Tổ chức Đảng là động lực cho doanh nghiệp tư nhân phát triển
Nếu có tổ chức Đảng trong doanh nghiệp tư nhân thì cả chủ doanh nghiệp, người lao động và xã hội sẽ được hưởng lợi. Vì vậy, việc Đảng bộ cấp trên cần hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, trong những năm qua, kinh tế tư nhân sử dụng 85% lao động của nền kinh tế, đóng góp khoảng 39%-45% GDP của đất nước. Nước ta đặt chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp ; đến năm 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030, cả nước có 2 triệu doanh nghiệp.
Hội nghị TW 5, khóa XII đã khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Để giúp kinh tế tư nhân phát triển nhanh, mạnh, ngày 18/3/2019, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 33-CT/TW về tăng cường xây dựng tổ chức Đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân. Theo đánh giá, Chỉ thị này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc khẳng định, xác lập, đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân.
Để làm rõ hơn nữa vai trò của Chỉ thị 33-CT/TW, chúng tôi đã có buổi trao đổi với ông Trịnh Đình Cường - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP. Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu), Tổng Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ tài chính, kế toán thuế Rồng Việt (Công ty Rồng Việt).
- Là một đảng viên, cũng là chủ một doanh nghiệp ngoài nhà nước, ông đánh giá như thế nào về vai trò của Tổ chức Đảng đối với sự phát triển của doanh nghiệp?
Tôi cho rằng, nếu có tổ chức Đảng sẽ giúp doanh nghiệp định hình được công tác quản lý, nhất quán tư tưởng và nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Hơn nữa, Tổ chức Đảng cũng giúp giáo dục nhân cách người lao động, Đảng viên gương mẫu và hăng say trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ đó, thúc đẩy hiệu quả kinh doanh tăng, góp phần phát triển kinh tế doanh nghiệp và nhà nước. Đặc biệt, việc có tổ chức Đảng giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật nhà nước, tạo nền móng cho sự phát triển bền vững.
- Thưa ông, từ khi được thành lập, Chi bộ Đảng đã đóng góp như thế nào trong thành công chung của Công ty Rồng Việt.
Tháng 1/2017, Chi bộ Đảng Công ty Rồng Việt được thành lập với 3 Đảng viên. Sau hơn 2 năm phát triển, đến nay Chi bộ đã có 17 đảng viên sinh hoạt.
Do các Đảng viên sinh sống ở nhiều địa bàn khác nhau, nên trước đây họ phải sinh hoạt ghép, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của công ty. Khi Chi bộ Đảng được thành lập, đã tạo được điều kiện thuận lợi cho đảng viên là cán bộ nhân viên sinh hoạt Đảng tại đơn vị, không phải sinh hoạt ghép ở các chi bộ khác ở các tỉnh bạn như trước đây.
Hơn nữa, các đảng viên trong công ty luôn luôn nêu gương về chuẩn mực đạo đức, văn hóa ứng xử, trách nhiệm trong kinh doanh và với cộng động để nhân viên và người lao động làm theo. Đồng thời, các đảng viên thực hiện tốt nhiệm vụ sâu sát, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người lao động và làm công tác vận động, tuyên truyền để người lao động an tâm công tác và chấp hành tốt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định, quy chế của công ty.
Ngoài ra, Chi bộ phối hợp với tổ chức Công đoàn và Chi đoàn Thanh niên động viên cán bộ nhân viên phát huy vai trò làm chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, cùng ra sức thi đua hoàn thành nhiệm vụ kinh doanh với hiệu quả cao. Nhờ có tổ chức Đảng, Ban Giám đốc công ty đã nắm bắt kịp thời chủ trương, định hướng phát triển của TP. Vũng Tàu và của tỉnh để vận dụng vào điều hành, kinh doanh.
Thông qua Đảng Doanh nghiệp ngoài nhà nước TP. Vũng Tàu, bản thân tôi là đảng viên cũng là chủ DN đã được tạo điều kiện nêu lên những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp với lãnh đạo TP. Vũng Tàu để được hỗ trợ, giải quyết.
- Ông đánh giá như thế nào về hoạt động của các Chi bộ Đảng tại các doanh nghiệp tư nhân hiện nay?
Tôi cho rằng, các doanh nghiệp ngoài nhà nước hiện nay chưa chưa nghiêm túc phát triển, tổ chức Đảng; chưa tạo điều kiện về thời gian cho các Đảng viên tham gia công tác Đảng.
Công tác tuyên truyền về chính sách, nghị quyết hay các văn bản của Đảng đều chưa tuyên truyền một cách nghiêm túc và khoa học. Các Chi bộ ở các doanh nghiệp hiện nay hoạt động còn chưa nhiệt tình, mang tính chất hình thức chứ chưa chất lượng. Tại nhiều đơn vị, Công tác sinh hoạt đảng định kỳ còn chưa đầy đủ, buông lỏng. Chi bộ chưa đảm bảo được quyền lợi, tâm tư nguyện vọng của Đảng viên.
- Theo ông, nếu có Chi bộ Đảng trong doanh nghiêp tư nhân, quyền lợi và trách nhiệm của người lao động sẽ thay đổi thư thế nào so với hiện nay?
Từ thực tiễn của Chi bộ Công ty Rồng Việt, chúng tôi cho thấy Tổ chức Đảng đã thúc đẩy doanh nghiệp ngày càng phát triển vững mạnh hơn. Kể từ khi có tổ chức đảng đã thể hiện rõ vai trò lãnh đạo hạt nhân trong phát triển doanh nghiệp; tổ chức đoàn thể, nhận thức của cán bộ công nhân viện, của người lao động được nâng lên rõ rệt, nội bộ đoàn kết, thi đua lao động, sản xuất đạt năng suất cao.
Có thể bạn quan tâm
“Nút thắt” trong xây dựng và phát triển tổ chức Đảng tại doanh nghiệp tư nhân
04:00, 07/06/2018
Xây dựng tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp FDI: Không đơn thuần áp đặt lên nhà đầu tư
05:46, 30/05/2018
Xây dựng tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp FDI: Thách thức phát triển mới
05:05, 29/05/2018
Xây dựng tổ chức Đảng trong doanh nghiệp tư nhân ở Hải Dương
09:24, 26/07/2017
Sự minh chứng chính rõ nhất chính là kết quả tăng trưởng kinh doanh từ năm 2017, doanh thu và lợi nhuận của Công ty tăng 20% so với năm 2016, thu nhập của cán bộ công nhân viên cũng tăng lên 16%/ năm. Ngoài ra, các chế độ, phúc lợi của công nhân, người lao động cũng được cải thiện hơn trước.
- Theo ông, vì sao vẫn có một số noanh nghiệp ngoài nhà nước không muốn thành lập Chi bộ Đảng.
Tôi cho rằng có rất nhiều lý do. Trước hết, chủ doanh nghiệp chưa nhận thức đúng và đầy đủ về tổ chức Đảng nên sợ thành lập tổ chức chính trị trong doanh nghiệp sẽ kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp.
Qua tìm hiểu, tôi được biết nhiều chủ doanh nghiệp còn e dè, chưa hợp tác để thành lập tổ chức Đảng vì sợ khi ra đời, Chi bộ Đảng sẽ phiền hà và ảnh hưởng tới các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Hơn nữa, chủ doanh nghiệp cũng sợ khi thành lập tổ chức Đảng phải sinh hoạt nhiều, ảnh hưởng tới thời gian sản xuất kinh doanh của người lao động.
Trong khi đó, nhiều người lao động không quan tâm tới tổ chức Đảng. Quan điểm của họ là không theo con đường chính trị nên không cần phải kết nạp Đảng. Ngoài ra, có những người muốn vào Đảng nhưng họ ngại đi học lớp cảm tình Đảng và ngại làm thủ tục xin vào Đảng. Họ sợ mất thời gian làm việc, giảm sút thu nhập.
Đối với doanh nghiệp tư nhân thì chủ doanh nghiệp hầu như quyết định mọi thứ. Có những trường hợp chủ doanh nghiệp không phản đối việc thành lập tổ chức Đảng. Tuy nhiên, chủ doanh nghiệp không đồng ý vào Đảng hoặc không làm Bí thư tổ chức Đảng. Đó cũng là rào cản lớn cho việc sinh hoạt định kỳ của tổ chức Đảng. Có nhiều tổ chức Đảng phải sinh hoạt vào những ngày cuối tuần hoặc sinh hoạt vào ngày thường thì Đảng viên phải xin nghỉ phép hoặc nghỉ không lương. Ngoài ra chủ doanh nghiệp không phải là bí thư thì vai trò của tổ chức Đảng cũng bị lu mờ vì việc xây dựng, đề ra các chương trình, kế hoạch của tổ chức Đảng cũng khó sát với kế hoạch hoặc chiến lược phát triển của công ty.
Đặc biệt, đa phần đa là các doanh nghiệp không đủ số lượng 3 Đảng viên để thành lập theo quy định. Vì thế, họ không hào hứng đối với việc thành lập Chi bộ Đảng.
- Theo ông, để các doanh nghiệp ngoài nhà nước “muốn” thành lập Chi bộ Đảng, cần có giải pháp gì ?
Từ thực tiễn hoạt động của Chi bộ Công ty Rồng Việt, cũng như nắm bắt hoạt động của các doanh nghiệp thành viên tôi cho rằng Đảng ủy cấp trên cần chú trọng hơn nữa về công tác phát triển đảng viên và thành lập tổ chức Đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước. Đảng bộ, Ban Tuyên giáo và các tổ chức của cơ quan nhà nước phải thường xuyên tuyên truyền, vận động thành lập chi bộ Đảng; động viên chủ doanh nghiệp kết nạp Đảng và đặc biệt động viên chủ doanh nghiệp làm Bí thư chi bộ khi chi bộ đã được thành lập.
Đảng bộ cấp trên cũng thường xuyên tiếp cận, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thành lập chi bộ. Ví dụ doanh nghiệp chưa đủ 3 đảng viên thì nên sinh hoạt ghép, có thể ghép 2, 3 doanh nghiệp thành lập 1 chi bộ. Sau khi ổn định về số lượng thì tách sau.
Hình thức sinh hoạt Đảng cũng cần được đa dạng hóa để phù hợp với đặc thù của các doanh nghiệp. Đối với những doanh nghiệp có người lao động làm việc ở nhiều tỉnh thành, nhiều quốc gia thì cho phép sinh hoạt trực tuyến, tạo điều kiện cho người lao động vừa hoàn thành được nhiệm vụ công ty vừa hoàn thành nhiệm vụ của chi bộ Đảng.
Ngoài ra, các chương trình, dự án đầu tư xã hội hóa cần được tuyên truyền, công bố cho các doanh nhân nắm bắt kịp thời hơn. Hình thức tuyên truyền có thể thông qua tổ chức Đảng hoặc Hội doanh nhân, Doanh nghiệp, từ đó giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận và thực hiện các dự án của địa phương.
- Xin cảm ơn ông.