Khơi mở “cửa ngõ phương Đông”

Nguyễn Long 28/04/2018 07:02

Với doanh nhân Trần Văn Minh – Chủ tịch HĐQT CTCP Thanh Long, việc mở lại tuyến đường sắt giữa 7 nước bắt đầu từ Việt Nam và kết thúc lại Ba Lan là hoài bão khơi mở “cửa ngõ phương Đông”.

Giúp thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam xuất sang các nước ở hai châu lục.Dự kiến trong tháng 4 này, CTCP Thanh Long Đông Phương và Cty Bạch Long sẽ ký kết hợp tác với Tổng cục Đường sắt Việt Nam cùng liên kết mở lại tuyến đường sắt giữa các nước Việt Nam - Mông Cổ - Nga - Ba Lan - CH Séc - Uzbekistan - Đức.

- Mục đích của việc mở tuyến đường này là gì, thưa ông?

Xuất phát điểm ban đầu của con đường này là tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Mông Cổ, cụ thể là trong lĩnh vực khoáng sản. Tuy nhiên, khi con đường này chạy qua các nước khác, nó còn mang những tiềm năng to lớn hơn.

Cụ thể, khi hàng nông sản Việt Nam xuất sang Mông Cổ, xuất sang Châu Âu qua con đường này thì các luồng công nghệ mới của Châu Âu như ngành công nghệ tái chế rác, đo lường, công nghiệp thuỷ tinh sẽ được đưa về Việt Nam. Bên cạnh đó, nhập khoáng sản từ Mông Cổ về Việt Nam cũng là một. Trữ lượng trong nước hiện đang giảm dần và trong tương lai sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước. Chính vì vậy nếu vận chuyển được khoáng sản về Việt Nam sẽ đảm bảo cho cung cầu trong trong nước.

Việc Bạch Long và CTCP Thanh Long Đông Phương sẽ cùng ký kết hợp tác với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam mở lại tuyến đường sắt sẽ tạo ra luồng giao lưu hàng hóa mới bên cạnh hỗ trợ cho đối tác giữa CH Séc và Việt Nam, Mông Cổ và Việt Nam, giúp giảm giá thành trong vận chuyển và đảm bảo an toàn chất lượng hàng hoá. Nhưng điều quan trọng nhất là nó sẽ hỗ trợ tương tác trong hoạt động thương mại và kết nối giữa các quốc gia Việt Nam – Mông Cổ – châu Âu.

- Thưa ông, từ đâu ông có ý tưởng về một tuyến đường sắt nối liền hai châu lục này?

Ý tưởng thực hiện dự án này bắt đầu và được củng cố từ khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) có hiệu lực từ tháng 10/2016, trong đó sẽ cắt giảm 90% dòng thuế hàng hóa giữa Việt Nam với các quốc gia trong liên minh.

Tuyến đường sắt giữa các nước Việt Nam - Mông Cổ - Nga - Ba Lan - CH Séc - Uzbekistan - Đức sẽ tạo ra luồng giao lưu hàng hóa, văn hóa giữa Việt Nam và các đối tác.

Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam B. Zhumakhanov đã rất tích cực trong việc vận động để khơi thông tuyến đường sắt liên vận quốc tế Á-Âu nối Hà Nội (Việt Nam), qua Trung Quốc đến Kazakhstan và các nước vùng Viễn Đông.

Ông đã nhiều lần nhắc đến việc vận chuyển container qua kênh đường sắt từ Hà Nội qua cửa khẩu Lào Cai đến Côn Minh -Nam Ninh (Trung Quốc) rồi đi Kazakhstan chỉ mất 18-20 ngày so với 40-45 ngày nếu đi bằng đường biển, góp phần gia tăng lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa khi được vận chuyển trên tuyến đường sắt này.

Dựa trên những cơ sở đó, chúng tôi mong muốn mở ra một tuyến giao thương đường sắt xuất phát từ Việt Nam qua các Trung Quốc tới Nga và các nước châu Âu, mở ra “cửa ngõ phương Đông” đưa hàng hóa của Việt Nam xuất sang Mông Cổ, Nga, CH Séc…

- Thực tế, dự án đường sắt này đã được triển khai từ lâu nhưng nó vẫn chưa thực sự đi vào hoạt động. Vướng mắc ở đây là gì chưa ông?

Hiện nay, khó khăn trước mắt nằm ở khẩu đàm phán với các quốc gia Mông Cổ, Trung Quốc và Nga. Tính đến thời điểm hiện tại, tình hình đã trở nên khả quan do Việt Nam sẽ được ưu đãi về giá cả vận tải theo Hiệp định. Nhưng khó khăn về vấn đề hải quan, thuế quan, các thủ tục hành chính giữa các nước đang cần phải được làm rõ hơn trong tương lai.

- Tuyến đường sắt này dự kiến sẽ kết nối 7 nước với nhau không chỉ có Mông Cổ, vậy còn những thị trường tiềm năng nào cho doanh nghiệp nước ta?

Từ góc nhìn cá nhân, tôi cho rằng, CH Séc cũng là một thị trường mới với doanh nghiệp Việt. Với mối quan hệ hai nước đang rất tốt đẹp sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nhiều cơ hội giao thương.

Vừa qua, tại Hội thảo doanh nghiệp CH Séc và Việt Nam, ngân hàng đầu tư xuất khẩu CH Séc cho biết rất sẵn sàng hỗ trợ vay vốn cho doanh nghiệp Việt Nam nếu liên doanh với doanh nghiệp CH Séc. Doanh nghiệp Việt Nam nếu như muốn mua hàng công nghiệp của CH Séc để xây dựng các nhà máy, các cơ sở sản xuất, chỉ cần mua 51% sẽ được ngân hàng hỗ trợ cho 49%. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng những chính sách hoàn trả lại theo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, tuỳ theo các công trình. Như vậy sẽ tăng sự kích cầu giữa hai bên.

- Ông đang có kỳ vọng lớn vào con đường sắt này?
Bạn nhớ câu chuyện về "Con đường Tơ lụa" chứ? Đó là một huyền thoại không chỉ đơn thuần là huyết mạch thông thương buôn bán của những "thương nhân lạc đà" mà còn là một hành trình văn hóa đa dạng được hòa trộn. Chúng tôi không giấu diếm kỳ vọng con đường sắt này cũng mang ý nghĩa kết nối nhiều phương diện như vậy.
Khi con đường này được mở ra sẽ không chỉ mang ý nghĩa về kinh tế, mà còn giúp các doanh nghiệp tại các quốc gia đang phát triển có cơ hội được quảng bá hình ảnh, sản phẩm của mình; đồng thời chia sẻ văn hóa doanh nhân mang đậm tính châu Á - chia sẻ - kết nối - cùng nhau phát triển.

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Long