doanh nghiệp ngành Dệt may Việt Nam lúc này chỉ là đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị theo hướng hiện đại tiên tiến, đào tạo nâng cao tay nghề cho nguồn nhân lực để tăng năng suất lao động. Nhưng sự cố gắng này chỉ có thể tăng năng suất thêm từ 5 – 7%/ năm (chưa đủ bù cho việc tăng lương tối thiểu hàng năm).

Gỡ vướng thế nào?

Ông Nguyễn Đức Kiên-Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính Phủ cho biết, Luật Hỗ trợ DNNVV được thiết kế với nhiều công cụ hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân và SME rất mạnh mẽ và  được kỳ vọng sẽ làm thay đổi nhanh chóng diện mạo của các doanh nghiệp theo hướng tích cực. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm thực thi, chúng ta chủ yếu vẫn mới thực hiện được phần thể chế Luật bằng các nghị định, nghị quyết,  thông tư, quyết định và tập huấn, tuyên truyền, xây dựng các đề án triển khai chương trình hỗ trợ. Trong giai đoạn tới cần tập trung, ưu tiên tháo gỡ giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế đến phát triển kinh khu vực này.

Đặc biệt, Nhà nước cần tạo lập môi trường cạnh tranh minh bạch, bình đẳng về thực chất không phân biệt loại hình sở hữu và tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân tham gia thị trường và rút khỏi thị trường phù hợp với quy luật khách quan của kinh tế thị trường, phù hợp với thông lệ và luật pháp quốc tế.

Đồng thời, gắn với tiến trình đổi mới thể chế để giải quyết bốn vấn đề chính yếu về thể chế kinh tế cho kinh tế tư nhân là: Sự thiếu đảm bảo các quyền sở hữu tài sản của doanh nghiệp. Tồn tại nhiều rào cản gia nhập thị trường. Trật tự và kỷ luật thị trường phải được đảm bảo và chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân phải căn cứ vào nhu cầu của các  doanh nghiệp là chính.

Nguyễn Mạnh Thản-Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Phú Thọ về việc hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị cần sớm được triển khai thực hiện theo các Điều 16 đến Điều 19 Luật Hỗ trợ DNNVV. Tuy nhiên hiện nay, việc chuyển đổi từ hộ sản xuất kinh doanh cá thể sang mô hình doanh nghiệp trong tỉnh chưa nhiều. Quá trình chuyển đổi này nếu không tạo thuận lợi và mang lại hiệu quả tốt hơn cho hộ sản xuất thì có nghĩa là cơ chế, chính sách, chưa phù hợp. 

Theo chúng tôi, một trong những lý do ấy là chính sách thuế. Bây giờ đang có mấy mức thuế cho người kinh doanh: Thuế VAT thuế suất 10%, thuế bán hàng trực tiếp thuế suất 5%, hộ kinh doanh có khi chỉ nộp thuế môn bài, nộp thuế theo mức khoán rất thấp, hoặc chỉ nộp lệ phí chợ, thậm chí không nộp thuế. Nếu tính thuế vào giá thành sản phẩm, dịch vụ thì lợi thế cạnh tranh sẽ thuộc về người trốn thuế hoặc nộp thuế ít… 

Bà Phạm Thị Hồng Thủy-Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc để thực hiện có hiệu quả Luật Hỗ trợ DNNVV cần có các cơ chế chính sách của từng tỉnh về hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp. Có cơ chế chính sách cho doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cần được nguồn vốn tín dụng, tiếp cận được đất đai để hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đồng thời chính sách tín dụng  hỗ trợ mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, hỗ trợ khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; chính sách xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường; Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất sản xuất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp và áp dụng thời hạn thanh toán tiền thuê đất linh hoạt, phù hợp với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp… Có như vậy Luật mới thực sự đi vào cuộc sống của doanh nghiệp được thiết thực hơn, bà Thuỷ nhấn mạnh...

Hà Phương