2 tỷ USD “lơ lửng” và câu chuyện nâng giá trị của con tôm Việt

Lê Sáng 25/12/2018 06:56

Với mục tiêu được Thủ tướng “đặt hàng” là doanh thu xuất khẩu tôm đến năm 2025 đạt 10 tỷ USD thì ước tính sẽ có đến 2 tỷ USD “lơ lửng" trôi mất theo phụ phẩm của con tôm mỗi năm.

Để thực hiện được mục tiêu doanh thu xuất khẩu đạt 10 tỷ USD trước năm 2025 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ thì ngành tôm Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức, trong đó một thách thức lớn và cần được giải quyết nhanh chóng để ‘thông đầu” cho chuỗi giá trị của con tôm Việt chính là việc có giải pháp tối ưu để xử lý phụ phẩm tôm. Đây hiện được đánh giá là là khâu yếu nhất và đang “bỏ đi” nhiều giá trị lớn.

Theo đó, với 10 tỷ USD doanh thu xuất khẩu thì đến năm 2025 ước tính cả nước sẽ có khoảng hơn 500.000 tấn phụ phẩm tôm do tùy thuộc vào loại tôm và yêu cầu chế biến, tỷ lệ phụ phẩm tôm chiếm trung bình 35% - 45% trọng lượng đầu vào. Tuy nhiên thực trạng đáng lo ngại được nhiều báo cáo và các chuyên gia chỉ ra là hiện Việt Nam mới chỉ có khoảng dưới 10% phụ phẩm tôm được xử lý để tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng còn lại phần lớn là xả bỏ hoặc xử lý thiếu định hướng.

Về vấn đề này, ông Phan Thanh Lộc, Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Việt Nam Food (VNF) cho rằng, với hơn 500.000 tấn phụ phẩm tôm mỗi năm cộng với trình độ công nghệ tiên tiến, thế giới họ có thể tạo ra đến gần 2 tỷ USD doanh thu. Tuy nhiên với khả năng của Việt Nam hiện nay chỉ có thể tạo ra khoảng xấp xỉ 300 triệu USD từ việc sản xuất chitin và bột tôm. Nguyên nhân chính của tình trạng này là khoảng cách về công nghệ, máy móc thiết bị, khả năng phát triển ứng dụng cũng như chiến lược thương mại hóa chưa chưa đồng bộ trong việc xử lý phụ phẩm tôm.

Xử lý phụ phẩm vẫn là khâu yếu trong chuỗi giá trị sản xuất của con tôm Việt

Xử lý phụ phẩm vẫn là khâu yếu trong chuỗi giá trị sản xuất của con tôm Việt

Cũng theo ông Lộc, phân khúc phụ phẩm là một ngành mới phát triển hoàn toàn tự phát chủ yếu do các hộ gia đình quy mô nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu dẫn đến sản phẩm đầu ra có giá trị thấp và phần lớn trường hợp việc xử lý môi trường không bài bản và chưa triệt để.

Trong khi đó, theo nghiên cứu thì phụ phẩm tôm chứa nhiều dưỡng chất như đạm, khoáng, chitin, béo… có thể tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng cao như acid amine, peptites, chitosan, glucosamine, astaxanthin… ứng dụng trong rất nhiều ngành công nghiệp. Nếu được đầu tư công nghệ hợp lý, các sản phẩm đầu ra có giá trị tăng vọt rất nhiều so với đầu vào.

Tiềm năng của phế phẩm tôm là rất lớn

Tiềm năng của phế phẩm tôm là rất lớn

Nhìn ra kinh nghiệm quốc tế thì sự thành công của Iceland là một bài học rất thành công về phát triển phụ phẩm cá tuyết. Ngành thủy sản Iceland chiếm tỷ trọng lớn trong đó cá tuyết là sản phẩm chủ lực, trong 30 năm chính phủ Iceland đ  thành công tăng trưởng ngành cá tuyết từ 180.000 tấn lên đến 470.000 tấn. Tuy nhiên do nguồn cá cạn kiệt dần, từ năm 2008, Iceland giảm hạn mức đánh bắt chỉ còn 130.000 tấn/năm để bảo tồn môi trường. Mặt khác, Iceland cũng nhận thấy chi phí xử lý phụ phẩm cao, các sản phẩm tạo ra giá trị thấp. Iceland thay đổi nhận thức và cách tiếp cận theo từng bước từ phân tích thành phần dưỡng chất có trong phụ phẩm đến nghiên cứu phát triển sản phẩm từ nhu cầu thị trường và chính phủ trực tiếp hổ trợ các dự án nghiên cứu sản xuất và tạo liên kết các bên có liên quan trong chuỗi giá trị. Kết quả Iceland có thể sử dụng đến 95% khối lượng đầu vào, tạo ra hơn 47.000 tấn sản phẩm mới, và tạo ra ngành phụ phẩm với giá trị vượt trội. 

Có thể bạn quan tâm

  • Ngành tôm nỗ lực về đích

    Ngành tôm nỗ lực về đích

    14:49, 30/10/2018

  • Châu Á sẽ là thị trường tiêu thụ mới nổi của ngành tôm Việt Nam

    Châu Á sẽ là thị trường tiêu thụ mới nổi của ngành tôm Việt Nam

    02:21, 30/08/2017

  • Xuất khẩu thuỷ sản

    Xuất khẩu thuỷ sản "cán đích" 9 tỷ USD

    15:30, 24/12/2018

  • Thị trường thủy sản nội địa: “Ta làm khó mình”!

    Thị trường thủy sản nội địa: “Ta làm khó mình”!

    05:00, 23/12/2018

Với Việt Nam, ông Phan Thanh Lộc, PCT HĐQT Công ty Việt Nam Food, một doanh nghiệp có quy mô và tiềm lực đang tham gia vào lĩnh vực phụ phẩm tôm cho rằng, Chính phủ cần sớm có giải pháp để liên kết toàn chuỗi giá trị tôm, bảo đảm phát triển đồng bộ và bền vững và xác định phát triển phụ phẩm như là một ngành mũi nhọn mới với định hướng chế biến sâu và đào tạo nguồn nhân lực có năng lực khoa học công nghệ cao để đáp ứng yêu cầu. Giải pháp trước mắt là cần chọn ra mô hình sản xuất tối ưu và hỗ trợ họ phát triển. Sau đó đầu tư nhân rộng các nhà máy theo mô hình được chọn ở các vùng nguyên liệu.

Lê Sáng