Mở cao điểm xử lý vi phạm, khắc phục "thẻ vàng" IUU
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định, Việt Nam không cho phép và sẽ mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý nghiêm mọi vi phạm về khai thác IUU.
>>>TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững
Chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu phải xử lý nghiêm đối với các tàu cá “3 không”: không đăng ký, không giấy phép khai thác, không đăng kiểm. Xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực khai thác thủy sản: khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, đánh bắt sai vùng, sai tuyến...
Theo Bộ NNPTNT, thực hiện các khuyến nghị của EC và thực hiện ý kiến Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp trực tuyến về chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" ngày 14/9/2021. Đến nay, hệ thống pháp luật về thủy sản đã được hoàn thiện và cơ bản đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế, chống khai thác IUU.
Về quản lý đội tàu, đã ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu tàu cá lên hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase) để quản lý đội tàu. Công tác quản lý đội tàu từng bước đi vào nề nếp, giảm dần số lượng tàu cá để giảm cường lực khai thác và nghề khai thác ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái.
Đối với theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển, đến nay, công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên đã đạt 95,27% (28.519/29.936 tàu) tăng 5,01% so với trước.
Về chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thuỷ sản, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác tại vùng biển Việt Nam được kiểm soát theo chuỗi qua cơ chế xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác hải sản đảm bảo thống nhất với hồ sơ kiểm soát tàu ra vào cảng, công tác xác nhận tại 53 cảng cá chỉ định, chứng nhận tại Chi cục Thủy sản, cấp chứng thư xuất khẩu và kiểm soát nguyên liệu tại các nhà máy chế biến.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết khung pháp lý của Việt Nam về chống IUU hiện tương đối đầy đủ, thể hiện rõ được cam kết phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế. Tại cấp Trung ương, Quốc hội thông qua Luật Thủy sản năm 2017, Chính phủ ban hành 2 Nghị định, Bộ NN&PTNT ban hành 8 Thông tư. Thủ tướng ban hành 3 Chỉ thị, 3 Công điện, 2 Quyết định. Đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cho biết có một số nguyên nhân khiến chưa thể gỡ được thẻ vàng. Thứ nhất, trong nhật ký đánh bắt, ngư dân ghi chép không chuẩn. "Tôi đi từng cảng cá, lật từng cuốn số hành trình và nhận thấy, đây không phải nhật ký mà là hồi ký. Lẽ ra từng hoạt động trên thuyền đánh bắt phải được ngư dân ghi chép ngay vào nhật ký. Nhưng, hầu hết sổ đều do vợ con của ngư dân ghi chép lại, nên sẽ có nhiều chi tiết không đúng với thực tế. Lý do sâu xa là nhận thức của bà con ngư dân về chống IUU chưa đồng nhất”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định.
>>>Việt Nam quyết liệt triển khai khuyến nghị khai thác thuỷ sản
>>>Xuất khẩu thuỷ sản tận dụng lợi thế logistics vào thị trường Trung Quốc
Thứ hai, nhiều tỉnh ven biển xử lý vi phạm về chống IUU chưa quyết liệt. Đang có hiện tượng tàu từ tỉnh nọ chạy sang tỉnh kia khi cập bờ để xuất bán hải sản khai thác được, dẫn đến không thể truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác.
Thứ ba, tình trạng giải ngân vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cho cảng cá còn chậm, khiến nhiều cảng cá loại 1 không thể kiểm soát được sản lượng khai thác. Việc khai thác, đánh bắt cá ở kinh, vĩ độ nào, nhiều địa phương không thể xác định chính xác.
"Không kiểm soát được sản lượng khai thác thì không thể truy xuất được nguồn gốc. Tôi biết, có tỉnh chỉ kiểm soát được 3% tổng sản lượng đánh bắt", Thứ trưởng nói.
Qua 5 cuộc họp sơ kết, đánh giá kết quả của Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các Bộ, ban, ngành cần tích cực, chủ động hơn nữa trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con ngư dân.
"Chúng ta cần phải nhắc nhau, rằng gỡ thẻ vàng IUU trước hết chính là vì đời sống của bà con. Nếu làm được, Việt Nam sẽ có thêm sức hút với đầu tư quốc tế, giúp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.
Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Tổng cục Thủy sản và các địa phương phải tổ chức, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở thu mua, tiêu thụ sản phẩm thủy sản tham gia tích cực, phát huy vai trò, nâng cao trách nhiệm xã hội, cùng chia sẻ lợi ích với ngư dân trong chuỗi giá trị sản xuất khai thác thủy sản để nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản khai thác.
Đồng thời cần xây dựng, phát triển các mô hình liên kết, liên doanh, gắn kết các khâu trong quá trình sản xuất, từ khai thác, bảo quản đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm phù hợp với từng nghề, từng địa phương.
“Phải tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm đối với các tàu cá “3 không”: không đăng ký, không giấy phép khai thác, không đăng kiểm. Xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực khai thác thủy sản nhất là đối với các tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU); đánh bắt sai vùng, sai tuyến”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường hơn nữa công tác giám sát, quản lý đối với hoạt động sửa chữa, đóng mới, cải hoán tàu cá, nhất là các doanh nghiệp sửa chữa, đóng mới cải hoán tàu cá liên vùng. Phải tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định về cấm khai thác, tạm ngừng khai thác có thời hạn, vùng cấm khai thác, cấm theo nghề tại một số vùng biển, khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, nơi cư trú của các loài thủy sản.
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững
22:20, 19/09/2022
Doanh nghiệp thuỷ sản đối mặt với nhiều khó khăn những tháng cuối năm
03:00, 16/09/2022
Thúc đẩy giao thương cho các doanh nghiệp chăn nuôi, thuỷ sản
09:49, 15/09/2022
Hợp tác, đầu tư cho doanh nghiệp ngành chăn nuôi, thủy sản
04:00, 15/09/2022